* Con đường văn chương của bạn được bắt đầu khá sớm. Điều này có chịu tác động gì từ bố mẹ vì hai người cũng đều là những nhà văn nhà thơ? Có những áp lực nào khi bạn “tiếp bước” con đường mà bố mẹ mình đã đi?
- Xin nói ngay: không hề có bất cứ áp lực nào. Tuy nhiên, sinh trưởng trong một gia đình như thế, ta có đầy đủ điều kiện để trở thành một con người của sáng tạo. Sự ảnh hưởng từ cha mẹ là đương nhiên. Từ khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi đã yêu cầu tôi “sáng tác” những câu chuyện nhi đồng hay những bài đồng dao. Chỉ để giải trí là chính. Cha mẹ cười lăn cười lóc vì những câu chữ ngây ngô thơ trẻ của tôi.
Nhưng tôi ngày càng ham viết. Năm lên 10 tuổi, tôi đã viết được những truyện ngắn không đến nỗi nào. Hồi đó tôi cố gắng bắt chước cách viết của những nhà văn nổi tiếng, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng cần phải tìm lối đi của riêng mình. Trước tiên phải viết về những câu chuyện của chính mình, những trải nghiệm của bản thân, viết với những xúc cảm chân thực và bằng giọng điệu riêng của mình. Thế rồi năm 12 tuổi tôi đã viết được cuốn truyện đầu tay Đánh đu giữa những triền đồi và được NXB cho in ngay mà không cân nhắc gì nhiều.
* Đọc Cầu vồng trong đêm tập 1 và tập 2, để thấy bạn đã phải dành thời gian rất nhiều cho việc thu thập và xử lý kho tư liệu về thế giới của những người khiếm thị cũng như về giống chó Labrador. Bạn đã làm thế nào để khối tư liệu đó đi vào truyện của mình được mượt mà, không khô cứng?
- Vâng, đó chính là nhiều, rất nhiều những đêm không ngủ. Tôi thích làm việc ban đêm, khi không bị ai và điều gì quấy rầy, làm xao nhãng. Những lần đến trường dạy chó dẫn đường để thu thập tư liệu tôi đều gặp gỡ, tiếp xúc với những người mù đến đây để nhận chó. Họ kể tôi nghe những câu chuyện đời mình. Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm hồn, một số phận. Ngoài ra, qua những trang mạng xã hội trên Internet, tôi cũng giao tiếp với rất nhiều người khiếm thị trên khắp nước Nga.
Trước nay xã hội vẫn thường… im lặng trước các vấn đề của người khiếm thị. Vì thế những tư liệu mà tôi thu thập được từ chính người trong cuộc vô cùng độc đáo, phong phú và tôi là người đầu tiên tổng hợp, xử lý để đưa các thông tin đó đến với mọi người. Nguồn tư liệu ấy của tôi dồi dào đến mức có thể sử dụng cho hàng chục cuốn sách về người khiếm thị. Hiện tôi đã viết xong cuốn thứ năm về đề tài này, vẫn với nhân vật chính là chú chó Trison, và đã chuyển cho NXB. Hy vọng, bạn đọc Việt Nam cũng sẽ đón nhận bản dịch cuốn sách này trong tương lai gần.
* Các nhân vật như cụ ông Ivan Savelievich, cậu bé Sashka, nhà văn Anna Ygorevna Krivosheeva… đều có thể trở thành nhật vật chính và thể hiện được thông điệp mà bạn gửi gắm trong tác phẩm. Nhưng bạn đã lựa chọn chú chó Trison để làm việc này. Vì sao vậy? Bạn có tham khảo ai để đưa ra thủ pháp này không?
- Thủ pháp này do tôi tự nghĩ ra chứ không có ai mách nước cả. Rất dễ lý giải. Các bạn cũng thừa hiểu, có những điều mà Trison phát ngôn như là những tư duy, cảm nhận của mình thì rất hợp lý, còn nếu đặt chúng vào miệng nhân vật người thì sẽ rất ấu trĩ, ngô nghê, không chấp nhận được. Chó cảm nhận sự vật, sự việc khác với người. Chó Trison có thể phát biểu những điều mà đôi khi con người phải e dè, giấu diếm.
Theo tôi, văn chương hiện đại cần tìm ra những hình thức mới để chuyển tải đến cho người trẻ những thông điệp về lòng nhân ái, về tình yêu thương, sự đồng cảm… Phải tìm kiếm, không được dừng lại và đứng yên một chỗ. Những hình thức cũ đã sáo mòn, nhàm chán. Và tôi đã tìm ra thủ pháp của mình.
* Ngoài việc phản ánh hiện thực, bộ truyện Cầu vồng trong đêm còn cho thấy trí tưởng tượng vô cùng phong phú của bạn. Theo bạn, trí tưởng tượng đóng vai trò như thế nào đối với một nhà văn?
- Tôi nghĩ, trí tưởng tượng đóng vai trò quyết định. Nhà văn nhất thiết phải có trí tưởng tượng phong phú. Nói chung, nếu không có trí tưởng tượng thì không thể sáng tạo ra bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào. Nếu tổ tiên của chúng ta không ước mơ, không tưởng tượng thì hẳn giờ đây chúng ta vẫn còn sống trong hang động. Thế giới này vận động và phát triển được nhờ con người có ước mơ và trí tưởng tượng.
|
Samarsky đang ký tặng cho các độc giả |
2. Hãy gõ, cửa sẽ mở
* Nhờ đâu bạn có được sự ủng hộ của các nhân vật rất nổi tiếng như Andrey Riabinsky, tỷ phú trong ngành xây dựng của Nga, thậm chí cả Tổng thống Nga?
- Trong Kinh Thánh có một câu rất chí lý: “Hãy gõ, cửa sẽ mở; hãy tìm, rồi sẽ thấy”. Tôi hành động theo phương châm đó. Tôi đã đặt ra mục đích và quyết thực hiện bằng được. Tôi rất thường quấy rầy các quan chức. Bây giờ, giao tiếp với họ không còn khó như trước - họ góp mặt khá thường xuyên trên các trang mạng xã hội. Tôi viết thư (điện tử) hoặc gửi tin nhắn cho họ, xin được gặp mặt. Rất nhiều thị trưởng, thống đốc… ý thức được rằng họ không phải ông hoàng bà chúa, mà phải phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến người dân.
Giúp đỡ người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là đạo lý của mỗi con người, dù người đó có là quan chức. Dĩ nhiên, nếu ai không muốn giúp, họ có cả nghìn lý do để từ chối. Cuối cùng, tôi đã gặp được Tổng thống Nga Medvedev. Sau lần gặp đó, Tổng thống đã có các động thái nhằm sửa đổi một số điều luật theo hướng có lợi cho người khuyết tật. Giờ đây, các quan chức các cấp đã tỏ ra biết lắng nghe những ý kiến của chúng tôi trong việc giải quyết các vấn đề của người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.
* Hiện tại đối với giới trẻ ở Nga như bạn, mức độ quan tâm và tình cảm của họ dành cho văn chương như thế nào?
- Than ôi, hiện nay mức độ quan tâm và tình cảm của giới trẻ Nga dành cho văn chương đang rớt thê thảm. Văn hóa đọc có nguy cơ mai một.
Sách không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn là nguồn tri thức và đọc sách là một trong những phương pháp tốt nhất trong quá trình phát triển nhân cách cho trẻ em. Cần giúp thanh thiếu niên ý thức được điều đó. Hiện nay Internet ngốn quá nhiều thời gian của học sinh, chủ yếu vào những chuyện vô bổ. Cần cân bằng thời gian đọc sách và thời gian lướt mạng.
* Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam từ trước đến nay rất yêu thích những tác phẩm của những nhà văn Nga nổi tiếng như Tolstoy, Chekhov, Dostoevsky, Pushkin… Xin hỏi, ở Nga các bạn đã đọc được những tác phẩm, những nhà văn nào của Việt Nam? Bạn có thấy sự đồng cảm nào không giữa hai nền văn học Việt – Nga?
- Tôi bắt đầu tìm hiểu về nền văn học Việt Nam chỉ mới gần đây. Tôi đã đọc xong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam”.
Nhìn chung, sách văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga khá hiếm. Hiện tôi đang tìm đọc tác phẩm của các tác giả Việt Nam đương đại như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi… nhưng hơi khó kiếm. Như vậy, tôi chưa thể trả lời câu hỏi về sự đồng cảm. Nhưng tôi đã kết bạn với những phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam tại Matxcơva. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau. Họ giúp tôi rất nhiều trong việc dịch tài liệu và tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Từ đó tôi càng thêm quý yêu đất nước Việt Nam hiếu hiền, xinh đẹp. Qua sách báo, phim ảnh cũng như qua thực tế, tôi nhận thấy người Việt Nam rất thông minh, nhân hậu. Vì thế, tôi tin rằng nền văn học Việt Nam cũng đậm chất nhân văn như văn học Nga chúng tôi.
* Cảm ơn Mikhail Samarsky rất nhiều. Chúc bạn luôn vui và thành công!
Huy Sơn (thực hiện)
Bộ truyện Cầu vồng trong đêm (xuất bản lần đầu với tên gọi Chó dẫn đường phiêu lưu ký) gồm 2 tập của Mikhail Samarsky được ấn hành tại Việt Nam bởi Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM.