​Từ bản quyền đến sách

06:02:00 29/07/2015
Ngay sau khi được phát hành, Go set a watchman - cuốn tiểu thuyết thứ hai của nữ nhà văn Harper Lee (tác giả cuốn Giết con chim nhại nổi tiếng) - là một trong những sự kiện được bàn thảo nhiều nhất của giới xuất bản thế giới, đồng thời khởi động một cuộc chạy đua mua bản quyền cuốn sách này để xuất bản tại Việt Nam.

Ngay sau khi Việt Nam tham gia Công ước Bern về bảo hộ bản quyền vào cuối năm 2004, những người trong ngành sách đã có những băn khoăn, thậm chí lo ngại về cách mà thị trường sẽ phản ứng trước tác động của nó. Ở thời điểm đó, giới chuyên môn cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc mua tác quyền nước ngoài chính là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp xuất bản, dẫn đến tình trạng phải trả tác quyền quá cao, dễ biến các cuộc mua bán tác quyền trở thành “những cuộc đấu giá không có điểm dừng”.

Đầu năm 2014, giới xuất bản đã nhắc đến một trường hợp có thể xem là “hiện tượng”, khi đơn vị xuất bản trong nước là Bách Việt Books đã vượt qua hàng chục đối thủ cạnh tranh để mua tác quyền tác phẩm đình đám Hỏa ngục của Dan Brown với số tiền được ghi nhận lên đến vài trăm triệu - một con số hiếm gặp trong giao dịch tác quyền của các đơn vị xuất bản Việt Nam khi mua từ nước ngoài.

Sách như một sản phẩm

Sách nói chung và sách văn học nói riêng là phương tiện chuyên chở những giá trị văn hóa khó gì thay thế được. Việc dịch các tác phẩm từ các ngôn ngữ khác sang tiếng Việt không chỉ là việc đáng làm mà còn là một nhu cầu bức thiết. Đặc biệt khi nhiều ý kiến vẫn đang cho rằng bất chấp các nỗ lực của ngành sách nhiều năm qua, người đọc Việt Nam vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi khi số lượng tác phẩm được dịch còn quá ít ỏi, chưa kể chất lượng các bản dịch tiếp tục làm cả giới chuyên môn lẫn công chúng tranh cãi.

Tiến trình làm ra một quyển sách là bản dịch của tác phẩm tiếng nước ngoài là một tiến trình sản xuất tương tự các sản phẩm thương mại khác; sản xuất và phát hành sách cũng phải được vận hành theo các quy luật và quy tắc của thị trường. Tuy nhiên, sách là một sản phẩm rất đặc thù.

Nếu ở các sản phẩm khác, việc lựa chọn sử dụng cái này hay cái kia chủ yếu là do thị hiếu và nhu cầu của người mua, cái này có thể được thay thế bởi cái kia một cách khá trọn vẹn, hay ít nhất chi phí cơ hội của việc thay thế cũng không quá đắt, thì ở tác phẩm văn học nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật nói chung mọi chuyện lại khác: mỗi tác phẩm là một cái gì đó duy nhất và không thể thay thế. Người ta không thể tìm ra một sự thay thế tương đương cho một tác phẩm của James Joyce hay F.Kafka giống như thay chiếc iPhone bằng một cái điện thoại nào khác.

Tác quyền là một tài sản và tài sản đó cần phải được khai thác hiệu quả nhất, đó là quan điểm rất rõ ràng của các tác giả, nếu họ còn sống, và người thừa kế của họ, nếu tác giả đã mất. Đó cũng là lý do tại sao các tác giả thường không tự khai thác tài sản này mà giao cho các đơn vị hay cá nhân chuyên nghiệp với mục đích thu lại được nhiều lợi ích nhất.

Đối với các đơn vị làm sách thì có được quyền sử dụng tác phẩm là chuyện sống còn, nếu không họ sẽ không có được sản phẩm độc đáo mà thị trường đang chờ đợi, tức là mất đi các lợi thế cạnh tranh. Người khai thác bản quyền phía nước ngoài ý thức rất rõ giá trị mà họ đang nắm giữ nên luôn muốn chọn cho tác phẩm một “bà đỡ” tốt nhất. Vì thế, họ luôn có những đòi hỏi cao đối với bên mua tác quyền: đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với các đơn vị muốn được trao quyền sử dụng tác phẩm, từ năng lực tài chính, năng lực sản xuất (dịch thuật) đến năng lực phát hành.

Người ta không thể tìm ra một sự thay thế tương đương cho một tác phẩm của James Joyce hay F.Kafka giống như thay chiếc iPhone bằng một cái điện thoại nào khác

Như vậy, các đơn vị làm sách không chỉ chịu áp lực từ thị trường, là độc giả, mà còn chịu áp lực lớn từ phía nhà cung cấp, là tác giả hay các đại diện khai thác tác quyền. Áp lực đó buộc họ phải cân nhắc rất nhiều khi chọn mua tác quyền, trong nhiều trường hợp phải chấp nhận rủi ro lớn, chẳng hạn mua sớm quyền dịch và phát hành tác phẩm khi chưa có gì đảm bảo là sẽ kinh doanh thành công.

Thị trường sách trong những năm qua ghi đậm dấu ấn của những tên tuổi như Nhã Nam, Bách Việt Books, Alphabooks... bên cạnh các nhà xuất bản đã có bề dày thành tích. Mặc dù vậy, không thể không nhìn nhận sòng phẳng là uy thế của các đơn vị làm sách Việt Nam vẫn còn khá mong manh. Ngoài sự non trẻ của chính họ thì nguyên nhân quan trọng còn đến từ thực tế thị trường: sức tiêu thụ quá yếu. Điều này tác động trực tiếp đến chuyện mua tác quyền: thị trường kém hấp dẫn nên khó thu hút được sự quan tâm của đối tác, vậy nên không có lợi thế trong đàm phán.

“Vũ khí” cạnh tranh

Cạnh tranh giữa các đơn vị làm sách bắt đầu rất sớm: ngay khi chọn tác phẩm và tìm mua tác quyền.

Thông thường, để chọn tác phẩm, các đơn vị làm sách sẽ dựa vào đánh giá của người đọc hoặc giới chuyên môn qua các kênh thông tin xã hội cũng như chính thống, bao gồm các giải thưởng mà tác giả hay tác phẩm nhận được. Cùng lúc, các sự kiện liên quan tác giả, tác phẩm hay nhân vật trong tác phẩm cũng được khai thác một cách triệt để. Chẳng hạn ngay khi Steve Jobs qua đời, chiến dịch săn tìm và dịch các tác phẩm về ông được kích hoạt ở nhiều đơn vị làm sách, hay như trường hợp Patrick Mondiano: sự kiện ông nhận giải Nobel văn chương năm 2014 khiến các tác phẩm của ông nhanh chóng xuất hiện và tái xuất hiện trên các kệ sách.

Từ chọn được tác phẩm đến giành được quyền dịch và phát hành vẫn còn một khoảng cách khá xa, trong khi đó thị trường lại không chờ họ: việc kinh doanh luôn cần các sản phẩm mới để đưa ra thị trường, hơn thế nữa chúng cần phải xuất hiện đúng lúc. Nhu cầu đó có thể được giải quyết bằng cách mua tác quyền trước - đón đầu các sự kiện liên quan đến tác phẩm và tác giả - và mua “bao vây” - mua một “gói” lớn bản quyền nhiều tác phẩm của một hay nhiều tác giả.

Được và mất của cộng đồng

Bảo hộ tác quyền là một cơ chế văn minh, đảm bảo sự công bằng và là công cụ giúp cho thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn, thông qua chính động lực kinh doanh và khát khao sinh lợi của các đơn vị làm sách.

Tuy nhiên, cách vận hành của thị trường không tránh khỏi một số bất cập mà thiệt thòi cũng lại ở phía người đọc. Rất nhiều tác phẩm được cộng đồng trông chờ nhưng việc thực hiện lại chưa có trong kế hoạch của đơn vị đang nắm quyền dịch và phát hành, có thể do kế hoạch kinh doanh của họ chưa xét đến tác phẩm đó, hoặc năng lực sản xuất, dịch thuật của họ chưa cho phép thực hiện. Trong hoàn cảnh đó, một đơn vị khác có muốn thực hiện cũng không được bởi họ không nắm quyền khai thác.

Một tình huống khác là: các tác phẩm văn học lớn có thể và rất nên có nhiều hơn một bản dịch, nhưng điều này cũng sẽ không thể thực hiện được nếu quyền dịch và phát hành vẫn ở trong tay một đơn vị duy nhất. Ở đây, có thể liên tưởng đến một tình trạng tạm gọi là độc quyền bán: ai nắm quyền dịch và phát hành thì sẽ toàn quyền trong việc đưa hay không đưa tác phẩm đến người đọc, quyết định đó hoàn toàn dựa vào các tiêu chuẩn lợi ích cục bộ của chính họ mà thôi.

Khó mà lên án cơ chế khai thác tác quyền bởi đó là cơ chế được thiết lập và công nhận rộng rãi. Nhưng người đọc vẫn có quyền đặt câu hỏi: liệu sẽ có một ngày các đơn vị làm sách tìm được cách bắt tay nhau để củng cố uy thế khi thu xếp tác quyền với đối tác nước ngoài, giảm cạnh tranh nội bộ để giảm chi phí, cùng lúc đó sẵn sàng chia sẻ các tác quyền mà mình đang nắm giữ để có thể tranh thủ nguồn lực lẫn nhau, giúp tác phẩm đến được với người đọc nhanh chóng và đa dạng hơn?

VŨ THÁI HÀ

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1