Qua phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế; phân tích quá trình hình thành và đánh giá thực trạng hoạt động của một số tổ hợp kinh doanh theo hướng tập đoàn kinh tế ở Việt Nam; tác giả cuốn sách - TS. Bùi Văn Huyền - đã đưa ra quan điểm và những giải pháp chủ yếu để phát triển các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế là hệ quả tất yếu của sự tăng trưởng, vừa đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế toàn cầu, vừa cho phép khai thác được những lợi thế so sánh của quốc gia. Tập đoàn kinh tế là một thực thể kinh tế có cơ cấu tổ chức, cấu trúc nội tại, mô hình hoạt động rất đa dạng và phức tạp, là công cụ quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những nguy cơ bất ổn định. Con đường hình thành tập đoàn kinh tế cũng không phải duy nhất và không giống nhau giữa các nền kinh tế. Nó là sự phối hợp linh hoạt giữa tích tụ, tập trung tư bản (yếu tố thị trường) với hệ thống kết cấu hạ tầng mềm (vai trò của Nhà nước) thuận lợi.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta khẳng định quyết tâm xây dựng các tập đoàn kinh tế bằng nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo ra những “trụ cột” kinh tế. Trước hết là tiến hành thí điểm thành lập một số tổng công ty theo mô hình tập đoàn kinh doanh. Tính đến hết tháng 4-2006, cả nước đã có 105 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Hoạt động của mô hình này đã cho những kết quả quan trọng, một số tổng công ty đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cơ bản hình thành tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Điện lực cung cấp cho nền kinh tế 94% sản lượng với hệ thống phân phối tới 100% các huyện trên toàn quốc; Tập đoàn Than và Khoáng sản cung cấp trên 97% tổng lượng than tiêu thụ trong nước...). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu, việc phát triển các tổng công ty theo mô hình tập đoàn kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế như: sự minh bạch về sở hữu chưa được giải quyết thấu đáo; quy mô vốn không đều, trình độ tích tụ, tập trung vốn chưa cao; các quan hệ liên kết, hợp tác, chuyên môn hoá bộc lộ nhiều bất cập; nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách. Qua phân tích nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, tác giả đã khẳng định, để có được những tập đoàn kinh tế mạnh như mục tiêu kỳ vọng, cần phải có sự phối hợp linh hoạt, chủ động, có định hướng giữa Nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời, bản thân các tổng công ty 91, các tập đoàn kinh tế thí điểm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực nội tại, hoàn thiện cấu trúc nội bộ, từng bước trở thành những tổ hợp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, là trụ cột của nền kinh tế.
Sách gồm 285 trang, giá 38.000đ.
GIAO LINH