Mấy năm gần đây, tiểu thuyết viết về lực lượng vũ trang có vẻ như chìm lắng hơn so với thời kỳ đầu đổi mới. Có thể vì các nhà văn đã thành danh, các nhà văn trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước sau một thời gian viết dài hơi đã đạt được những thành tựu nhất định, bây giờ họ đang đứng lại tự nhìn lại bạn bè, nhìn lại chính mình, để xác định cho mình một hướng đi mới. Còn các nhà văn trẻ thì đang muốn vượt thoát khỏi những cái bóng của những người khổng lồ đi trước, buộc họ phải tìm tòi, cách tân và không còn con đường nào khác là tìm và định hình cho mình một hướng đi. Nhà văn trẻ ngày nay có vốn kiến thức khá sâu rộng, có một lượng sách dịch đủ đọc để chiêm nghiệm và cọ xát với các nhà văn nước ngoài, không ít nhà văn có ngoại ngữ giỏi. Đó là những thế mạnh của lớp nhà văn trẻ sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh.
Đất nước ta hàng ngàn năm giặc dã, chính vì thế hình tượng trung tâm chiếm đa số nhất trong các sáng tác của người nghệ sĩ vẫn là hình tượng người lính, những người lính trực tiếp cầm súng ra mặt trận, cũng như những người lính âm thầm giữ cho sự bình yên của cuộc sống. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa hơn ba mươi năm.
Nếu như trước đây, các nhà văn khoác áo lính viết về đề tài lực lượng vũ trang thường đi sâu vào phân tích cái đại cuộc, lý giải về các mâu thuẫn nội tại và ngoại lai dẫn đến chiến tranh, đến bất ổn về một thể chế chính trị, quyết định số mệnh của cả một dân tộc. Thì cũng chính những nhà văn đó, nhờ có độ lùi của thời gian, họ đã có sự nghiền ngẫm, những lắng đọng, những trăn trở thời hậu chiến và vì vậy tác phẩm của họ cũng trở nên nhức buốt hơn, “công bằng” hơn, được nhìn từ nhiều phía hơn. Điển hình cho hiện tượng này có nhà văn Khuất Quang Thụy. Nếu tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” như là một thiên phóng sự dài về các trận đánh của bộ đội ta vào đội hình địch trong cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên thì đến tiểu thuyết “Không phải trò đùa” đã có một sự chiêm nghiệm đáng kể, có những thân phận rõ nét và những suy nghĩ đa chiều của người lính trước khi ra trận. Mới đây, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Đối chiến”.
|
Bìa 2 cuốn sách “Hoa bay” của Chu Thanh Hương và “Đối chiến” của Khuất Quang Thụy. |
Với nhân vật Đông có sự lãng mạn và rất người đối với tình yêu trong thời chiến. Và các nhân vật như Tiểu đoàn trưởng Kiều Bá Thịnh, Trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên, Trưởng ban Tác chiến Nguyễn Hải Đông, trợ lý tác chiến Lê Hoài Dân đều là những người... gần như thật để cắt nghĩa rằng tại sao chúng ta đã chiến thắng, phải chăng đó là nét đẹp vĩnh cửu của những anh bộ đội Cụ Hồ. Chúng ta đừng quan niệm cái đẹp là một cái gì đó quá hoàn hảo, cái đẹp đôi khi vẫn có những chỗ khiếm khuyết, thậm chí là hơi méo mó…
Chính nhà văn Khuất Quang Thụy đã từng tâm sự về độ lùi của chiến tranh đối với nhà văn: “Thời gian là người thầy vĩ đại, giúp chúng ta nhận thức ra nhiều vấn đề. Đã có lần tôi ví như khi chúng ta đang trong một đám cháy thì chỉ thấy cay mắt, rát mặt, khói mù mịt chứ có thấy gì đâu. Thậm chí, người chết bên cạnh cũng chẳng nhìn thấy. Khi chạy bà hỏa, có khi thứ đồ gia bảo ta không lo chạy mà lại vớ lấy mấy thứ vớ vẩn để mang ra khỏi đám cháy. Lùi ra ngoài đám cháy sẽ thấy đám cháy to hay bé, rồi phải tìm hiểu, hỏi han vài ba ngày mới hiểu vì sao lại cháy, thậm chí lúc đó chúng ta lại vô cùng kinh ngạc khi nguyên nhân xảy ra đám cháy lại rất vớ vẩn, chứ không vì lý do to tát nào như ta vẫn tưởng khi ở trong đó”.
Cùng chung suy nghĩ đó có nhà văn Nguyễn Bảo với tiểu thuyết “Thượng Đức”, nhà văn Văn Lê với tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt”, nhà văn Nguyễn Như Phong với tiểu thuyết “Chạy án”, nhà văn Xuân Đức với tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ”, nhà văn Nguyễn Quang Hà với “Vùng lõm”, nhà văn Trung Trung Đỉnh với “Lính trận”, nhà văn Trần Văn Tuấn với “Rừng thiêng nước trong”… Đọc “Thượng Đức” của Nguyễn Bảo, ta thấy kẻ thù không còn ngờ nghệch, quá khát máu, thú tính và ngu xuẩn như trước đây. Kẻ thù trong “Thượng Đức” đầy khôn ngoan, xảo quyệt và còn biết cả làm dân vận, tâm lý chiến cũng rất giỏi.
Tháng 11/2013, nhà văn Phạm Quang Đẩu qua Nhà xuất bản CAND cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Đơn tuyến” viết về những năm tháng, cuộc đời nhà tình báo, nhà khoa học, Thiếu tướng Công an Nguyễn Đình Ngọc. Nếu chúng ta đọc “Đơn tuyến” sẽ thấy một điều rằng, vẫn là những thủ pháp và cảm hứng anh hùng ca nhưng trong mỗi trang văn, trong mỗi tình huống đều nặng nỗi ưu tư, đơn tuyến nhưng không đơn độc, và cuộc chiến tranh của dân tộc ta tự cổ chỉ kim đều là chiến tranh nhân dân, toàn dân chiến đấu, nên cho dù là đơn tuyến nhưng nhà tình báo của chúng ta không đơn độc.
Chiến tranh, nhà văn và các tác phẩm của những nhà văn trong lực lượng vũ trang đã làm được sứ mệnh to lớn, có sức mạnh như một binh chủng tinh nhuệ. Hòa bình đã hơn ba mươi năm, các nhà văn đang dần tìm lại giá trị đích thực của văn chương, đó là tính trung thực của hiện thực như nó vốn có. Điều đó không có nghĩa là đào bới lên, phán xét lại các vấn đề, mà khơi gợi ra những mảng màu tối sáng đang bị khuất lấp, nâng tầm lên một bước để người đọc có cái nhìn bao quát hơn, nhiều chiều kích hơn về một giai đoạn lịch sử bi hùng, thần thánh của dân tộc ta.
Có một điểm rất mạnh của những nhà văn trong lực lượng vũ trang là họ đã đặt được bối cảnh của đất nước đúng với thời kỳ lịch sử, đúng với lịch sử và với cái nhìn lịch sử để tách bóc và vi phẫu tâm lý nhân vật. Tính nhân văn, nhân bản và lương tâm của người cầm bút chính là ở chỗ đó. Có những sự kiện, những việc làm nếu lấy điều kiện, hoàn cảnh và nhận thức của thời bây giờ để mà nhìn nhận, phân tích, đáng giá thì thấy nó sai, nó lố bịch, thậm chí là tội ác. Nhưng trong bối cảnh, thời điểm lịch sử khi sự kiện đó xảy ra thì lại là một chuyện khác, một việc đáng làm.
Mấy năm trở lại đây, tình hình xã hội trong nước và trên thế giới có những chuyển biến hết sức mau lẹ, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn, những toan tính và những được mất, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, nhiều giá trị đạo đức xã hội xuống cấp một cách trầm trọng. Mảng đề tài an ninh và bình yên cuộc sống có một số lượng đáng kể các tác phẩm của những nhà văn sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh như Đỗ Tiến Thụy với tiểu thuyết “Màu rừng ruộng”, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với “Biển xanh màu lá” và “Sát thủ online”. Tiểu thuyết “Hoa bay” của nhà văn Chu Thanh Hương viết về nạn buôn người.
Qua tiểu thuyết “Hoa bay”, hình tượng người chiến sĩ Công an được khắc họa rõ nét và gần gũi. Chiến sĩ Công an là những con người bình thường, hằng ngày làm những công việc bình thường do xã hội phân công và nhân dân giao phó, nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó, họ biết bỏ qua một bên những vướng bận tầm thường để làm những nhiệm vụ phi thường. Phải chăng thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến người đọc là: Những khi bình thường thì mọi người đều chỉ bình thường, chỉ khi có những việc bất thường thì mới phát hiện ra những người phi thường?! Cả hai tác giả Nguyễn Xuân Thủy và Chu Thanh Hương đều là những nhà văn trẻ và đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi văn chương của Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam. Cả hai tiểu thuyết “Hoa bay” và “Sát thủ online” đều đã được dựng thành phim truyền hình nhiều tập và đang được trình chiếu trên sóng truyền hình.
Điều đáng mừng ở đây là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống của các nhà văn Quân đội và Công an đã gợi lên cho người đọc tính nhân văn, lòng cao thượng và một niềm tin sống. Cái gì là ác, là đi ngược với tiến trình phát triển của lịch sử, là sự vô luân… thì sớm muộn cũng bị lịch sử đào thải. Thông điệp đẹp các nhà văn đưa đến cho người đọc một niềm hy vọng ở hiện tại và tương lai. Qua những tác phẩm văn học nghệ thuật đã phát hành, hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ và người chiến sĩ Công an đã đẹp dần lên trong mắt người đọc, nó trở thành hình tượng mẫu cho bao thế hệ bạn trẻ noi theo.
Có thể nói, đội ngũ các nhà văn lực lượng vũ trang hiện vẫn còn mỏng. Lớp trước đã luống tuổi mà lớp sau mong manh quá. Liệu rồi đây mảng đề tài về lực lượng vũ trang còn có ai mặn mà đầu tư thời gian và cả tiền bạc để sáng tác, rồi người đọc có còn mặn mà tiếp nhận nữa không? Đây là một câu hỏi lớn!