Hàn Hàn viết chuyện giang hồ mà lại chịu khó tập hợp không ít công phu của kiếm hiệp: Cũng môn phái Thiếu Lâm Võ Đang, cũng luận bàn quyền cước, khinh công, kiếm báu, ám khí, thuốc giải độc, cũng quần hùng tỷ thí tranh đoạt ngôi vị minh chủ…
Ấy vậy nhưng, hết thảy công phu lại chỉ như trò chơi trong mắt Thích Nhiên, đệ tử cưng của Thiếu Lâm tự. Hắn ở trong chùa mà không tụng kinh niệm phật; cao thủ hành tẩu nhanh như mây gió thì hắn đủng đỉnh cưỡi con ngựa còm ngớ ngẩn đi chậm như sên; mọi cao thủ chỉ mơ thành đệ nhất thiên hạ thì hắn chỉ muốn dùng Vô Linh kiếm, để chặt cây dựng nhà, sống đời yên bình bên ngoài Trường An…
Vì thế mà, đọc “Trường An loạn” mà lại không thấy “loạn” – sau mấy trò náo nhiệt, ngớ ngẩn, dấm dớ, giễu nhại, chợt thấy tâm mình tĩnh lại như không. Đúng như Hàn Hàn muốn nói: “Cuốn sách này thực sự không phải truyện chưởng”. Tựa hồ, nó đã đạt đến một cảnh giới nào đó.
Vậy nó là truyện gì?
**********
“Từ nhỏ sư phụ đã dạy tôi nhiều đạo lý, khiến tôi cảm thấy, đạo lý thực ra đều vô lý, bất kỳ câu nói nào cũng là đạo lý cả, nếu như bạn muốn tìm đạo lý đến tận cùng.”
“Trường An nổi tiếng ở sự phồn hoa diễm lệ, những người phụ nữ ra đường làm việc mà ta có thể trông thấy không phải bán rau thì là bán thân, cũng không cứ bán rau thì cao quý, bởi nếu đặt một số phụ nữ cạnh nhau, bạn sẽ cảm thấy vài người trong số đó chỉ có thể đi bán rau mà thôi.”