Đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina, đi đến đâu cũng được chào đón, ca tụng nhưng vị Bá tước, nhà tri thức, nhà văn của nước Nga, Leo Tolstoy (1828 – 1910) chưa bao giờ cảm thấy bằng lòng về bản thân. Trong nhật ký ghi ngày 7/7/1854, tức là năm 26 tuổi, hãy còn trong lứa tuổi thanh niên nhiều lý tưởng, Tolstoy đã viết những dòng nhận xét mỉa mai, cay nghiệt về chính bản thân mình. Ông tự coi mình là một kẻ không được hưởng một nền giáo dục thế tục khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ sớm và luôn lợi dụng thân thế quý tộc để thăng tiến. “Hãy nhìn tôi đây, một kẻ bất tài, xấu xí, vụng về, ít học, cộc cằn, nhàm chán, kiêu ngạo nhưng thực tế thì nhút nhát như một đứa trẻ. Tôi cũng là một kẻ hà tiện… Nếu được lựa chọn giữa vinh quang và đức hạnh, tôi chọn vinh quang”, ông nói. Đồng thời, Đại văn hào liêt kê một loạt những tính xấu khác như thiếu quyết đoán, vô độ, hèn nhát, lười biếng, tham vọng.
Dù có nguồn gốc quý tộc lừng lẫy nhất nước Nga nhưng Leo Tolstoy đã trải qua một thời thơ ấu bất hạnh khi cha mẹ lần lượt qua đời từ rất sớm. Nhưng cuộc sống xê dịch, thiệt thòi không làm giảm bớt đi sự mộng mơ trong tâm hồn của cậu bé. Leo Tolstoy đã cầu nguyện nhiều đêm để Chúa ban cho có một bề ngoài dễ coi, ít ra là như anh trai Sergei. Nhưng kết cục ngược lại, càng lớn Tolstoy càng không mấy đẹp trai với dáng vóc thô mộc và làn da đỏ đắn. Điều ngạc nhiên hơn nữa là tiểu thuyết gia vĩ đại nói rằng ông biết yêu từ thuở thơ ấu, khi mới 9 – 10 tuổi. Người lọt vào mắt xanh của Tolstoy là Sonia Koloşina, một cô bé 9 tuổi có họ hàng xa với gia đình. Sự vui tươi, yêu đời đã hút hồn chàng trai xuất thân từ gia đình đại quý tộc. Một đêm trước khi đi ngủ, Tolstoy đã tâm sự với anh trai Sergei rằng cậu đã có “một tình yêu ghê gớm với Sonia”. Mãi tới năm 1903, tức là ở tuổi 75, Tolstoy vẫn luôn nói rằng “Tình yêu lớn nhất của tôi là từ những ngày còn rất bé, đó là Sonia Koloşina”.
Cuộc sống xê dịch, thiệt thòi từ tấm bé chỉ làm tâm hồn của Đại văn hào nước Nga cũng là nhà quý tộc ưa cuộc sống của tá điền thêm phần thơ mộng
Sau này, thời thanh niên sôi nổi, Tolstoy từng có mối tình sâu đậm với Liubov Islavina. Vì ghen tuông, Đại văn hào từng có một trận đòn ghen tàn nhẫn với người tình khiến cô rơi từ ban công xuống và trở thành người què quặt. Liubov Islavina sau đó kết hôn với bác sĩ Evstafiev Andrew Ber và sinh một con gái đặt tên là Sophia Andreyevna Behrs Bất ngờ hơn nữa là vào năm 1862, Tolstoy đã kết hôn với Sofia và chính thức trở thành con rể của người tình một thời và ông coi đây là một hành động trừng phạt cho sự phản bội một thời của Liubov Islavina và khiến cuộc hôn nhân của Sofia Andreyevna Tolstoya nhuốm màu đau khổ.
Từng làm biết bao phụ nữ điêu đứng, Đại văn hào nước Nga, với sức hấp dẫn không thể lý giải cũng không giấu diếm niềm ham thích chinh phục những người tình cùng giới. Trong nhật ký ghi ngày 29/11/1851, khi rất còn trẻ, ông viết: “Tôi thường say mê các chàng trai. Tình yêu đầu tiên tôi dành cho cho Musin-Pushkin. Tôi đã rất yêu hai chàng trai Sasha và Alyosha Musin-Pushkin. Tôi khóc, nghĩ về họ và tôi cầu Chúa xin Người cho tôi được nhìn thấy họ hàng ngày”.
Sinh thời, Leo Tolstoy cùng với Dostoevsky được xem là hai tên tuổi nổi tiếng nhất trong làng văn học nước Nga. Tuy nhiên tiểu thuyết gia vĩ đại từng viết trong một lá thư gửi cho một người bạn vào mùa hè năm 1880 sau khi đọc tiểu thuyết The House of the Dead (Ghi chép từ Ngôi nhà chết) của Dostoevsky, trong đó có đoạn: “Nếu bạn thấy Dostoevsky, nói với anh ấy tôi yêu anh ấy”. Không lâu sau đó, vào ngày 28/1/1881, nghe tin Dostoevsky qua đời, Tolstoy đã thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc khi hoang mang và bật khóc. Đại văn hào nói rằng dù chỉ là trong ý nghĩ, ông chưa bao giờ ghen tị, cạnh tranh với tác giả Lũ người quỷ ám mà luôn coi Dostoevsky như một người bạn.
Những năm cuối đời, Leo Tolstoy rời xa ánh hào quang danh vọng để lui về miền quê sống cuộc đời giản dị như một tá điền Nữ công tước Maria Nikolaevna Tolstaia, mẹ của Leo Tolstoy qua đời vào ngày 4/8/1830 khi Đại văn hào tương lai của nước Nga chỉ mới 2 tuổi. Mặc dù những người thân luôn nói rằng mẹ của ông là một phụ nữ tử tế, hiền lành, thông minh và đẹp đẽ nhưng trong căn nhà của gia đình rất hiếm hoi những hình ảnh của bà để cậu bé tội nghiệp có một hình dung rõ ràng, trừ một bức ký họa chân dung đen trắng mơ hồ khi bà mới 10 – 12 tuổi. Tuy vậy, trong tâm tưởng, Tolstoy luôn tâm niệm ngưỡng vọng với người đã sinh ra mình. Vài năm trước khi qua đời, ông viết: “Tôi đi bộ trong vườn và tôi nghĩ về mẹ tôi, người mẹ mà tôi không nhớ bất cứ điều gì về bà nhưng vẫn là một hình mẫu lý tưởng, thánh thiện. Tôi chưa bao giờ nghe bất cứ điều gì không hay về bà”.
Sau khi qua đời, thi hài của Đại văn hào nước Nga được chôn cất cạnh một khe nước, nơi ông từng sống những ngày tuổi thơ ấm áp bên những người anh, chị của mình.