“Cái đẹp cứu rỗi thế giới!”

10:23:00 12/12/2014
QĐND - Đó là câu nói của đại văn hào Nga Phê-đo Mi-khai-lô-vích Đốt-xtôi-ép-xki (1821-1881) trong tiểu thuyết “Thằng ngốc” (1868). Câu nói cực kỳ nhân văn vì nó tôn vinh con người, tôn vinh cái đẹp ở ngôi vị cao sang nhất, đồng thời cũng nói lên bản chất con người là luôn hướng về cái đẹp, luôn mong ước được thụ hưởng và sáng tạo cái đẹp. Trên tinh thần ấy mà M.Goóc-ki, nhà văn lớn nước Nga nói: Bẩm sinh con người là một nghệ sĩ. Chỉ có con người, vị chúa tể của muôn loài mới biết coi cái đẹp là phương tiện, là mục đích cũng là nội dung của cuộc sống. Cái đẹp sẽ giúp con người sống sang trọng và tinh tế, cao thượng và trong sáng.

Chỉ tiếc là con người vì không hiểu được giá trị của chính mình, mải lo nghĩ và làm những việc đẩu đâu mà mãi đến năm 1951, cuộc thi Hoa hậu thế giới đầu tiên mới được tổ chức. Mà lại bắt đầu từ cuộc thi áo tắm ở Anh để quảng bá các mốt áo tắm mới nhất lúc đó. Nhưng trong thần thoại Hy Lạp cổ xưa thì đã có cuộc thi “người đẹp nhất”. Giữa bao nhiêu mỹ nhân của thế giới O-lanh-pơ nổi lên ba trang tuyệt sắc: Nàng Hê-ra, vợ thần Dớt hùng mạnh; nàng A-tê-na, nữ thần Trí tuệ và nàng Vệ nữ (A-phrô-đích), nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu. Cả ba nhờ thần Dớt phân xử xem ai xứng là Hoa hậu. Dớt sợ thiên hạ chê mình thiên vị liền nhờ đến Parit- chàng trai đẹp nhất châu Á, người dưới trần gian. Nữ thần Hê-ra mua chuộc chàng nếu xử cho mình đẹp nhất, nàng sẽ giúp chàng làm vua khắp vùng châu Á mênh mông và giàu có. Thần A-tê-na nói sẽ ban cho chàng trí tuệ tuyệt vời để chàng giành vinh quang trong mọi cuộc giao tranh nếu giúp nàng lên ngôi vương. Thần Vệ nữ thì chân thành nói sẽ giúp chàng lấy được Hê-len, hoa hậu của cả châu Âu…Chàng Parit tuyệt vời không chọn Quyền lực và Vinh quang, chàng chọn cái Đẹp và Tình yêu, bởi đấy mới chính là cái để con người trần gian này cần.

Thế mà phải mất mấy ngàn năm sau, con cháu của chàng Parit mới hiểu được ý nghĩa của việc tổ tiên mình đã từng ca ngợi và tôn vinh cái đẹp.

Ở nước ta thì người đầu tiên đưa ra công thức về cái đẹp hài hòa có lẽ là Nguyễn Du khi Cụ viết: “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”, nghĩa là người đẹp có sắc đẹp một phần thì tài năng phải gấp đôi. Phải chăng vì thế mà bất cứ cuộc thi hoa hậu nào, ở đâu cũng đòi hỏi tài năng mà cụ thể là trả lời câu hỏi ứng xử thông minh, tinh tế. Cho đến hôm nay người ta vẫn ca ngợi câu trả lời của cô Sushmita Sen người Ấn Độ trong cuộc thi Hoa hậu thế giới 1994. Khi được hỏi: “Bản chất của một người phụ nữ là gì?”. Câu trả lời đích đáng được chờ đợi là: “Chúng ta cần cảm kích bởi phụ nữ là một món quà của thượng đế. Nguồn gốc của một đứa trẻ là người mẹ và người mẹ là phụ nữ. Chúng tôi cho thế giới biết thế nào là chia sẻ, thế nào là quan tâm và yêu thương. Đó chính là bản chất của người phụ nữ”. Đúng vậy, quyền năng vô tận của cái Đẹp cũng đồng nghĩa với tâm hồn người phụ nữ đẹp là sự sẻ chia, quan tâm và yêu thương.

Tấm màn nhung của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 đã khép lại. Vương miện và quyền trượng đã được trao cho người xứng đáng là cô gái 18 tuổi đến từ Nam Định, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương: Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Ông I. Kant, nhà triết học cổ điển Đức từng nói: Cái đẹp không ở màu áo cô thiếu nữ mà ở con mắt kẻ si tình, nghĩa là cái đẹp tùy thuộc vào yếu tố chủ quan, vào vốn sống, sự trải nghiệm, năng lực cảm nhận của mỗi người khi thẩm định. Theo đó thì có dư luận đồng tình hay phản đối là dễ hiểu. Nhưng chúng ta phải khẳng định sự thông minh trong ứng xử trả lời khi cô nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn là sự hy sinh và vẻ đẹp hình thức dịu dàng, đằm thắm cùng nét duyên ngầm của người phụ nữ Việt Nam.

Cái đẹp cũng là sứ giả của một nền văn hóa. Chúng ta hy vọng, tân Hoa hậu Việt Nam sẽ mang vẻ đẹp Việt Nam nhân lên cùng vẻ đẹp với các nền văn hóa khác để cả nhân loại này mãi mãi đẹp, mãi mãi được tôn vinh!

NGUYỄN THANH


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1