Gần nửa thiên niên kỷ qua, sự nghiệp của nhà khoa học vĩ đại Galileo Galilei (1564-1642) luôn là đề tài lớn của hầu hết mọi loại hình nghệ thuật trên thế giới. Một trong những tác phẩm để lại tiếng vang lớn nhất phải kể đến là vở kịch Cuộc đời Galilei của Bertolt Brecht - nhà soạn kịch đa tài người Đức. Kể từ lần đầu công diễn ở nhà hát Zürich (Thụy Sĩ) vào năm 1943 cho tới nay, tác phẩm chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn và tính thời sự nhờ khả năng khắc họa nhân vật đặc sắc, lời thoại dí dỏm, kết cấu chặt chẽ, lối kể chuyện cuốn hút của Bertolt Brecht. Sau sáu mươi năm với vô vàn biến cố lịch sử thế giới, những vấn đề Bertolt Brecht đặt ra vẫn còn nguyên giá trị: Làm thế nào để khoa học có thể phục vụ con người? Nhà khoa học hành xử ra sao trước những thế lực thù địch? Galilei vẫn ở bên chúng ta như thế nào trong sự phát triển của khoa học ngày nay?
Cuộc đời Galilei là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Bertolt Brecht. Vở kịch đã được dựng ở khắp các nhà hát lớn trên thế giới, thu hút hàng triệu lượt người tới xem, có sức ảnh hưởng lâu bền trong lòng công chúng.