“Cô gái mất tích”, hấp dẫn đến chữ cuối cùng

13:12:00 31/07/2015
QĐND – Độc giả Việt Nam biết đến tiểu thuyết “Cô gái mất tích” của nữ nhà văn Mỹ Di-li-an Phờ-lin là nhờ bộ phim cùng tên được chuyển thể. Di-li-an Phờ-lin sinh năm 1971 tại TP Kansas, bang Missouri; sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã có một thời gian dài làm báo. Cô viết tiểu thuyết trong thời gian rỗi và đã xuất bản được ba tác phẩm: “Vết cắt hành xác” năm 2006 (Anh Tô dịch, NXB Lao động, 2015), “Bóng ma ký ức” năm 2009 (Ngọc Chiến dịch, NXB Lao động 2014) và “Cô gái mất tích” năm 2012 (Vũ Quỳnh Châu dịch, NXB Lao động, 2014).

Sau hai tiểu thuyết đầu tiên nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên, Di-li-an Phờ-lin mới thật sự tạo được bước đột phá trong sự nghiệp văn chương với “Cô gái mất tích” khi tác phẩm này luôn đứng đầu danh sách các sách bán chạy trong một thời gian dài ở Mỹ. Và tất nhiên, công thức kinh điển của làng giải trí Mỹ là bất cứ cuốn sách ăn khách nào cũng sẽ nhanh chóng được mua bản quyền và dựng thành phim. Năm 2014, bộ phim cùng tên của đạo diễn Đa-vít Phin-chờ, với sự tham gia của hai minh tinh là Ben A-phơ-lếch và Rô-sa-mơn Pai đã thành công ở mặt thương mại (đầu tư 61 triệu đô-la Mỹ, thu về hơn 386 triệu đô-la Mỹ) và nghệ thuật khi được trao nhiều giải thưởng ở hơn 40 liên hoan phim lớn nhất hành tinh.

Nội dung tiểu thuyết “Cô gái mất tích” khá đơn giản, gồm hai góc nhìn từ người chồng Ních Đăn và từ người vợ A-mi Ê-li-ớt Đăn (chủ yếu là từ nhật ký của cô). Ních là một chàng trai tỉnh lẻ lên Niu Y-oóc lập nghiệp, còn A-mi là một người nổi tiếng từ bé khi cô là nguyên mẫu trong tác phẩm “A-mi huyền diệu”. Cả hai đã có một tình yêu rất đẹp khi là đồng nghiệp làm báo và cũng đều thất nghiệp khi mà các tờ báo và tạp chí truyền thống không có “sức khỏe tốt” trong kỷ nguyên công nghệ số. Hai người cùng quay trở lại một thị trấn nhỏ ở bang Missouri-quê hương của Ních, để sống với những công việc lặt vặt. Từ đời sống nhàm chán ở vùng quê, khó khăn về tài chính, đời sống vợ chồng bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt. Đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới, A-mi mất tích, những dấu vết tại hiện trường kết luận A-mi bị bắt cóc và có thể đã bị giết. Mọi chứng cứ đều quay sang buộc tội Ních và thông qua quá trình điều tra, cảnh sát dần phát hiện những mâu thuẫn, xung đột, mối quan hệ ngoài luồng của đôi vợ chồng trẻ.

Câu chuyện được dẫn dắt từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, cuối cùng thì hóa ra chẳng có vụ bắt cóc nào cả. Tự A-mi bỏ đi, cô tự tạo hiện trường giả để dư luận nghi ngờ chính người chồng của mình đã thực hiện vụ bắt cóc, nhằm trả thù người chồng bất tài, lăng nhăng. Nhân vật A-mi được tạo dựng là người đàn bà quá thông minh và máu lạnh. Sau khi không may mất hết số tiền mang theo trong người, cô đến nhà người bạn trai cũ, vờ như muốn nối lại tình xưa. Nhưng thực chất A-mi đã lập một kế hoạch hoàn hảo, rợn người. Cô ta đã giết người bạn trai cũ và lập hiện trường giả để đổ tội cho người bạn trai cũ bắt cóc, cưỡng bức mình và sau đó trở về nhà an toàn, che giấu việc tự bỏ đi trước đó. Bản thân người chồng Ních cũng không phải là dạng vừa! Trong thâm tâm, anh ta rất muốn “giải tán” cuộc hôn nhân không hạnh phúc, mong A-mi mất tích mãi mãi. Nhờ sự tư vấn của em gái, luật sư và nhất là lợi dụng truyền thông, Ních đã lên truyền hình “diễn” vai người chồng có lỗi lầm nhưng về bản chất là người rất yêu thương vợ; tỏ vẻ mòn mỏi, đau khổ đợi chờ người vợ đang mất tích trở về.

Câu chuyện kết thúc khi cả hai tiếp tục chung sống, tiếp tục “đóng kịch” trước mặt truyền thông và dư luận là đôi vợ chồng hạnh phúc, yêu nhau hơn sau biến cố A-mi mất tích.

Xét về nội dung thuần túy, “Cô gái mất tích” là một tiểu thuyết hoàn hảo, không có chi tiết nào thừa, mọi chi tiết đều được đan cài hợp lý khó bắt bẻ. Cho nên, mới có nhận xét, nữ văn sĩ Di-li-an Phờ-lin phải là người cực kỳ thông minh chẳng kém gì nhân vật “A-mi huyền diệu” mới có thể viết được “Cô gái mất tích”. Với một nội dung câu chuyện có nhiều chi tiết mang tính trinh thám cao, lẽ dĩ nhiên không cần thiết phải tạo dựng một kết cấu và cấu trúc phức tạp. Câu chuyện trong tiểu thuyết được kể một cách truyền thống theo thời gian tuyến tính, lần lượt là những lời tự sự của Ních và A-mi xen lẫn, kéo dài trong suốt hơn 10 tháng trời. Một điểm cộng đáng chú ý trong tiểu thuyết “Cô gái mất tích” là Di-li-an Phờ-lin đưa những yếu tố phân tích tâm lý vào trong tiểu thuyết. Điều này có hai mục đích, đó là giúp cho mạch truyện không đi quá nhanh; tiếp nữa đó là suy ngẫm về nhiều vấn đề thời đại như: Hôn nhân có phải là mồ chôn của tình yêu? Truyền thông phải chăng đã đánh mất đi vai trò đi tìm sự thật? Chính vì thế, độc giả say mê đọc “Cô gái mất tích” không chỉ để trả lời mỗi câu hỏi: A-mi có thật sự mất tích? và bản thân tiểu thuyết này cũng có thể gọi là một tiểu thuyết tâm lý, chứ không phải là tiểu thuyết trinh thám đơn thuần.

Khép lại hơn 600 trang sách, “Cô gái mất tích” khẳng định truyền thống của một dòng tiểu thuyết Mỹ là mang tính giải trí cao, phân tích tâm lý hành vi kỹ lưỡng và sâu sắc.

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1