Văn học kỳ ảo (kinh dị) có tự bao giờ? Lịch sử tồn tại của nó dài hay ngắn, nó còn trẻ hay đã già? Đây chính là vấn đề không tìm thấy sự đồng thuận trong ý kiến của giới nghiên cứu. Sự phân rẽ ý kiến xung quanh vấn đề lịch sử phát triển của văn học kỳ ảo có nguồn cội sâu xa từ những cuộc tranh cãi cũng chưa có hồi kết về một vấn đề khác: vấn đề đặc trưng, bản chất, chức năng của loại hình nghệ thuật này. Có lẽ vì thế, mọi công trình nghiên cứu về văn học kỳ ảo thường được bắt đầu bằng việc tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi: văn học kỳ ảo là gì?
Có một quan niệm rất phổ biến ở phương Tây, xem văn học kỳ ảo là một thể loại đặc biệt. Trong thực tế, nhiều người ủng hộ quan điểm này đã đồng nhất văn học kỳ ảo với văn học khoa học viễn tưởng. Trong quan niệm của họ, nguồn cội văn hoá - xã hội tạo nên sự bùng nổ của văn học kỳ ảo là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và những thành tựu lớn lao mà nó đạt được ở cuối thế kỷ XIX. Và những năm đầu của thế kỷ XX được họ chọn làm cột mốc đánh dấu sự ra đời của thể loại văn học này. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1926, Hugo Gernsbak vừa tung ra thuật ngữ “scien fiction” thì lập tức thuật ngữ ấy liền được sử dụng rộng rãi và sáng tác của Jules Verne và Herbert George Wells vẫn thường được xem là kiểu mẫu của văn học kỳ ảo ở dòng chủ lưu chảy suốt từ đầu thế kỷ XX cho tới tận bây giờ.
Có thể khẳng định, điểm khởi đầu lịch sử văn học kỳ ảo không phải là những năm đầu của thế kỷ XX. Văn học kỳ ảo không non trẻ như thế. Bởi vì nó không đơn giản chỉ là một thể loại văn học. Mọi thể loại văn học, từ truyện, kịch, ký cho đến tản văn đều có sự hiện diện của cái kỳ ảo. Cái kỳ ảo góp mặt ở nhiều loại hình nghệ thuật như hội hoạ, sân khấu, điện ảnh và cả âm nhạc. Lịch sử phát triển của văn học kỳ ảo gắn liền với lịch sử tồn tại của cái kỳ ảo. Mà cái kỳ ảo thì xuất hiện từ thời viễn cổ. Khi nhân loại bắt đầu biết tự nhận thức về bản thân, cái kỳ ảo cũng hòa nhập một cách tự nhiên vào đời sống tinh thần của con người. Cái kỳ ảo có trước văn học. Suốt mấy nghìn năm nay, văn học nghệ thuật không phải là nơi cư ngụ duy nhất của nó. Hình như phải vượt ra ngoài thế giới nghệ thuật, đến với đời sống, cái ảo mới tìm thấy được vương quốc riêng.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ nhận thức luận như thế, ta sẽ thấy điểm khởi đầu của lịch sử văn học kỳ ảo là cột mốc cắm ở tít tận thượng nguồn của nền văn học cổ đại Hy Lạp, cách đây đã ngót nghét ba nghìn năm, từ Ồdixê của Hôme, Mahabharata và Ramayana cho tới những Torquato Tasso, Thomas More, William Shakespeare, John Minton, Dante, Miguel de Cervantes, Smollett, E.T.A. Hoffmann, Andersen, V.A.Jukoiski, X.Puskin, Allan Edgar Poe, Herbert George Wells, Hugo Gemsbak, Ivan Efremov, Arkadi, Borix Strugaskie, Borges, Kafka, Aymé, Marquez... Những tên tuổi lừng danh bao lớp bụi thời gian không thể xoá nhoà ấy nói với ta, rằng văn học kỳ ảo của nhân loại khởi nguồn từ sáng tác dân gian, rồi thành dòng sông đổ ra ở thời cổ đại, trung đại, phục hưng, cổ điển, mải miết chảy trôi qua thế kỷ Ánh sáng, thế kỷ XIX và ào ạt tuôn trào cho mãi tới hôm nay...
Chữ nghĩa là “trò phù thủy”. Văn chương quái dị lại là “trò phù thủy” của các “trò phù thủy”. Rốt cuộc lại các “trò phù thủy” là để làm cho con người thấy cuộc sống còn nhiều bí ẩn thú vị. Ớ bộ sách 100 Truyện Ngắn Kinh Dị Thế Giới này các bạn sẽ thấy nhà văn làm “trò phù thủy” với tất cả những gì mà trí tưởng tượng có thể làm được. Vậy là về căn bản sẽ có những điều không thật xảy ra nhưng cần phải mở ngoặc rằng cái không thật chưa hẳn là cái không tồn tại. Con người luôn luôn hoài nghi và câu hỏi lớn nhất, căn bản nhất vẫn là việc xác định xem liệu cái không có thật là thật hay cái thật lại chính là cái không có thật? Giải đáp câu hỏi này chẳng dễ vì nếu dễ nó đã được giải đáp, nhưng như thế không có nghĩa là không thể giải đáp. Bạn hãy đọc tập truyện này, hãy bước vào chốn u linh, nếu tinh ý bạn sẽ tìm được ở đó lời giải.