“Vô hiệu hóa các GS, PGS”, tiếp nhận người “có vấn đề” làm giảng viên
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của Trường ĐHSP Hà Nội, trong đó có chức Trưởng ban An ninh chính trị – Bảo vệ nội bộ; chỉ đạo trực tiếp phòng Tổ chức Cán bộ… nên hồ sơ lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học của ông bị tố giác khai gian dối, nhằm lọt vào hàng ngũ của Đảng và giữ quyền lực cao nhất Trường, được giữ trong “lô cốt”. Dưới thời ông làm Hiệu trưởng, tổ chức cán bộ của Trường biến động nhiều, đề bạt tạo “ê-kíp”, “thanh trừng ngầm” và tuyển dụng cán bộ.
Với ông Minh, cuộc chiến quyền lực diễn ra từ khi ông tranh chức Trưởng khoa Vật lí năm 2010, (vừa được công nhận là đảng viên chính thức, chưa kinh qua chức Phó Chủ nhiệm khoa). Người tranh cử nặng kí với ông Minh là GS, TS Đặng Văn Soa, giảng viên cao cấp, Thư kí Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Vật lí, có tuổi đảng gấp nhiều lần ông Minh, gia đình ông Soa có nhiều người tham gia cách mạng và hi sinh vì nước. Cuộc so găng này, 2 người bằng phiếu nhau, ông Minh được lên chức Trưởng khoa. Trong danh sách tranh cử Hiệu trưởng, ông Soa là 1/10 người được giới thiệu theo thông báo của Trường nhưng không nhận được thông báo để gửi hồ sơ tranh cử. Khi ông Minh lên chức Hiệu trưởng, ông Soa bị ông Minh cắt chức Phó trưởng khoa nhiệm kì 2010 – 2015, trong khi 3 năm (2009 – 2012) ông Soa nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ GD&ĐT và Trường ĐHSP Hà Nội. Gần đây mọi người mới biết ông Soa bị “thanh trừng”. Còn GS,TSKH Vũ Văn Hùng, Trưởng phòng Khoa học (người có số phiếu cao sau ông Thái trong cuộc bầu Hiệu trưởng đợt 1, đứng sau ông Minh trong đợt 2, cũng bị thanh trừng, vì ông là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở Trường ĐHSP Hà Nội, phát giác và không chịu “nới tay” với bộ hồ sơ khoa học ứng cử chức danh Giáo sư của ông Minh. Ông Hùng bị chuyển từ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ sang làm Trưởng phòng Tạp chí, gần như ngồi chơi xơi nước, cực chẳng đã phải dứt áo ra đi. GS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng bị o bế cũng phải ra đi. Còn GS,TS Trần Đăng Xuyền; PGS,TS Kiều Thế Hưng (cựu Phó Hiệu trưởng) nhận được văn bản của trường đưa kí tên xin nghỉ không giữ các chức vụ cũ mà không biết lí do vì sao? Dưới quyền Hiệu trưởng mới, cuộc “cải tổ” tổ chức không thông qua Đảng ủy nhiều trường hợp, lộ rõ “phe cánh” của Hiệu trưởng. Thật trớ trêu, 2 người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất lại được đề nghị bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng (hiện 2 vị trí này chưa được Bộ GD&ĐT phê chuẩn). TS Nguyễn Minh Thủy, nhận chức Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ phải xác nhận ngay danh mục các bài báo quốc tế của ông Minh là đúng (không có các bài báo chứng minh). Ông Đinh Quang Thú, người dịch lá thư ngày 21/9/2012 của GS In-Sang-Yoong gửi ông Minh (PV – chưa thấy bản gốc để đối chứng), cứu nguy cho ông Minh học vị Giáo sư nghiên cứu ở Hàn Quốc, quá tuổi lãnh đạo vẫn được nguyên chức Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế…
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh.
Trong khi một số GS, PGS phải dứt áo ra đi, hoặc an phận, Hiệu trưởng Minh với quyền Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn nhân lực nhận về một số giảng viên trẻ có “vấn đề” như cô Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên cử tuyển của tỉnh Tuyên Quang làm giảng viên Khoa Sư phạm Kĩ thuật. Từ đây phát lộ đường dây “chạy vào đại học qua đường cử tuyển” ở trường này. Ông Minh cũng kí nhận ThS Đỗ Thị Thoan, người “nổi tiếng” với luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa” (gọi tắt là “Kẻ bên lề”, dùng văn chương để giải thiêng lịch sử và lãnh tụ, bị phê phán gay gắt là luận văn trá hình mang nội dung phản chính trị, kích động phản loạn, bị đề nghị hủy luận văn, hủy học vị ThS của Đỗ Thị Thoan.
“Mạch ngầm” chống phá ở Khoa Văn
Chính PGS,TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, người hướng dẫn cho luận văn “Kẻ bên lề”, nâng đỡ trò
ThS Đỗ Thị Thoan, tác giả luận văn “Kẻ bên lề”.
Thoan. Luận văn được hướng dẫn năm 2009, cũng là năm bà Bình thai nghén môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài. Thầy trò họ cố gắng tìm hội đồng “có tiếng nói chung” để có 10/10 điểm xuất sắc. Ở trường ĐHSP Hà Nội, nhiều người biết đến ông Nguyễn Đăng Mạnh, nhà phê bình có tên tuổi, với học hàm Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cây cao bóng cả ở Khoa Văn, cuối đời danh tiếng đã trút hận trong hồi kí của mình lên “Cụ Hồ”, người đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Ông Mạnh vi phạm khoản 4, Chỉ thị 48-CT/TW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị vì “Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”, sự kiện xảy ra năm 2008. Nhưng, ít người biết ông là thầy hướng dẫn luận văn Tiến sĩ cho bà Nguyễn Thị Bình. Điều này cho thấy “có sự liên kết, dòng chảy ngầm trong tư tưởng chính trị, từ thầy Nguyễn Đăng Mạnh đến trò Nguyễn Thị Bình, rồi Đỗ Thị Thoan. Ông Mạnh kiên tâm giấu mình để có các danh hiệu cao quý, ngót 80 tuổi mới bộc lộ tư tưởng, phe phái, thì bà Bình cũng khéo giấu mình gần 20 năm để trở thành PGS,TS, Nhà giáo ưu tú. Cái khác, là ông Mạnh dùng văn chương “hồi kí” chuyển tải thiên kiến của mình, còn bà Bình dùng luận văn đưa vào nhà trường nghiên cứu, mượn giảng đường Khoa Văn cho Đỗ Thị Thoan “gieo mầm chống phá cách mạng” qua lớp lớp sinh viên, những thầy cô giáo trẻ. Để “có đất” cho người “gieo mầm độc”, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh với cương vị Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn lao động đã kí tiếp nhận Đỗ Thị Thoan là giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội.
Luận văn “Kẻ bên lề” đầu độc sinh viên
Luận văn “Kẻ bên lề” là đề tài nghiên cứu khoa học tại Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội, đã đáng báo động, nguy hại hơn khi tác giả luận văn này thành giảng viên, đưa tư tưởng phản chính trị, kích động bạo loạn, giải thiêng lịch sử dân tộc, “giải thiêng lãnh tụ” trên giảng đường, đầu độc sinh viên – là những thầy cô giáo trẻ, nguy cơ lệch lạc quan điểm, tư tưởng. Năm học 2012 – 2013 Khoa Văn đưa môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy (năm đầu tiên), đây là khoa duy nhất trong hệ thống giáo dục Đại học cả nước có môn học này.
Theo PGS,TS Đoàn Đức Phương, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngay lĩnh vực nghiên cứu, trường này cũng loại trừ vấn đề nhạy cảm chính trị này. Với nhiệm vụ đào tạo giáo viên, Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội xây dựng môn học và đưa vấn đề nhạy cảm chính trị này lên bục giảng làm gì? Quy định của Bộ GD&ĐT khi xây dựng môn học mới rất rõ ràng, phải có Hội đồng Khoa học khoa và trường thẩm định và phản biện, giáo án cụ thể, có các tài liệu theo nguồn xuất bản chính thống. Còn biên bản của Hội đồng Khoa học Khoa Văn cùng giáo án và các tài liệu liên quan việc giảng dạy của Đỗ Thị Thoan, PGS,TS Đỗ Hải Phong, Chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội cho là bản quyền – bí mật của khoa và tác giả, họ giữ trong “lô cốt”. Được biết, môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài bà Bình xây dựng từ năm 2009, khi ông Đỗ Việt Hùng là Trưởng khoa, ông Nguyễn Viết Thịnh là Hiệu trưởng, nhưng trường không chấp nhận môn học này. Khi ông Minh lên làm Hiệu trưởng, kí tiếp nhận ThS Thoan, người bảo vệ luận văn “Kẻ bên lề” xuất sắc, đang thất nghiệp làm giảng viên như bà Bình đề nghị. Môn học này mang mã số PHIL 325, là chuyên đề tự chọn kép với chuyên đề “Những vấn đề phê bình văn học Việt Nam” nhưng Khoa Văn đã chọn môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy (2 tín chỉ, 30 tiết lên lớp).
Theo ông Đỗ Hải Phong, Chủ nhiệm Khoa Văn và ông Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, họ không nhận được văn bản nào của sinh viên và PA83 Công an Hà Nội phản ánh về nội dung giảng dạy của cô Thoan, nhưng thực tế cán bộ PA 83 đã trực tiếp trao đổi với Trưởng khoa và Hiệu trưởng việc sinh viên phản ánh nội dung giảng dạy và tài liệu “ngoài luồng” Đỗ Thị Thoan gửi cho sinh viên. Sự vụ xảy ra trên bục giảng Khoa Văn và tiểu luận “Những tiếng nói ngầm” của Nhã Thuyên có nội dung giống luận văn “Kẻ bên lề”, thấy rõ quan điểm đào tạo và sai lầm có hệ thống của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại. Tại Hội nghị phê bình văn học toàn quốc lần thứ III mới đây, PGS,TS Phan Trọng Thưởng, Thường trực Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật TW đánh giá “Kẻ bên lề” là luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động, khi cho rằng Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo. Đỗ Thị Thoan có thái độ công khai, đồng tình với tư tưởng của các phần tử chống Đảng, phá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Được các cơ quan chức năng chấn chỉnh, Khoa Văn và Trường ĐHSP Hà Nội có họp “rút kinh nghiệm”, nhưng thực tế vẫn đâu vào đó. Họ hóa giải những sai phạm thành vô phạm. Cho rằng, nội dung luận văn “Kẻ bên lề” không sai phạm, Đỗ Thị Thoan cũng không sai phạm nội dung giảng dạy. Theo ông Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Văn, sau một năm dạy thử, năm học 2012 – 2013 khoa không đưa môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy, thế nên bà Bình có văn bản đề nghị không kí tiếp hợp đồng với ThS Thoan. PGS,TS Nguyễn Thị Bình vẫn đương chức Tổ trưởng, bởi cả khoa lẫn trường đã “coi trời bằng vung” hóa giải các sai phạm. May thay sự “nổi loạn” trên giảng đường của Đỗ Thị Thoan sớm bị chấm dứt, còn người “đẻ và tiếp máu cho luận văn”, tiếp tay cho Đỗ Thị Thoan đầu độc những thầy cô giáo trẻ tư tưởng phản động vẫn vô can, vì ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban An ninh chính trị – Bảo vệ nội bộ của trường, muốn giấu chuyện này trong “lô cốt”.
Trần Thị Thực