Trân trọng và yêu thương

08:00:00 11/12/2013

Đọc "Những người tôi yêu", tập chân dung văn học của Trần Bảo Hưng, NXB Lao Động, 2013.

Bìa tập sách "Những người tôi yêu" của nhà phê bình văn học Trần Bảo Hưng.

Đúng như tên tập sách, Trần Bảo Hưng muốn dành cả cuốn sách này để viết về những nhà văn, nhà thơ mà ông yêu quý, kính trọng. Đa phần họ là các nhà văn, nhà thơ tuổi đời, tuổi nghề vào bậc cha chú. Còn một phần sách, ông dành viết về lớp người cầm bút cùng trang lứa. Họ là những người đã có quá trình đóng góp và tạo diện mạo nền văn học nước nhà.

Ngay lời vào sách, ông tâm niệm "Người viết muốn thông qua những kỷ niệm, những hồi ức về các nhà văn, quá trình sáng tạo của họ thông qua những bộc bạch, những tiết lộ về thói quen, cá tính và phong cách làm việc, cùng những tâm sự về cuộc đời, những uẩn khúc phía sau trang viết… để giúp người đọc có được một cái nhìn khách quan về cuộc đời, về tác phẩm và cá tính sáng tạo của các nhà văn".

Viết về nhà thơ Huy Cận, Trần Bảo Hưng cũng gọi ra cốt cách của một nhà thơ kiêm một cán bộ cao cấp "Đảng giao việc nhiều thì làm thơ ít, Đảng giao việc ít thì làm thơ nhiều". Tác giả còn nhận định: "Những năm cuối đời, thơ của Huy Cận càng đi sâu vào những suy tư giữa cái ngắn ngủi, hữu hạn của kiếp người, với sự bao la, vĩnh cửu của vũ trụ".

Viết về nhà văn Vũ Ngọc Phan, ông có niềm trân trọng: "Tính ông cẩn thận, ân cần và chu đáo... ông luôn phê bình tôi viết chữ khó xem (ông không gọi là chữ xấu)". Trần Bảo Hưng có những chi tiết rất cảm động, khi nhắc về nhà văn Võ Huy Tâm từ vùng mỏ lên Hà Nội. Nhà văn chỉ có một bộ quần áo, phải chờ giặt phơi khô mới có quần áo mặc để đi ra phố. Nhà văn thời đó đều nghèo, song tâm hồn họ lại rất giàu có, luôn mong được sống bám sát thực tế để lấy tư liệu sáng tác.

Khắc họa tính cách nhà thơ quân đội Duy Khán, một người rất trong trẻo, đam mê và hay say sưa, Trần Bảo Hưng nhìn qua lăng kính yêu thương của mình "Dường như tuổi thơ êm đẹp và cay đắng cứ mãi mãi ám vào ông khiến ông cứ trẻ thơ như vậy cho đến ngày từ giã cõi đời". Nhắc về Lưu Quang Vũ, Trần Bảo Hưng cũng có kỷ niệm riêng với nhà thơ tài hoa này. Ấy là những năm trẻ trai, cùng ăn cơm bếp tập thể của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật. Khi ấy "chúng tôi chỉ là người sơ giao, gật đầu chào khi gặp nhau, nói vài câu chuyện vụn vặt chả đâu vào đâu. Tôi thì mặc cảm vì là dân mới vào nghề, đang tập tọng viết, còn Vũ thì buồn vì công việc lông bông, không ổn định, đời sống lại khó khăn".

Trong tập sách, Trần Bảo Hưng dành một phần để viết về sự ra đời của một số tác phẩm của những nhà văn mà ông yêu quý. Cụ thể, nhà văn Võ Huy Tâm viết tiểu thuyết "Vùng mỏ" trong sáu tháng, khi tròn hai mươi lăm tuổi. Viết trong vùng địch hậu nguy hiểm, ông thường lấy giấy kê trên quyển "Kinh Thánh", ngồi viết bên bếp lò, đề phòng địch vào bất ngờ thì vứt luôn trang viết vào bếp phi tang. Nhà văn Đào Vũ viết tiểu thuyết "Cái sân gạch" trong đợt đi thực tế tại hợp tác xã Vũ La, Hải Dương. Cuốn sách in ra, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Sự nổi tiếng của cuốn sách tới mức khi Vũ La viết lịch sử làng đã dành hẳn một trang nhắc về sự kiện nhà văn Đào Vũ từng đi thực tế và viết văn tại làng.

Với tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe", nhà văn Ma Văn Kháng đã phải viết đi viết lại ba lần, trong thời gian gần mười năm trời. Nhà văn Vi Hồng tự nhận ông là người không có năng khiếu đặc biệt về văn học, nhưng nhờ tình yêu bản làng, yêu đồng bào dân tộc của mình, nên ông đã viết thành công tiểu thuyết "Đất bằng".

Đánh giá về một tập sách của nhà văn Nguyễn Khải, tập hồi ký văn học của nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương, tiểu thuyết của nhà văn Sao Mai, tập thơ của nhà thơ Đỗ Nam Cao, tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tập tản văn của nhà văn Hoàng Minh Thắng, tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Ba... Trần Bảo Hưng đều dành những tình cảm trân trọng và nhận định đúng mức sự đóng góp của mỗi tác phẩm đó trong nền văn học nước nhà.

"Những người tôi yêu" của Trần Bảo Hưng không phải cuốn sách nghiên cứu phê bình tác phẩm tác giả, mà nó như một cuốn chân dung văn học. Đó là những lát cắt về đời sống sáng tạo của mỗi nhà văn trong mỗi thời đoạn khác nhau. Bằng lối viết thoáng, mở, gợi, tập sách dễ đọc. Người đọc cũng dễ nhận ra sự trân trọng và yêu quý của ông với các nhà văn mà ông hằng quen thuộc


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1