Huế mùa mai đỏ vào điện ảnh

02:12:00 13/12/2013

Huế mùa mai đỏ là tên một tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn quân đội Xuân Thiều viết về đề tài Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tiểu thuyết đã được trao giải thưởng Bộ Quốc phòng, giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995 và là một trong những tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Dựa trên tiểu thuyết này, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) vừa hoàn thành bộ phim truyền hình 25 tập cùng tên.

Đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay.


Bộ phim Huế mùa mai đỏ do Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể kịch bản, Trần Vịnh đạo diễn, Lê Mạnh Thắng- Nghiêm Bá Hoài quay phim và nhạc sĩ Hoàng Lương sáng tác âm nhạc, cùng một dàn diễn viên trẻ đã từng thành công trong nhiều phim truyền hình đảm nhận các vai chính của phim như: Nguyễn Văn Báu, Nam Trung, Ngọc Thiện, Thiên Phúc, Ngọc Thảo, Văn Quý, Thanh Hải...

Phải ghi nhận một điều, dường như ít có tác phẩm điện ảnh nào được chuẩn bị công phu, khoa học, kỹ lưỡng như bộ phim này. Ngay khi HTV có ý định chuyển thể tác phẩm văn học này thành phim truyền hình nhiều tập, đã có hai cuộc hội thảo vô cùng nghiêm túc được tổ chức tại TP Huế và Hà Nội chung quanh tác phẩm văn học cũng như kịch bản của phim với sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều tướng lĩnh quân đội, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã từng có mặt tại mặt trận Trị Thiên - Huế mùa xuân 1968. Nhiều ý kiến chỉ đạo, đóng góp rất bổ ích từ những người trong cuộc như vậy đã nâng tác phẩm thêm tầm cao về tư tưởng cũng như sát sao hơn với hiện thực vô cùng khốc liệt của cuộc tiến công ngày ấy. Cùng với sự chỉ đạo và cố vấn sát sao đó, phải kể đến sự hỗ trợ rất đáng quý của Quân khu 4, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và đặc biệt của quân và dân Trị Thiên - Huế, góp phần tái hiện sự chính xác của các sự kiện và những hình ảnh chiến tranh chân thực về 24 ngày đêm bi tráng, trước sức mạnh vũ khí hơn hẳn của đối phương đã làm nức lòng nhân dân cả nước, làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thúc đẩy tâm lý phản chiến của quân đội Mỹ, cổ vũ phong trào hòa bình, chống chiến tranh dâng cao trên thế giới.

25 tập phim Huế mùa mai đỏ không chỉ là câu chuyện của gia đình Trung đoàn trưởng Tư Thiên, bên cạnh sự sum vầy sau bao năm xa cách mà còn là những đau xót, giằng xé nội tâm khi phải đối mặt với bản thân mình, với gia đình mình. Một gia đình nhưng lại là sự thu nhỏ, tiêu biểu của cả xã hội miền nam Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Có ai ngờ Tư Thiên, một Trung đoàn trưởng gan dạ, dũng cảm, nổi tiếng, lại có cậu con trai Chiến đang chuẩn bị tốt nghiệp Trường sĩ quan Đà Lạt của chế độ Sài Gòn và Mai, cô gái hết lòng ngưỡng mộ, yêu mến Tư Thiên, là y tá của cơ quan tham mưu lại từng có chồng là lính phía bên kia. Đến cả bà Đào, vợ ông, cũng đã từng phải đối phó với thời thế cay nghiệt mà về ở với người khác để tránh sự đàn áp của chính quyền VNCH với "gia đình Việt cộng"... Bộ phim không chỉ là bài ca về sự hy sinh dũng cảm của người lính và khát vọng giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, mà còn làm người đọc cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của từng người dân, từng gia đình của thành phố Huế nói riêng, người dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

ĐÂY là bộ phim thứ 70 về đề tài chiến tranh của đạo diễn NSƯT Trần Vịnh, một diễn viên, đồng thời cũng là một đạo diễn điện ảnh chung thủy với đề tài chiến tranh. Anh từng là nghệ sĩ - chiến sĩ của Quân khu Trị Thiên- Huế năm 1968, cho nên rất thấu hiểu thực tế và dành nhiều tâm huyết với bộ phim truyền hình nhiều tập này.

TRIỆU PHONG

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1