'Cây nước mắt'- Tình yêu thời đồn điền cao su

06:41:00 28/06/2015
TP - Ngay từ những trang đầu của “Cây nước mắt”, tôi đã nhận thấy tính chất “trẻ” của nó. Thật thú vị khi bắt gặp một câu chuyện tình kiểu Rô-mê-ô và Ju-li-et trên nền của một hiện thực khốc liệt, nhầy nhụa, ghê sợ bạo lực, đau thương.
Tác phẩm "Cây nước mắt"

Nói đến văn học trẻ, người ta thường nghĩ đến những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Trên thị trường sách, dòng tiểu thuyết ngôn tình có lúc đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của một số khá lớn thanh thiếu niên. Mà không chỉ là ngôn tình Trung Quốc, Việt Nam cũng có. Cảm giác chung là dễ hiểu, văn phong kiểu “mì ăn liền”, có nhiều tình tiết sến sẩm kiểu Hàn Quốc và thường theo những mô típ nhất định (Kiểu Lọ Lem-Hoàng tử là phổ biến nhất). Rõ ràng, những cuốn đọc được, có giá trị trong dòng văn trẻ hiện nay vẫn rất thiếu. Có một cảm giác là các nhà văn trẻ của ta rất lười đi, lười đọc nên tác phẩm chẳng có bao nhiêu chất liệu thực tế, vốn văn hóa lịch sử lại càng nghèo nàn. Vậy nên khi cầm cuốn “Cây nước mắt” của Huệ Ninh tôi hơi bất ngờ.

Tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Lại là một lịch sử xa lắc với giới trẻ, thậm chí với số đông người Việt: những đồn điền cao su thời Pháp thuộc. Tôi cũng chỉ biết đến thời kì này qua một câu ca: “Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Hay chỉ ấn tượng đôi chút về nó khi đọc Lão Hạc của Nam Cao: anh con trai lão Hạc bỏ nhà đi đồn điền cao su. Vậy nên mới ngạc nhiên khi đọc “Cây nước mắt”. Tôi tự hỏi: Không biết tác giả lấy chất liệu ở đâu để dựng lại cả một thời kì lịch sử bi thương, đầy máu và nước mắt như vậy; sao có thể biết tường tận như vậy về cây cao su; và hơn hết, sao cô ấy có thể thấu hiểu những đau đớn, trăn trở, những biến động tâm tư của con người thời ấy một cách thần tình đến thế. Vừa đọc, vừa cười, vừa khóc. Đó là tác phẩm của một cây bút còn rất trẻ.

Tuy nhiên, với đề tài lịch sử khó đọc, không lạ khi đa số các tác phẩm cùng loại ít được công chúng biết đến. Song ngay từ những trang đầu của “Cây nước mắt”, tôi đã nhận thấy tính chất “trẻ” của nó. Thật thú vị khi bắt gặp một câu chuyện tình kiểu Rô-mê-ô và Ju-li-et trên nền của một hiện thực khốc liệt, nhầy nhụa, ghê sợ bạo lực, đau thương. Nhưng khi xưa, đôi tình nhân chỉ phải vượt qua hận thù của hai dòng họ thì nay chàng chủ Nhất Paul và cô cu li Nhàn không chỉ phải vượt lên ranh giới của giai cấp mà còn là hận thù của hai dân tộc. Họ sẽ phải làm gì để bảo vệ tình yêu của mình? Có những lúc tôi thật lo lắng, chỉ sợ những cách giải quyết đơn giản, công thức, thì tình yêu thuần khiết, đẹp đẽ của đôi trai gái sẽ bị phá hủy. Nhưng mọi thứ vẫn cứ diễn ra, thật tự nhiên, giản dị mà không dễ gì đoán trước, tình yêu vẫn nảy nở, vẫn đơm hoa kết trái và tác giả của “Cây nước mắt” cứ từng bước khẳng định được tài năng, sự thông minh, sự già dặn của ngòi bút khi đưa đến một cách nhìn cuộc đời không đơn giản, một cách chạm được đến những rung động của lòng người.

Tác giả Huệ Ninh
Không khó để lí giải tại sao “Cây nươc mắt” đã ngay lập tức được dàn dựng thành phim. Cơn đói khát về đề tài lịch sử của Điện ảnh Việt Nam đã kéo dài quá lâu. Đói nhưng không thể ăn tạp mà vẫn phải tìm đến những món ăn đậm đà có hương vị. Thế mới khổ. Nhưng những biên kịch hiện nay có thể làm được điều này thật là ít ỏi. Hoặc giả là họ không muốn làm. Cũng có thể là họ quá khó để dung hòa giữa chất sử và chất văn, giữa giá trị vĩnh hằng và giá trị thời đại. Đơn giản hơn, họ khó làm được một kịch bản vừa tái hiện lịch sử nước nhà lại vừa khiến khán giả thích xem. Có lẽ “Thái sư Trần Thủ Độ” đã phần nào làm được điều đó. Nhưng cơn đói vẫn còn trầm kha lắm.

Tiểu thuyết “Cây nước mắt” của Huệ Ninh đã cho tôi hy vọng. Hy vọng về một thế hệ người viết trẻ có đủ cả Tâm-Tầm-Tài, hy vọng sau này các con tôi sẽ thuộc tên các danh nhân đất Việt thay vì suốt ngày hâm mộ Võ Mị Nương hay Dương Quý Phi…

Tiểu thuyết “Cây nước mắt” dày 718 trang. Tác phẩm từng đoạt Giải thưởng A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011 và đã được chuyển thể thành phim truyện truyền hình 35 tập. Nguyễn Thị Huệ Ninh (Sinh năm 1982) đoạt giải thưởng “Cánh diều bạc” của Hội điện ảnh Việt Nam, năm 2013; Hiện là nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Sân khấu- Điện ảnh - trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Biên tập viên Tạp chí Sân khấu Điện ảnh. Đã in nhiều tập truyện ngắn và sách chuyên luận nghiên cứu.

Phim truyện truyền hình “Cây nước mắt” do Hãng phim Truyền hình TPHCM và Hãng phim Cửu Long hợp tác sản xuất, dự kiến phát sóng vào tháng 7/2015. Kể về chuyện tình lãng mạn, éo le giữa ông chủ người Pháp và cô phu cao su người Việt.

Tác giả Huệ Ninh

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1