“Ôi, có bao nhiêu chuyện buồn vui về nhân cách chung quanh cái ghế đỉnh chung, nói sao cho hết!”. Đó là lời trần tình của nhà báo Hữu Thọ trong Đôi lời cùng bạn đọc khi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật cho xuất bản cuốn sách “Ghế” của ông.
Với lối viết sâu sắc, dí dỏm, thấm đẫm tinh thần bàn bạc đối thoại - nội dung các bài viết trong Ghế của Hữu Thọ phần nào đưa đến cho người đọc một món ăn tinh thần và sự cảm nhận được cái chân, thiện, mỹ cũng như những khía cạnh tiềm ẩn, rất phong phú của cuộc sống, đồng thời, cũng đem đến cho người đọc một sự ám ảnh xuyên suốt: Ghế!
Với 440 trang sách, “Ghế” là một cuốn sách khá đặc biệt, gồm hai phần:
Phần thứ nhất của Ghế là 141 tiểu phẩm báo chí được viết từ sau Ðại hội toàn quốc lần thứ X của Ðảng. 141 tiểu phẩm, 141 chuyện đời, 141 thói hư tật xấu được phân tích, bình luận một cách nhẹ nhàng mà chua xót, sâu buồn.
Phần thứ hai của Ghế là những cuộc trao đổi, đối thoại về nghề báo với đồng nghiệp, và nói như PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái, thì đó là những cuộc đối thoại “sòng phẳng, minh bạch và dũng cảm”.
141 câu chuyện về thói hư, tật xấu
Ở phần thứ nhất, giống như nhiều tiểu phẩm khác, cách viết của Hữu Thọ như có lửa và lửa nóng, tuy không chỉ đích danh ai nhưng mà là chuyện đời thực sát sạt trăm phần trăm báo chí, làm cho không ít kẻ “có tật giật mình”. Ám ảnh nhất trong phần này là ghế. Cái ghế - tức chức vụ, địa vị, là cái rất, rất không ít người phải chạy chọt để mua. Mua được rồi thì giữ chặt lấy, “phát huy” nó để đe nẹt, làm hại người khác, để mua ghế cao hơn. Khi bắt buộc phải rời nó thì tìm cách để “truyền” cho người cùng phe cánh để sau này còn có chỗ dựa.
Trong Ðôi lời cùng bạn đọc, Hữu Thọ tâm sự: “Tất nhiên có ghế cao, ghế thấp nhưng ghế vẫn là ghế, chỉ đơn giản là chỗ ngồi. Nhưng không đơn giản chỉ là chỗ ngồi bình thường mà quan trọng là địa vị xã hội. Từ đó nảy sinh ra nhiều thứ quyền, từ quyền dạy bảo, chỉ huy, đe nẹt, xử phạt tới tiền tài, đất đai, sự ưu ái cho bản thân và cho con cháu họ hàng... Cho nên người ta ham ghế, sinh ra nhiều chuyện từ cái ghế. Tất nhiên không phải mọi người đều quan tâm tới ghế vì cung bậc giá trị cao thấp của mỗi người là ở trong lòng dân, trong lòng đồng liêu, đồng nghiệp nhưng cái ghế vẫn là thứ hấp dẫn với “không ít người”. Có bao nhiêu chuyện từ chỗ ham ghế dẫn tới những mưu mô mua chuộc, hãm hại nhau để tranh ghế, mua ghế! Có ghế rồi thì có biết bao nhiêu chuyện để hòng có ghế cao, đã cao rồi còn muốn cao hơn, không có giới hạn nào của sự ham muốn. Rồi tìm mọi cách dối trên, lừa dưới, trị người khác ý, lập phe cánh để “giữ ghế!”. Và khi đến tuổi nghỉ hưu rồi vẫn tìm mọi cách kéo dài. Khi đã nghỉ việc nhưng vẫn “nhớ ghế”; đã không còn ghế mà vẫn tưởng như mình vẫn ngồi trên ghế cao!...”
Những cuộc đối thoại sòng phẳng, minh bạch, dũng cảm
Ghế của Hữu Thọ đã hoàn toàn chinh phục người đọc bởi sự thông minh, tinh nhạy và hiểu biết thấu đáo của ông. Các bài báo của Hữu Thọ trong cuốn sách này, đều bàn đến vấn đề lớn trong một bài rất nhỏ. Dù chuyện xưa hay chuyện nay, Hữu Thọ có khả năng thời sự hóa những chuyện đã trở thành vĩnh cửu và vĩnh cửu hóa những chuyện tưởng như là thời sự, thậm chí cả những cái vụn vặt hàng ngày mà chúng ta có thể thấy rồi bỏ qua, nhưng Hữu Thọ vẫn có thể dựng chúng thành những bài báo đọc không nhạt, người đọc cũng không nghĩ đấy là chuyện vụn vặt. Hơn nữa, người đọc có cảm giác, dường như chạm đến lĩnh vực nào, ông cũng rất am tường. Trước những câu hỏi hóc búa, ông lại đưa ra được những lý giải sắc sảo, đúng đắn và giản dị.
Trong cuộc sống thực tế, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, song Hữu Thọ là người luôn giữ vững nguyên tắc, nhưng lại không khô cứng và giáo điều. Với ông, chức tước chỉ là tấm áo khoác. Chẳng ai suốt đời cứ khoác mãi một tấm áo, cũng có nghĩa, chẳng ai suốt đời cứ ôm mãi cái “ghế’ một thời của mình như là một sự ám ảnh không dứt… Thông qua 141 tiểu phẩm trong Ghế, cho thấy cách nhìn nhận, đánh giá, phản ánh bằng chính kiến của mình đối với các vấn đề muôn mặt của cuộc sống. Nội dung các tiểu phẩm ông viết trong Ghế (cũng như nhiều tác phẩm khác) đều mang tính thời sự và có giá trị. Đó là cái tài và cũng là cái tâm của một nhà báo cả đời giữ đúng phương châm “mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”.