Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010)Mã sản phẩm: /index.php?option=com_content&view=article& Có 7 lượt xem, từ ngày 24/01/2014
Bình chọn:
Giá bán:
Liên hệ
Trọng lượng: 0g
Báo Thanh niên ra đời ngày 21 - 6 - 1925 đánh dấu sự xuất hiện của dòng báo chí cách mạng. Từ đây báo chí đã hòa chung vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Trải qua chặng đường 85 năm, báo chí Việt Nam nói chung, báo chí cách mạng nói riêng đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Số lượng:
Giá bán sản phẩm này: 0 đ
Báo Thanh niên ra đời ngày 21 - 6 - 1925 đánh dấu sự xuất hiện của dòng báo chí cách mạng. Từ đây báo chí đã hòa chung vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Trải qua chặng đường 85 năm, báo chí Việt Nam nói chung, báo chí cách mạng nói riêng đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong bài viết này, chúng tôi muốn điểm lại những nét chính về chặng đường, về những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam qua cuốn sách Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010). Cuốn sách ra đời vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21- 6- 1925 - 21-6-2010), đồng thời đây còn là công trình quan trọng nằm trong seri sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia nhằm đón chào kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 với Cương lĩnh đúng đắn, sáng tạo đã soi đường, chỉ lối cho mỗi bước đi của cách mạng. Hoạt động văn hóa - tư tưởng, trong đó có báo chí trở thành một công cụ, một vũ khí sắc bén, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ 1930 - 1945, báo chí đã tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân đường lối, chủ trương của Đảng; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù; cổ vũ, động viên truyền thống anh hùng cách mạng và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam… Cách mạng Tháng Tám thành công mùa thu năm 1945 đánh dấu thắng lợi to lớn đầu tiên của báo chí trên trận tuyến cách mạng. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, báo chí hoạt động trong điều kiện mới. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự đi lên không ngừng của báo chí cách mạng, đưa dòng báo chí này bước sang một giai đoạn mới. Hoạt động của báo chí được tạo điều kiện tốt nhất, được tôn trọng quyền tự do dân chủ, tiếp tục trở thành vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo chí thời kỳ này có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng, phong phú về thể loại, sinh động về nội dung. Về cơ cấu, báo chí tồn tại nhiều loại hình, bao gồm báo chí của trung ương (của Chính phủ, Quốc hội, của Đảng, Tổng bộ Việt Minh, các Hội, đoàn thể); báo của kỳ bộ, xứ ủy; báo cấp tỉnh, thành; báo chí của các cơ quan, đơn vị. Những tờ báo cách mạng ra đời trước tháng 8 - 1945 tiếp tục phát triển và trở thành nòng cốt trong hệ thống báo chí của thời kỳ này như báo Cứu quốc, Sự thật, Độc lập, Lao động. Đặc biệt, thời kỳ này cũng đánh dấu sự ra đời của một số cơ quan báo chí mới, bổ sung quan trọng vào hệ thống báo chí cách mạng nước ta. Có thể kể đến là sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam (ngày 7 - 9 - 1945), Thông tấn xã Việt Nam (ngày 15 - 9 - 1945). Sự ra đời của hai cơ quan báo chí này đã làm phong phú, đa dạng các loại hình báo chí, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hàng loạt cơ quan báo chí chuyển lên chiến khu. Điều kiện hoạt động của các tờ báo gặp vô cùng khó khăn, nhưng tất cả những phóng viên, biên tập viên của các tờ báo đều nhanh chóng hòa nhập với đời sống khó khăn, thiếu thốn của rừng núi. Các tờ báo của tư nhân, của các đảng phái tiến bộ, của các hội, đoàn thể, tổ chức yêu nước hòa chung vào dòng chảy của hệ thống báo Đảng. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhiều tờ báo chủ lực đã ra đời như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ…, trong đó sự ra đời của báo Nhân dân đã đánh dấu cột mốc mới cho sự phát triển của dòng báo chí cách mạng. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2 - 1951) đã chỉ rõ: tờ báo Sự thật đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nay thay thế bởi tờ Nhân dân để tuyên truyền chủ nghĩa và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, báo, tạp chí, đài phát thanh đã luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, cùng chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với nhân dân, bộ đội, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến. Nhà báo lúc này không chỉ làm nhiệm vụ thông tin đơn thuần mà họ đã trở thành những chiến sĩ thực thụ, trực tiếp cầm súng ra trận và không ít người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường. Trong chiến tranh ác liệt, mỗi dòng tin báo chí, mỗi tiếng nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành vô cùng quý báu, có sức mạnh to lớn trong việc động viên, củng cố niềm tin, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là nhân dân vùng địch hậu. Nhờ đó, báo chí đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ (ngày 7 - 5 - 1954). Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, hòa bình được lặp lại ở miền Bắc, nhưng một nửa nước ở miền Nam vẫn chưa được giải phóng. Đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp vào miền Nam, lập nên chính quyền thân Mỹ do Ngô Đình Diệm đứng đầu, với âm mưu biến nước ta trở thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, được sự chỉ đạo của Đảng, hoạt động báo chí tiếp tục phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở các đô thị, các thành phố lớn. Báo chí thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thực hiện song song hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Để tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động, ngày 20 - 5 - 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban bố Luật số 100SL/002, đây được coi là luật báo chí đầu tiên của chúng ta. Luật đã khẳng định trách nhiệm của báo chí và nhà báo cách mạng: “Báo chí dưới chế độ ta, bất kỳ là của một cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thực hiện tôn chỉ, mục đích đó, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động của báo chí tập trung vào việc đấu tranh chống kẻ thù đang rắp tâm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chống đàn áp, trả thù những người kháng chiến cũ. Khẩu hiệu đấu tranh của nhân dân được phản ánh qua báo chí là đòi đối phương thả tù chính trị, đòi thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước như Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Báo chí đã góp tiếng nói quan trọng trong việc thu hút, cổ vũ, động viên quần chúng xuống đường míttinh, biểu tình trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, báo chí đề cao tinh thần lao động quên mình, xây dựng cuộc sống mới, vượt qua thách thức. Nhiều tấm gương, đơn vị điển hình được đưa lên báo chí. Nhiều phóng viên, biên tập viên đã đi đến những vùng đất khác nhau, thâm nhập cuộc sống, tận mắt chứng kiến không khí lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các địa phương. Thông qua việc thâm nhập thực tế, báo chí đã đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, nâng cao năng xuất lao động, v.v..; góp phần định hướng về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới; xác định đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật của thời đại cách mạng và là bước phát triển tất yếu của dân tộc. Song song với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, báo chí đã ra trận cùng nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Các tờ báo đều đưa nhiều tin, bài phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù… Tiêu biểu trong số đó là các tờ Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thống nhất, Cứu quốc. Trong giai đoạn cả nước có chiến tranh (1965 - 1975), báo chí tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng và Chính phủ. Nhiều chỉ thị, thông tư của Đảng được đưa ra nhằm chỉ đạo, định hướng hoạt động của báo chí; đồng thời, Đảng và Chính phủ cũng ra nhiều chỉ thị về công tác hoạt động của các tờ báo quan trọng như báo Nhân dân, Tạp chí Học tập, Đài Tiếng nói Việt Nam… Thông qua đó, thống nhất được sự nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Mỗi tờ báo đã trở thành người tuyên truyền, cổ động, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí tư tưởng và hành động từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đến mỗi người dân, hướng tới mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai. Đặc biệt, vào năm 1970 báo chí có thêm một loại hình mới là đài truyền hình. Sự cần thiết phải có một đài truyền hình là mong muốn từ lâu của Đảng, Chính phủ và của những người làm công tác báo chí, thông tin tuyên truyền. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 7 - 9 - 1970, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời. Từ đây nhân dân ta tiếp nhận thông tin qua một kênh báo chí bằng hình ảnh với những ưu thế đặc biệt mà không loại hình nào có được. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, các tờ báo tùy theo tôn chỉ, mục đích của mình đã ra sức phản ánh không khí chiến đấu, lao động của quân và dân trong cả nước. Nhiều phóng viên, biên tập viên bất chấp bom đạn của kẻ thù đã xông pha đến những mặt trận nóng bỏng, nguy hiểm nhất để đưa tin, viết bài về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta, góp phần tuyên truyền cho bạn bè thế giới hiểu rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã xóa bỏ chế độ thuộc địa kiểu mới mà đế quốc Mỹ dựng nên ở miền Nam, đưa tới thống nhất nước nhà. Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đất nước được độc lập, nhân dân được tự do; cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có được thắng lợi vẻ vang đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp to lớn, xứng đáng của báo chí trên trận tuyến văn hóa - tư tưởng. Sau năm 1975 hệ thống báo chí được thống nhất trong cả nước. Nhiều tờ báo được sáp nhập. Mạng lưới báo chí được phân bổ và phát hành rộng rãi. Báo chí thời kỳ này có nhiệm vụ phải làm sao đề cập một cách đầy đủ và hợp lý mọi vấn đề của hai miền. Nếu như trong thời kỳ chiến tranh, chủ đề trung tâm là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì trong thời điểm này chủ đề trung tâm được báo chí phản ánh là “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Báo chí đã ra sức tuyên truyền về tình cảm thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam Bắc; cổ vũ, động viên cho nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng kinh tế mới. Cũng trong thời gian này đã ra đời nhiều tờ báo mới, có nội dung đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, không lâu sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta lại phải bước vào cuộc chiến tranh biên giới để bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực bành trướng xâm lược. Báo chí theo tiếng gọi của Đảng và dân tộc, tiếp tục cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa, làm cho bạn bè thế giới hiểu được bản chất của cuộc chiến tranh. Bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, hoạt động của báo chí gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giá thành sản phẩm tăng cao; hoạt động của báo chí chủ yếu theo sự phân phối từ trên xuống. Điều đó đã góp phần tạo nên những yếu kém trong hoạt động của mỗi tờ báo. Trong bối cảnh chung đó, nhiều tờ báo đã chủ động tìm ra những hướng đi, những cách làm mới phù hợp với thời cuộc như báo Sài Gòn giải phóng, Khoa học và đời sống, Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh… Những tờ báo này đã có nhiều sáng kiến trong việc cải tiến thông tin, hình thức, nội dung, đáp ứng được phần nào nhu cầu của bạn đọc. Có thể nói, báo chí trong thời kỳ này đã có sự phát triển hơn về số lượng, phong phú, đa dạng về loại hình. Tuy nhiên, trong thời kỳ này báo chí còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như hệ thống báo chí còn mỏng, chưa có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước, ít loại báo chuyên biệt mà chủ yếu là các loại báo phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng. Sự bao cấp đã làm giảm tính năng động của báo chí. Vì thiếu quan tâm, đầu tư đến hiệu quả kinh tế nên hình thức, nội dung của các tờ báo còn đơn điệu, thiếu sáng tạo… Những vấn đề trên đòi hỏi báo chí phải có sự thay đổi thật sự từ phong cách đến nội dung. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 - 1986) mở đầu thời kỳ đổi mới đất nước. Hoạt động báo chí cũng được đổi mới về tư duy, tổ chức, phát huy được đầy đủ chức năng là công cụ của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Tháng 1- 1990, Quốc hội đã thông qua và chính thức công bố Luật Báo chí mới. Được tạo điều kiện về hành lang pháp lý, báo chí đã thể hiện trung thực, khách quan những vấn đề nóng hổi của đất nước; tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, đi đôi với việc phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới; tuyên truyền, giáo dục cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; khẳng định chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là bước phát triển tất yếu của dân tộc. Trong những năm gần đây, báo chí đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Số lượng ấn phẩm, chất lượng và hình thức của các loại hình báo chí không ngừng được nâng cao; nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả; hình thức ngày càng đẹp, sinh động và hấp dẫn; đội ngũ các nhà báo ngày càng đông, có bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, báo chí còn tồn tại nhiều hạn chế như coi nhẹ chức năng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; né tránh đề cập hoặc chỉ đề cập hời hợt đến những chủ đề, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trong khi đó lại khai thác và đề cập nhiều tin, bài không cần thiết và những chuyện giật gân, câu khách; xa rời tôn chỉ, mục đích của mình, chạy theo yếu tố thương mại; còn tồn tại một bộ phận không nhỏ các nhà báo xa rời “Quy ước đạo đức nghề nghiệp”, gây tác hại đến uy tín của báo chí… Tất cả những vấn đề này đòi hỏi trong thời gian tới, báo chí phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tin, bài, hình thức trình bày v.v. để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Có thể nói, trong chặng đường lịch sử 85 năm, báo chí nói chung, báo chí cách mạng nói riêng đã góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Báo chí đã trở thành một công cụ, một vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Những thành tựu mà đất nước đạt được trong hơn hai thập kỷ qua có phần đóng góp to lớn của báo chí. Bước vào thời kỳ mới, trước những đòi hỏi, yêu cầu của đất nước và thời đại, trước mong mỏi của nhân dân, báo chí cần liên tục đổi mới cả về nội dung và hình thức để xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước trên trận địa văn hóa - tư tưởng. Cuốn sách Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925- 2010) là công trình lớn, có sự tham của nhiều nhà báo, nhà khoa học đầu ngành. Nội dung cuốn sách đã khái quát chặng đường phát triển của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam từ năm 1925 đến năm 2010; sự ra đời và phát triển của các cơ quan báo chí; những thành tựu, hạn chế của báo chí qua các thời kỳ phát triển; đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng báo chí trong thời kỳ mới v.v.. Kết cấu nội dung cuốn sách gồm 6 chương: Chương I: Báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1925 - 1945; Chương II: Báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1945 - 1954; Chương III: Báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975; Chương IV: Báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1976 - 1986; Chương V: Báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước 1986 - 2000; Chương VI: Báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước 2001 - 2010. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. SP liên quan
|
DANH MỤC TOP BÁN CHẠY TIN TỨC
Dữ liệu đang cập nhật...
Ý KIẾN BẠN ĐỌC Chưa có phản hồi
THÀNH VIÊN YÊU THÍCH THỐNG KÊ
Bản đồ |
Hiệu sách Online
Bản quyền thuộc Công ty Cổ phần truyền thông Văn Hóa Việt - 173 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Giấy phép đăng ký Kinh doanh số 0102732228 cấp ngày 24/04/2008 tại Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Hà Nội.
Người đại diện: Ông Đỗ Việt Trung
Điện thoại:
Email: info@hieusach.vn