Viễn vọng từ người khác

06:27:00 05/12/2013

TP - Văn chương nghệ thuật ở ta, không rõ có phải may mắn hay không, đó là rất hiếm khi thấy những thứ thật khác. Tất nhiên đâu đó nhiều nơi trên thế giới cũng vậy thôi, để chấp nhận được những thứ rất khác là điều vô cùng khó. Cái “khác” hoàn toàn không phải là cái “độc đáo”. Hai cuốn “Viễn vọng”, “Yersin: dịch hạch và thổ tả” của tác giả Patrick Deville sẽ ra mắt tại L’Epace ngày 12/12 với sự có mặt của tác giả.

Hai cuốn “Viễn vọng”, “Yersin: dịch hạch và thổ tả” của tác giả Patrick Deville sẽ ra mắt tại L’Epace ngày 12/12 với sự có mặt của tác giả.

Ví như Tùng Dương, hay tệ hơn Đàm Vĩnh Hưng chẳng hạn. Khi những nam ca sĩ này diện quần áo lạ thường, uốn éo hát một kiểu dị thường thì đấy chỉ là một thứ rất “độc”. Còn sâu xa, nghệ thuật ở họ vẫn giông giống như cũ, chẳng thấy có cái gì khác thường. Chừng mươi năm gần đây, phần đông những tiểu thuyết của những người viết trẻ, cũng hao hao ở tình trạng như thế.

Nó có thể vẫn hay, có thể vẫn “độc nhất vô nhị”, nhưng vẫn xêm xêm lẫn vào nhau. Có phải vậy chăng mà một nhà văn thành công vừa vừa cũng già rồi, đã trịch thượng nói “hai mươi năm không đọc tiểu thuyết Việt cũng không sợ lạc hậu”. Đại loại văn nghệ nước nhà, nhìn trước ngó sau, loanh quanh chỉ toàn thấy người quen.

Patrick Deville chắc chắn là một “người xa lạ” (chữ của Camus). Không phải ông ta là một ông Tây, không phải ông ta quá đương đại hay quá cách tân. Bởi đã có quá nhiều những nhà văn nước ngoài cũng mang vẻ như thế đang thân thuộc làm mưa làm gió trong lòng người đọc Việt. Đơn cử như trường hợp “nô ben” Mạc Ngôn người Tầu chẳng hạn.

Vừa sáo vừa cũ, vậy mà lượng phát hành sách của ông ta luôn đạt con số “khủng”. Tạng của ông Mạc hợp với cách đọc lâu nay ở chúng ta. Có lẽ vì thế với đông đảo độc giả Việt, tiểu thuyết của Patrick Deville sẽ khó chấp nhận hơn vì nó hoang mang một cách viết thật khác. Rất dễ thấy Yersin, dịch hạch và thổ tả (NXB Trẻ - 2013) có quá nhiều những chi tiết cũ.

Thậm chí vỉa hè còn đồn đại rằng, chính vì điều đó mà ban giám khảo Femina đã đau đầu khi cân nhắc tặng ông giải thưởng. Nhưng Patrick Deville vốn là một “người khác” nên Yersin của ông tuyệt nhiên khác. Nó không “đụng hàng” những “chân dung” về các danh nhân mà những người viết bình thường luôn mang khoái cảm cố phát hiện ra những chi tiết chưa từng ai biết.

Hoặc bức thư tình đầu tiên của ông đó gửi cho một thiếu nữ 16 tuổi. Hoặc cái bà đó rất tham ăn, thậm chí ngấm ngầm còn thủ dâm. Yersin của P.Deville tuyệt không có một thói quen sex nào mới, tuyệt không có một bức thư tình nào mới. Nhưng nó vẫn đẫm đầy tươi mới khác lạ, vẫn bứt rứt ám ảnh người đọc nhờ một giọng kể không hề giống ai.

Nói cho cùng, ở một mức độ nào đó thì nhà văn cũng chỉ là người kể chuyện. Và buồn thay ở ta, ngay cả đơn giản kể thì cũng quá đông những người kể giống hệt nhau. Một thi sĩ đã mất xót xa “đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình” (Tế Hanh). Hình như trong văn chương tuyệt nhiên không nên có “đồng chí”. Điều này được Patrick Deville thể hiện đậm đặc trong cuốn tiểu thuyết xuất sắc Viễn vọng (NXB Trẻ và Nhã Nam- 2013).

Đó là một câu chuyện chẳng có gì, được vài người cũng chẳng quen nhau lắm, chầm chậm ngắc ngứ nhớ trên một tinh thần cũng chẳng sâu sắc phức tạp gì. Một ông bố loay hoay đi tìm xem lại con gái, đôi lúc cáu kỉnh hoài niệm.

Một cặp trai gái lãng đãng như là yêu nhau, như là vớ vẩn sắp mất nhau. Thế nhưng qua từng điểm nhìn của một tài năng bậc thầy, cuộc sống mơ hồ sắc nét buốt nhói hiển hiện. Ở đây, văn chương đã vượt qua sự múa may tạo “kiểu”, nó điềm đạm đạt tới một “cách”.

“Kiểu” thì may mắn thăng hoa thành độc đáo, nhưng muốn bứt phá khác lạ thì phải là “cách”. “Kiểu” thì có thể bắt chước được, nhưng “cách” thì chịu. Bởi đơn giản, chẳng có đứa dở hơi nào lại đi bắt chước cái thật khác mình. Giống như chân chính nghệ thuật, “cách” luôn là cô đơn. Người ta có thể “đạo” một đoạn văn, một bức tranh, một khúc nhạc...Nhưng người ta sẽ bất lực khi phải “đạo” một phong cách.

Và tất nhiên, để chân thành chấp nhận một phong cách mới thì phải có thời gian. Cuộc sống vốn nhân hậu luôn bao dung mọi thứ. Cách lạ sẽ dần dần thành cách quen. Ở Pháp bây giờ, Patrick Deville không hẳn quá là “người xa lạ”. Và ở ta, chừng hai mươi năm nữa, liệu Patrick Deville vẫn có còn là “người khác”.

Nguyễn Việt Hà


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1