Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, việc xác định đúng ngành mũi nhọn kinh tế và đề ra được những biện pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành đó, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong phát triển của mỗi quốc gia. Mũi nhọn kinh tế là cốt lõi của việc lựa chọn hướng đi, giải pháp phát triển có hiệu quả nhất của các hệ thống kinh tế.
Để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và phát triển mũi nhọn kinh tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Mũi nhọn kinh tế - Cơ sở lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo) của tập thể tác giả do GS.TS Đỗ Hoàng Toàn và TS. Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên. Cuốn sách hệ thống hoá và luận giải những vấn đề lý luận chủ yếu về mũi nhọn kinh tế; phân tích vấn đề mũi nhọn kinh tế qua thực tiễn một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; đồng thời, cuốn sách cũng khảo sát, đánh giá việc lựa chọn và phát triển mũi nhọn kinh tế của Thủ đô Hà Nội (một trung tâm lớn và tiêu biểu về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước); từ đó, đề xuất phương pháp và quy trình xác định mũi nhọn kinh tế chung cho một chủ thể kinh tế (quốc gia/tỉnh, thành phố).
Theo các tác giả, trong 10 năm qua chiến lược phát triển ngành của Việt Nam còn yếu. Một số ngành được lựa chọn làm ngành mũi nhọn đã không thể hiện được vai trò của mình. Một số chính sách hỗ trợ (bảo hộ) đã không đạt được thành công như mong muốn.
Thực tiễn cho thấy, khi xác định một ngành công nghiệp mũi nhọn cần phải xác định cụ thể một ngành hẹp nào đó, không nên nêu những ngành có phạm vi rộng. Đối với một ngành hẹp (như ô tô, đóng tàu), cần phải chia nhỏ các công đoạn hoặc nhóm công đoạn để xác định những công đoạn cần ưu tiên phát triển. Không phải tất cả các ngành muốn tự chủ, chúng ta đều có thể làm được hoặc nên làm. Trước mắt, Việt Nam không nên đặt ra mục tiêu nội địa hoá hầu hết một sản phẩm nào đó. Một sản phẩm nội địa hoá 100% không phải là tối ưu ngay cả tại các nước có nền công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật. Các hàng hoá mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu phải là các hàng hoá mà Việt Nam có lợi thế so sánh động so với các nước khác.
Các ngành mũi nhọn cần phải cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Những ngành đã tích luỹ được trình độ công nghệ cần thiết như thiết bị điện, năng lượng cần có chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường và mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh việc lựa chọn đúng đắn ngành mũi nhọn kinh tế thì các giải pháp, chính sách thúc đẩy các ngành mũi nhọn phát triển cũng vô cùng quan trọng. Một trong những giải pháp chủ yếu, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế phi nhà nước tham gia vào tất cả các ngành kinh tế để tăng sức cạnh tranh. Những chính sách hỗ trợ cần bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giảm bảo hộ đối với các ngành. Chỉ có sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường mới bắt buộc các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng những lợi thế so sánh của Việt Nam.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích đối với các nhà nghiên cứu kinh tế, cán bộ lãnh đạo các địa phương, cơ quan quản lý liên quan và các độc giả quan tâm đến vấn đề này. Sách gồm 284 trang, giá bán: 29.000đ./.
Mai Lan