Năm 1919, khi ông Hermann Kafka tỏ thái độ phản đối quyết liệt trước dự định hôn nhân của con trai ông, Franz Kafka, với cô Julie Wohryzek, thì việc đó đã giống như một phát đại bác phá vỡ thành trì câm nín nhẫn nhục mà Kafka con gìn giữ suốt từ thời thơ ấu. Ông viết Thư gửi bố, trước hết, để vẽ ra cho chính mình chân dung tinh thần đầy phức tạp của người cha. Đó là một người đàn ông đã vất vả làm việc suốt đời để nuôi sống cả gia đình, rất mạnh mẽ, giàu nghị lực. (Mười tuổi, ông Hermann Kafka đã phải dậy từ tờ mờ sáng đẩy xe đi bán thịt suốt làng trên xóm dưới. Mùa đông, ông không có đủ quần áo ấm để mặc nên hai chân thường bị sưng tấy vì lạnh. Hai mươi ba tuổi, ông một thân một mình lập nghiệp ở Praha, làm người bán hàng lưu động, một nghề rất vất vả. Chỉ đến khi kết hôn với bà Julie Lowy thì sự nghiệp của ông mới bắt đầu sáng sủa hơn). Nhưng đó cũng là một con người độc đoán, đầy tính gia trưởng.
Nói theo giọng phân tâm học của Sigmund Freud - như nó được thể hiện đậm đặc trong công trình Vật tổ và cấm kị - ông Hermann Kafka mang hình ảnh của một con đực đầu đàn, luôn áp chế tất cả các con còn lại trong bầy và không bao giờ chấp nhận bất cứ một sự phản đối nào. Ông thường tự cho phép mình vượt qua những hàng rào luật lệ mà ông vẫn đặt ra cho các con và bắt chúng tuân thủ, như không. (Franz Kafka viết trong bức thư, không che giấu thái độ chì chiết: “Xương không được nhai, bố nhai. Dấm không được húp, bố húp. Điều quan trọng khi cắt bánh là phải cắt thẳng, nhưng bố cưa bánh bằng con dao ăn dính đầy nước sốt thì chẳng sao. Ăn uống thì phải cẩn thận, không được để vụn bánh rơi xuống đất, nhưng chỗ bố ngồi luôn có nhiều vụn bánh nhất”). Ông giễu cợt, mỉa mai, hoặc quát tháo ầm ĩ rồi gạt phăng mọi hành vi, thậm chí có khi chỉ là mầm mống suy nghĩ có vẻ “độc lập” của đám con mình.
Trong bức thư, hơn một lần tác giả dùng từ “sự cai trị” để nói về cha. Ông Hermann Kafka, qua ký ức của Franz Kafka, quả thực là một nhà cai trị thô bạo trong cái lãnh địa nhỏ bé của ông, gia đình và cửa hàng mà ông làm chủ: “Bố liên tục càu nhàu về một nhân viên bị bệnh phổi: Sao không chết mẹ nó đi, đồ dặt dẹo! Bố gọi nhân viên của mình là những kẻ thù được trả lương” (tr 43). Nhưng đó chưa phải là tất cả. Điều khủng khiếp nhất là ông, như một đại diện xuất sắc của chủ nghĩa công thần, đã luôn mang quá khứ lao động vất vả ra để biện minh cho quyền lực của mình. Tấm huân chương đẹp đẽ ấy khiến ông có thể vô tư áp đặt ý chí lên các con nhân danh điều tốt đẹp cho chúng mà không một chút quan tâm xem chúng nghĩ về điều tốt đẹp ấy như thế nào, có thực là tốt đẹp với chúng hay không? Franz Kafka gọi tên điều đó bằng một từ chất chứa niềm uất ức cay đắng: Sự hạ nhục.
Trước thứ quyền uy toàn trị ấy của người cha, người con đầy nhạy cảm như Franz phải chịu một hậu quả là sự sang chấn tâm lý thật nặng nề. Những dòng viết về chính mình trong bức thư của Franz Kafka là sự lôi tuột bản ngã ra trước ánh sáng của tư duy phân tích lạnh lùng. Chúng quả thực là những lời bộc bạch đầy huyết lệ: “Con đã luôn sống trong nhục nhã. Hoặc con tuân theo những mệnh lệnh của bố, đó là nhục nhã, bởi những mệnh lệnh đó chỉ áp dụng cho con. Hoặc con dằn dỗi, đó cũng là nhục nhã, bởi sao con được phép dằn dỗi bố cơ chứ?” (tr 28). “Con đánh mất khả năng nói… Bố - luôn là một diễn giả xuất sắc mỗi khi gặp chuyện bố thích - đã biến con thành một đứa lắp bắp, một đứa ngọng nghịu, và như thế với bố vẫn còn là quá nhiều, đến nỗi rốt cuộc con im luôn, thoạt tiên chỉ vì dằn dỗi, nhưng rồi con im hẳn vì đứng trước bố con không thể nghĩ hay nói được gì” (tr 30). “Mỗi khi đứng trước bố, con lại hiện nguyên hình là đứa dị ứng ánh sáng, đứa dối trá, đứa mặc cảm tội lỗi, đứa luôn thấy mình là con số không, đến nỗi ngay cả khi nó muốn có thứ mà cho rằng mình đương nhiên có quyền được hưởng thì cũng phải tìm cách lén lút” (tr 37, 38).
Không khó để nhận thấy ở đây sự biểu hiện cái mặc cảm của kẻ bị trị bị đè nghiến đến ngạt thở, không có cách gì vùng vẫy, cũng không còn ý chí để vùng vẫy. Tự bên trong, tình cảm đối với cha của Franz Kafka là thứ tình cảm mang tính hai mặt. Vừa kính trọng, yêu thương vừa căm ghét, sợ hãi; vừa muốn xáp gần lại vừa muốn tránh thật xa; vừa khao khát được trở thành một bản sao của cha vừa ghê tởm nếu chẳng may điều đó xảy ra! Có những lúc tác giả thực sự xúc động: “Hay như lần con bị ốm vừa rồi, bố lặng lẽ đến với con trong phòng em Ottla và dừng lại ngoài chiếu nghỉ, chỉ ghé đầu nhìn vào và khẽ giơ tay làm hiệu vì muốn giữ yên tĩnh cho con. Những lần ấy ta đã gục đầu xuống giường mà khóc vì hạnh phúc, và giờ đây khi viết, hai mắt ta lại nhòe lệ” (tr 35). Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc vô cùng hiếm hoi mà tình cảm yêu thương có cơ hội bật ra từ ký ức tác giả - một khoảnh khắc mà dẫu sao thì hình ảnh kẻ cai trị của ông Hermann Kafka cũng chẳng bị nhạt đi chút nào - chủ âm của bức thư vẫn là sự luận tội: “Con xin nhắc lại lần thứ mười: Ngay cả khi không chịu ảnh hưởng gì của bố, có thể con vẫn sẽ trở thành người nhút nhát sợ sệt, nhưng từ con người đó tới con người con thực sự trở thành bây giờ là cả một quãng đường dài tăm tối” (tr 53). Sự luận tội? Tại sao không, khi người viết bức thư đã như lộn trái mình để bày ra trước chính mình hình ảnh một cái tôi bị làm cho thật thảm hại? Nếu ta chú ý đến truyền thống đạo đức Do Thái giáo của gia đình Kafka thì phải nhận rằng bức thư “luận tội bố” này là cả một sự nổi loạn - dẫu chỉ là sự nổi loạn bằng một bức thư. Nổi loạn để được sòng phẳng với quá khứ, để, như câu kết bức thư viết: “…Có thể đưa chúng ta đến rất gần sự thật, giúp bố và con có thể được an ủi phần nào, để chúng ta có thể sống và chết nhẹ nhàng hơn” (tr 85).
Mối quan hệ cha - con trai, ảnh hưởng của người cha, với tất cả những hệ quả và hậu quả của nó trên người con, thật ra không phải chủ đề quá hiếm hoi trong văn chương nhân loại (chúng ta chỉ cần nhớ tới tác phẩm Cha và con của Turghenev và Anh em nhà Karamazov của Dostoievsky là đủ). Nhiều nhà văn lớn, với những mức độ đậm nhạt khác nhau, cũng đã đưa hình ảnh người cha ngoài đời thực vào trong tác phẩm của mình. Nhưng ảnh hưởng đến như ông Hermann Kafka đối với sáng tác của Franz Kafka thì quả là một trường hợp kỳ lạ: Nó đậm đặc và xuyên suốt.
Trong truyện ngắn Bản án, tác phẩm mang tính bước ngoặt mà Kafka viết năm 29 tuổi, ta thấy có một ông bố tuyên án con trai tội tử hình bằng cách trầm mình. Trong tiểu thuyết Hóa thân, Kafka để nhân vật chính Gregor Samsa làm nghề bán hàng lưu động, chính là cái nghề mà thân phụ của ông đã làm khi lên Praha lập nghiệp. Cũng ở tác phẩm này, ông bố của Gregor Samsa đã giơ nắm đấm về phía con trai khi anh bị biến thành một con bọ. Và trong kiệt tác Lâu đài, nhân vật ngài Klamm bí hiểm, người không ai nhìn thấy mặt bao giờ nhưng không ai không nói tới với đầy vẻ sợ hãi, người phủ lên toàn bộ ngôi làng một thứ quyền lực vô hình - một thứ quyền lực khủng bố, có thể nói như vậy - nhân vật ấy lẽ nào không ẩn hiện bóng dáng của ông Hermann Kafka ngoài đời thực? Không hoàn toàn vô căn cứ vì ngay ở những dòng đầu tiên của Thư gửi bố mà ta đang xem xét, Kafka đã thú nhận: “Gần đây bố có hỏi con, tại sao con quả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lý giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói… Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con…” (tr 15). Quả thực là điều khủng khiếp với một con người nếu xét ở góc độ đời sống thường nhật. Nhưng, may mắn thay cho văn chương thế giới, Franz Kafka lại là một nhà văn thiên tài. Ông, dù không chủ định, đã biết cách không để cho bi kịch của cuộc đời mình chỉ là một thứ bi kịch suông.
Ông Hermann Kafka không bao giờ được đọc bức thư này (dài 103 trang viết tay, trong bản in tiếng Việt là 70 trang), vì Franz Kafka chưa bao giờ gửi nó đi. Nhưng nhân loại thì đã có nó. Như một tài liệu quan trọng để những ai yêu Kafka có thể từ đó hiểu hơn về góc khuất trong thế giới tinh thần của một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử văn chương thế giới, người đã cùng với James Joyce và Marcel Proust hợp thành cái tam vị nhất thể đầy vinh quang của tiểu thuyết châu Âu hiện đại. Có nó, để soi rọi và hiểu thêm về những kiệt tác như Hóa thân, Vụ án, Lâu đài, Nước Mỹ… Và nếu chỉ xét trên phương diện đời sống gia đình - xã hội, Thư gửi bố của Kafka còn có giá trị như một thông điệp, một lời cảnh báo ngầm mà từ gần một trăm năm trước (1919) ông đã gửi đến các ông bố, và không chỉ các ông bố - hoặc những người sắp trở thành ông bố - Việt Nam (vì dẫu sao thì người Việt Nam chúng ta cũng vẫn chưa cắt đứt hoàn toàn với cái cuống rốn của kiểu giáo dục phụ quyền gia trưởng): Để làm điều tốt đẹp cho con cái, để có thể hy sinh hết mình “vì tương lai con em chúng ta”, trước hết phải nhớ rằng con cái, tuyệt đối không phải là vật để chúng ta sở hữu!