Giấu buồn vào con chữ

01:11:00 01/12/2013

Tuy bất hạnh và cô đơn, nhưng có lẽ Trần Thị Nhật Tân (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) là nữ nhà văn sôi nổi và lạc quan nhất mà tôi được biết. Nhà bà ở không có đài, ti-vi, chỉ có một chú chó, một chú mèo và những chồng bản thảo viết tay. Thi thoảng bà lại đi đâu đó thật xa và viết, như thể đang cố gắng lấp những khoảng trống trong lòng bởi văn chương.

Với nhà văn Trần Thị Nhật Tân, mỗi chuyến đi như một cơ hội lấp đầy những khoảng trống trong lòng và tích lũy để sống cùng văn chương.

Viết để... quên mình

Lần nào gọi điện cho nhà văn Trần Thị Nhật Tân, tôi cũng được nghe một giọng cao, khỏe khoắn khoe về tác phẩm mới, những chuyến đi và thật nhiều dự định. Ngày 25-11 vừa qua, Trần Thị Nhật Tân có việc ra Hà Nội, cũng là để "chào hàng" cuốn tiểu thuyết vừa hoàn thành có tên "Mây trắng".

Đây là cuốn sách mà phần nhiều thời gian bà vừa lau mồ hôi vừa viết tay, bởi nhà thường mất điện, mà có điện thì chiếc quạt máy cũng luôn "tậm tịt". Nhưng tác phẩm đã được hoàn thành từ chính nỗ lực, sự chắt lọc trải nghiệm, quan sát thực tế xã hội trong suốt hai năm qua. "Cô viết rất ngọt cháu ạ, toàn những vấn đề nóng bỏng, nhưng được khúc xạ nên mềm mại đi. Đây là cuốn cô tâm huyết, nên dành số tiền lương ít ỏi của mình ra đầu tư, rồi sẽ xin giấy phép xuất bản. Bè bạn mỗi người mua giúp một đôi cuốn, thế là lãi được cuốn sách", Nhật Tân chia sẻ. Thực ra bà chơi chữ khi dùng "lãi" ở đây, với bà có thêm một đầu sách, thỏa cái thú được viết, được giãi bày còn hơn mọi lợi nhuận mà những nhà đầu tư xuất bản tính toán theo lẽ thường.

Trở lại năm 1982, sau khi học xong Trường Viết văn Nguyễn Du khóa II, Nhật Tân về Nam Định và thất nghiệp. Ngẫm nghĩ mãi rút cục gánh mưu sinh khiến bà đành không từ cả những việc nặng nhọc như kéo xe cải tiến chở vật liệu xây dựng, móc cống, rửa bát thuê... và ăn ở đều nhờ vào vỉa hè thành phố. Bà kể: "Khổ thì đã khổ rồi, không thể uất ức mà làm hại mình. Nhưng cô lại có cái may cháu ạ. Sống ngoài vỉa hè, cô học được cái mẹo làm sao sống để phường nghiện hút, trộm cắp không làm hại. Và từ đó, cô đã có cảm hứng viết tiểu thuyết Dòng xoáy".

Tiểu thuyết in xong, có dư luận tốt, Nhật Tân được giúp đỡ cho thuê cửa hàng bán phở. Kiếm được tiền, nhưng vẫn trăn trở về cuộc đời và thèm viết... không chịu được. Nhật Tân cầm số tiền tích cóp được đi gửi, đồng thời trả cửa hàng, tiếp tục sống ngoài vỉa hè để viết Dòng xoáy tập hai, dự định viết xong sẽ xin tiền gửi về in. "Đồng nghiệp" với bà ngày đó vô cùng nể một người phụ nữ gầy gò, nhỏ bé, ngày thì kéo xe rất khỏe, người bình thường nhận việc một thì bà nhận gấp đôi, đêm về lại thắp đèn tay, tì vào gốc cây vỉa hè viết tiểu thuyết. Những con chữ thấm mồ hôi, những trang bản thảo của bà lấm láp phận người và phập phồng những ước mơ. Vất vả làm thuê và dành dụm mãi, đến năm 1994, nữ nhà văn mới mua được một căn nhà nhỏ, cuộc sống bớt cơ cực hơn.

Tôi hỏi, sống một mình, lại tuổi cao, bà dồn tiền in sách, rồi lại đi nhiều như vậy, chẳng lẽ không lo dành tiền phòng thân hay dưỡng già? Bà cười, trả lời: "Chuyện bệnh tật, tuổi tác tính sau. Cô không viết thì không chịu được. Văn chương đã bồi đắp cho con người nhiều bất hạnh như cô. Cô viết để được sống, được cười, được quên và hy vọng về những điều tốt đẹp của tình người".

Người "nhiều không"

Văn chương thì như thế, chuyện gia đình, chồng con của Nhật Tân cũng đầy nước mắt. Với một người mà nỗi bất hạnh cứ chất chồng, tôi hiểu bà cần văn chương đến mức nào. Mồ côi từ nhỏ, các anh trai hy sinh trong chiến tranh, mấy chị em ly tán rồi sau này chẳng ai quan tâm được đến bà, Nhật Tân đã cố gắng học và trở thành nhân viên ngành bưu điện, sau đó trực tổng đài của Viện Quân y 108 (đóng tại Cầu Giấy - Hà Nội), tiếp sau về dạy học ở Nam Định. Dạy tốt, nhưng mê văn chương, cô giáo Tân đã xin đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Ra trường, không được nhận lại làm việc, cô giáo - nhà văn ấy trở thành kẻ thất nghiệp, không nhà, không người thân.

Tôi hỏi: "Ngày đó bà xinh xắn, tại sao không lấy chồng, có con?". Nhật Tân cười: "Ôi, cháu không thể tin được đâu. Cô cũng muốn lắm chứ. Nhưng chuyện tình duyên của cô trắc trở lắm, cứ như chuyện hài ấy. Cô đã ba lần đăng ký kết hôn, hai lần đã kịp may áo cưới rồi đấy, nhưng vẫn chẳng có chồng".

Bà kể tiếp, ngay từ năm 1970, khi đang là cô giáo có người giới thiệu cho Nhật Tân với một cán bộ. Hai người đồng ý, đi đăng ký, sắp đến ngày cưới thì cô vợ (anh cán bộ cưới tảo hôn ở quê) ôm con đến gặp Nhật Tân vừa khóc vừa nói: "Em đã là vợ anh ấy rồi, con chúng em đây, giống anh ấy chưa. Xin chị đừng lấy anh ấy". Nhật Tân cảm động, bỏ luôn. Lần thứ hai, Nhật Tân đã thuê địa điểm, đặt cơm nhà hàng, nhưng ngày cưới chỉ thấy mẹ chú rể đến. Bà nói với Nhật Tân: "Không cưới xin gì hết. Tao đã bán nó. Mày có hơn 20 triệu không thì đưa đây, tao đòi về bán lại cho". Không có tiền "mua chồng", cô giáo trẻ đành sống tiếp cảnh đơn côi. Người ta bắt đầu tung lời đồn thổi về giới tính của Nhật Tân.

Thất vọng, rồi lòng như được mở ra khi có người thứ ba... gõ cửa. Một bộ đội xuất ngũ đã vượt qua sóng gió dư luận để đến với Nhật Tân và quyết định tiến tới hôn nhân. Khi hai người đến phòng đăng ký kết hôn thì người nhà chú rể đến nói thầm rằng Nhật Tân là người viết "Dòng xoáy", thường bị gọi nhắc nhở, phải cân nhắc. Sau đó, người đàn ông này đã không dám cưới Nhật Tân nữa.

Cuộc đua cuối đời

Bước sang tuổi 64, Nhật Tân dường như đang chạy đua với thời gian, ấp ủ và viết nhiều hơn, đi nhiều hơn, hết các tỉnh, thành cả nước. Hồi tháng năm vừa rồi, bà và 11 nhà văn khác ở Nam Định được Bộ Quốc phòng mời tham gia thực tế sáng tác vùng biên giới phía bắc. Nhật Tân được tặng danh hiệu năm nhất: "Nhiều tuổi nhất, ăn ít nhất, ít bệnh nhất, sáng tác khỏe nhất, thức khuya dậy sớm nhất". Những chuyến đi đó, bà vô cùng tiết kiệm, muốn đến đâu chỉ đi bộ cho đỡ tốn kém.

Văn chương của bà có thể chưa thành hiện tượng, chưa được nhìn nhận đúng, song luôn giàu hơi thở cuộc sống và chất chứa hy vọng của một người đã từng có thời chẳng còn gì để mất. "Cô đang đua với sức khỏe mình cháu ạ, cô đặt mục tiêu viết rồi. Cô cũng làm di chúc rồi, không có người thân nào, nếu cô mất đi ngôi nhà nhỏ này sẽ được dùng vào việc từ thiện. Còn giờ, cứ đi và viết đã", bà khẳng định.

Có lẽ, bà càng khao khát đi, càng chứng tỏ nỗi mong mỏi khỏa lấp sự cô đơn của mình bằng con chữ. Bởi dù thế nào, chú chó và chú mèo mà bà gọi chúng bằng con, xưng mẹ cũng không thể tâm sự với bà. Nên có điều kiện là bà nhờ hàng xóm qua lại cho chúng ăn, rồi khoác ba-lô lên đường.

NGUYỄN VĂN HỌC

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1