Tác giả: Hoàng Mai Hương, Nguyễn Hồng Hải
Cuốn sách tập trung phân tích và làm rõ lý luận và quan điểm của V.I.Lênin, một nhà lý luận và tư tưởng lỗi lạc của giai cáp công nhân và những người cộng sản trên toàn thế giới, về một số quyền con người nổi bật – dân chủ, quyền dân tộc tự quyết, quyền chính trị và quyền tham gia, và những giá trị thực tiễn của những tư tưởng này ở Việt Nam hiện nay.
Nội dung cuốn sách được chia thành ba chương. Chương I đưa ra những khái niệm, đặc trưng của quyền con người cũng như khái quát về nguồn gốc và sự phát triển nhận thức về quyền con người trong lịch sử. Cơ sở và quá trình hình thành, phát triển tư tưởng của V.I. Lênin về quyền con người cũng được các tác giả giới thiệu trong Chương này. Đó là việc tiếp thu tư tưởng của C. Mác và Ph.Ăngghen về quyền con người và phát triển có sáng tạo những tư tưởng đó. Qua đó cho thấy những luận điểm của Lênin là sự phát triển và cụ thể hóa một cách nhất quán những tư tưởng của Mác và Ăngghen về mục đích của chủ nghĩa cộng sản, đó là giải phóng cá nhân con người và giải phóng toàn xã hội, chăm lo đến quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, bảo đảm cho sự phát triển tự do toàn diện của mỗi cá nhân con người.
Những tư tưởng của V.I.Lênin về dân chủ, quyền dân tộc tự quyết, quyền chính trị và quyền tham gia được đề cập trong Chương II của cuốn sách. Đây là những quyền con người được Lênin bàn nhiều nhất và đồng thời có ảnh hưởng nhiều nhất trong ngôn ngữ cũng như luật quốc tế hiện đại về quyền con người. Điều này cũng thể hiện đóng góp to lớn trong lĩnh vực quyền con người của V.I.Lênin là mở rộng quyền cá nhân sang quyền của dân tộc, đưa nó trở thành một trong những nguyên tắc căn bản và quan trọng trong pháp luật quốc tế về quyền con người – quyền dân tộc tự quyết – để xác lập sự bình đẳng giữa các quốc gia và dân tộc, dù lớn hay nhỏ, trong quan hệ quốc tế.
Chương III đi sâu phân tích ý nghĩa và giá trị thực tiễn tư tưởng của V.I.Lênin về quyền con người ở Việt Nam thông qua một số quyền con người nổi bật - dân chủ, quyền dân tộc tự quyết, quyền chính trị trị và quyền tham gia. Từ đó cho thấy việc nghiên cứu tư tưởng của Lênin về các quyền con người không chỉ giúp chúng ta phân định rõ sự khác biệt giữa lý luận tư sản và lý luận xã hội chủ nghĩa trên các vấn đề dân chủ và nhân quyền, mà còn định hướng cho chúng ta trong việc xây dựng chính sách và pháp luật về quyền con người trong điều kiện của một nước xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cuốn sách gồm 160 trang, giá 28.000đ.