Thang máy Sài Gòn và thử nghiệm cấu trúc của Thuận

08:05:00 04/12/2013

SGTT.VN - Bản tiếng Pháp của Thang máy Sài Gòn được trao tặng giải Sáng tạo (Bourse de Creátion) năm 2013 của trung tâm Sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre). Chỉ riêng điều đó đã cho thấy cuốn tiểu thuyết này hàm chứa khả năng thay đổi mạnh mẽ của Thuận.

Đọc sách

Hiện tại và quá khứ, Việt Nam và Pháp quốc, thực và ảo, ranh giới bị xóa nhòa, tất cả như những sợi chỉ quấn quýt đan xen trong tay một quyền lực vô hình nào đó. Nhân vật chính của Thang máy Sài Gòn có bà nội bán tơ lụa phố Hàng Đào thời Pháp thuộc, bố tìm cách chữa “phốt” trong lý lịch để sau đó được chọn làm cán bộ nòng cốt cho cải cách ruộng đất; có mẹ xuất thân từ “dân nghèo thành thị”, hết cao đẳng tiểu học thì đi theo Việt Minh, mười chín tuổi là cán bộ liên lạc. Năm 2004, tai nạn bất ngờ và phi lý của bà mẹ kéo đứa con gái từ Pháp trở về cùng cậu con trai nhỏ. Thang máy Sài Gòn là nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc ấy, khiến toàn thân người nữ cán bộ ngày ấy nát bấy, trừ khuôn mặt vẫn lành lặn đẹp đẽ mà bà đã cố dùng tay bảo vệ. Ngoài cô con gái, dường như không ai băn khoăn về chi tiết này. Bận áo dài đẹp đẽ, thiêm thiếp giữa hoa hồng đỏ trong quan tài kính, đẹp đến khiến người ta phải trầm trồ, người mẹ trở thành diễn viên chính trong bộ phim đám tang của mình.

Cái chết khởi đầu câu chuyện đã đủ yếu tố cho một vụ án ly kỳ, hấp dẫn nhưng Thuận không viết tiểu thuyết trinh thám, vậy nên cô con gái kia không đi tìm hung thủ. Cô đi tìm một người tình của mẹ – Paul Polotski – người mà mẹ cô từng gặp gỡ và yêu đương trong nhà tù Hỏa Lò vào đêm trước chiến dịch Điện Biên. Thế nhưng, tác phẩm cũng không phải là một thiên tình sử Pháp – Việt đẫm lệ mà chính là hành trình nhân vật nữ đi giải mã những bí ẩn của người khác để rồi tự giải đáp những thắc mắc, những hoài nghi về chính bản thân mình. “Đọc Thang máy Sài Gòn, nếu mang lại cho bạn điều gì bổ ích, thì có lẽ trước hết là sự hoài nghi. Rất có thể là mỗi một lần tìm ra một trật tự mới cho các chương thì bạn lại có thêm những hoài nghi mới” – nhà văn Thuận chia sẻ.

Việc để người đọc đi tìm trật tự mới cho các chương được xem là một thử nghiệm cấu trúc mới của Thuận. Khác Chinatown – tác giả viết một mạch để độc giả phải đọc một hơi, thì Thang máy Sài Gòn có 40 chương được sắp xếp không theo một trật tự nào cả, tên của các chương cũng chỉ có vài từ lặp đi lặp lại: “Hà Nội”, “Sài Gòn”, “Paris”. Thang máy Sài Gòn xáo loạn không chỉ không gian mà còn ngày tháng, trang trước trang sau cách nhau có khi vài thập kỷ. Bước vào Thang máy Sài Gòn, người đọc tưởng đến Sài Gòn nhưng chưa chắc phải Sài Gòn, tưởng đến Hà Nội nhưng chưa chắc phải Hà Nội, tưởng đến Paris nhưng chưa chắc phải Paris, tưởng là quá khứ có khi lại là ngày hôm nay. Vừa hài hước vừa đầy chất giễu nhại, với giọng kể tưng tửng, hành trình tìm kiếm câu chuyện tình của mẹ là những tuyệt vọng của một nửa thế kỷ bị lãng quên.

Thang máy Sài Gòn là những câu chuyện có địa danh, có thời khắc xảy ra, nhưng nhân vật chính trong truyện cứ luôn lơ lửng và lạc lõng, gợi cảm giác về sự mất mát và bẽ bàng. Và dù được kể bằng giọng điệu bình thản hơn các tác phẩm trước, Thang máy Sài Gòn vẫn nguyên vẹn sự day dứt và cay đắng.

Sự thử nghiệm rốt ráo về cấu trúc sẽ là nét lý thú với những người đọc tìm kiếm kỹ thuật văn chương. Nhưng với cả những độc giả chỉ tìm kiếm nội dung, cụ thể ở đây là các biến cố xã hội của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20, tác phẩm cũng là những trải nghiệm rất thú vị. Và tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi đã nhận định: “Trong Thang máy Sài Gòn, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân của Thuận”.

Trâm Anh

Thuận – bút danh của nhà văn Đoàn Ánh Thuận – là tên tuổi quen thuộc với người yêu văn học Việt Nam. Chị là tác giả của một loạt những tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm như T mất tích, Vân Vy, Chinatown, Paris 11 tháng 8… Thuận rời Việt Nam từ năm 17 tuổi để du học tại Nga, rồi lấy bằng thạc sĩ văn học Anh cổ điển tại đại học Paris 7 và bằng thạc sĩ văn học Nga đương đại tại đại học Sorbonne, sau đó định cư tại Pháp. Mấy chục năm xa quê, ngòi bút của nhà văn nữ sinh năm 1967 vẫn gắn chặt với mảnh đất quê hương.

Bản tiếng Pháp do chính Thuận tự dịch. Bản tiếng Việt do NXB Hội Nhà Văn ấn hành.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1