Xuất khẩu văn học Việt Nam Quá khứ chiến tranh thay bằng giao lưu văn học
Cho tới nay, mỗi quốc gia đặt trong mô hình phẳng, đất nước ta phát triển về mọi mặt, hiện đại, với những thử thách lớn. Hoàn cảnh lịch sử thay đổi, đất nước phát triển, nguồn cảm hứng chủ yếu của các nhà văn lại về mảng đời tư thế sự, đi sâu vào con người, cuộc đời cá nhân với những vấn đề của cuộc sống thường nhật, đi sâu vào những điều sâu kín trong tâm hồn con người, những ẩn ức, những giằng xé trong tình cảm, nội tâm và hết sức quan tâm đến những vấn đề đang làm bận tâm những người viết trên thế giới.
Lúc này, nền văn học dân tộc lại đang thiếu vắng những tác phẩm mới về chiến tranh, về trải nghiệm đầy gian truân, sống chết của người lính. “Miền hoang” ra đời giữa những kì vọng đó, điều đặc biệt hơn là cuốn tiểu thuyết đồ sộ 600 trang này được trăn trở viết nên chính từ những trải nghiệm của nhà văn Sương Nguyệt Minh từ những năm tháng người lính chiến đấu trên Biên giới Tây Nam và làm người lính Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Miền hoang là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Namgiúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia đánh đuổi đám quân phản loạn chống phá Pôn Pốt Iêng Sary trên đất nước bạn, đồng thời củng cố hậu phương, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam.
|
Bìa tác phẩm Miền Hoang |
Thời gian lịch sử được đề cập trong tiểu thuyết là quãng thời gian cuộc chiến tranh đã đến hồi kết thúc, những người lính tình nguyện chuẩn bị rút quân về nước, phía tàn quân Pôn Pốt còn sót lại vừa tháo chạy vừa chống trả.
Chính trong khoảng thời gian này, Tùng- một anh lính Việt Nam trẻ 19 tuổi mới tham gia chiến đấu trong Đội quân tình nguyện Việt Nam được một năm bị bắt làm tù binh trong nhóm quân Pôn pốt có 3 người: Lục Thum- Trung đoàn trưởng của phiến quân man rợ, giàu kinh nghiệm trận mạc, mưu kế thâm sâu nhưng lại bị thương, dập nát một cẳng chân, gã lính áo đen tên Rô- kẻ có khuôn mặt khiếp đảm, tay chân hộ pháp uy lực nhưng hữu dũng vô mưu, và cô gái câm người Khơ me với những thiện cảm, lo lắng đối với người lính- kon Top Việt Nam.
Tất cả các nhân vật đều bị dấn thân vào một hành trình gian truân không kém cuộc chiến sinh tử, đó là lạc trong cánh rừng Miên rộng lớn, hoang vu, hoang dã và thiếu sinh khí sống. Những đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt con người bị cạn kiệt dần: lương khô không còn, nước uống hết, phải trầm mình giữa cánh rừng với những cơn nắng nóng rát ra bỏng thịt.
Đói khát cực độ tưởng như gần trút hết sinh khí lại lâm vào tình trạng hoang mang để tìm lối ra khi mất bản đồ quân sự, chiếc la bàn, phải chống trọi với bao nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc: cọp, bầy sói hoang, từng đàn kên kên đói khát những xác chết, những câu chuyện Ma Lai rung rợn, cánh đồng chết. Trong tình cảnh đó, dẫu ở hai đối cực và chiến tuyết khác nhau, người lính Việt Nam và nhóm tàn quân Pôn Pốt vẫn phải dựa vào nhau mà sống, để tìm cơ hội tồn tại.
Vấn đề nhận thức và tiếp nhận nghệ thuật trong tiểu thuyết này cũng có những thay đổi theo thời đại mới. Miền hoang phản ánh cuộc chiến tranh và chân dung những người lính không bằng góc nhìn sử thi hóa, lí tưởng hóa. Cuộc chiến tranh không hiện lên qua những trang viết với cảm hứng ngợi ca, hình ảnh người lính cũng không hiện lên như những tượng đài hiên ngang, anh dũng, bất khuất, mà hình ảnh cuộc chiến tranh và người lính được hiện lên qua lăng kính chân thực nhất, hiện lên những đối cực giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, chiến công và thất bại, những hình ảnh mất mát đau thương, những day dứt, ám ảnh trong tâm can mỗi con người: quang cảnh trên chiến trường với máu me, xương người, thịt người, những bộ óc, bộ lòng con người bị xổ tung vì chiến đấu bị thương, vì bom mìn; cảnh những hồn ma đói của binh lính, của người dân Campuchia hiện về vật vờ tang thương; cảnh tàn quân Pôn Pốt giết chết những con người vô tội: đốt cháy nhà, dùng dao, dùng xẻng chẻ từng bộ phận con người; cảnh phiến quân bắt bớ người dân đi phục dịch, xây đắp thành lũy cho quân đội khát máu; chúng chia ly phân tán gia đình, tàn sát không nương tay, sẵn sàng hủy diệt cả tình mẫu tử.
Người mẹ tiều tụy và đứa con mới mười hai tuổi ôm chầm lấy nhau sau nhiều ngày thất lạc với những giọt nước mắt mừng vui, đau đớn và liền sau đó họ chịu những nhát quốc, nhát xẻng chẻ dọc thân thể, chôn sống thân thể giữa đất trời, cảnh nhà sư bị buộc lấy vợ, tự mình hành xác đến khô héo và chết trong đau đớn, ông hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng trở thành người tù đày chở đất cát và bị vùi chôn trong đất cát, cảnh đền đài tráng lệ, những tượng đài Linga và Yoni biểu thượng văn hóa Campuchia, những trường học, thư viện tan hoang… có lẽ luôn là nỗi ám ảnh lớn trong tâm trí độc giả.
Điểm nhìn trần thuật được dịch chuyển một cách linh hoạt, từ người kể chuyện, nhân vật Tùng, viên chỉ huy Lục Thum, lính áo đen, cô gái câm, anh Du đến cả nhân vật dã nhân xuất hiện ở gần cuối truyện. Nhờ đó, hoàn cảnh, tính cách, số phận của những con người trong cuộc chiến được bộc lộ một cách chân thực, sinh động nhất. Mỗi con người là một câu chuyện, một lí do dẫn dắt họ đến với cuộc chiến.
Cô gái câm vốn là một người phụ nữ Khơ me xinh đẹp, đang sống những ngày tháng bình yên, hạnh phúc nhất trong vòng tay gia đình, bản làng, thì tàn quân Pôn pốt kéo đến, tàn sát những người dân vô tội, tàn sát gia đình cô, bản thân cô bị chúng làm nhục, rồi cô bị câm khi hứng chịu những giày vò bấn loạn về tinh thần và thể xác.
Cô nhảy xuống biển Hồ để tìm đến cái chết thì được những người lính Việt Nam cứu sống. Nhưng bi kịch lại chồng chất bi kịch khi sau đó, đám phiến quân lại bắt cô theo những trận chiến để chăm sóc, chữa trị cho những binh lính bị thương. Rồi số phận lại khiến cô gái câm phải cộng sinh giữa thiên nhiên hoang dã và 3 gã đàn ông. Tên lính áo đen có tuổi thơ mồ côi, vất vưởng mưu sinh trong môi trường tối tăm, nhơ bẩn đã hình thành nên tính cách đồ tể, xảo trá.
Lục Thum từng là học sinh nhỏ bé của lớp bồi dưỡng sĩ quan do những người thầy Việt Nam giảng dạy, với bản tính lì lợm, quyết tâm, qua năm tháng gã đã trở thành một viên chỉ huy đầy kinh nghiệm, gai góc, mưu lược, song vì đi theo con đường man rợ, ông ta đã bị trừng trị: lạc đường, đói khát, thú dữ chưa sợ bằng cái chân dần hoại tử, phải cưa đi từng chút một, bị giòi ăn mòn từng chút một, và sinh khí vơi đi từng chút một theo cuộc hành trình.
Là dã nhân- với vẻ ngoài hiện lên đầy kinh sợ: bẩn thỉu, hôi hám, lông lá đầy người, hai chiếc chân cụt vì mìn, với điệu cười khiến cho cây lá phải rung đưa, còn con người thì sởn gai ốc, gã cũng có câu chuyện của chính mình. Vì chiến tranh đã khiến gã phải chứng kiến cảnh ngôi nhà đẹp đẽ bị thiêu rụi, chứng kiến cha mẹ, anh chị- những con người quý tộc tri thức phải chết đẫm máu, tức tưởi.
Là nhân vật anh Du- người đội trưởng kiên cường, dũng cảm, giàu tình yêu thương đã luôn hiện diện trong suy nghĩ, tâm trí của Tùng, hiện lên trong cả những giấc mơ, để dẫn dắt, tiếp thêm ý chí, nghị lực cho chàng trai non nớt Việt Nam vững vàng đương đầu với lẽ sống còn.
|
Nhà văn Sương Nguyệt Minh. |
Trong hành trình khổ ải ấy, con người đi lạc, hoàn toàn rời xa thế giới văn minh, những kẻ lạc rừng buộc phải đấu tranh để thoát khỏi sự hoang dã hóa. Giữa cánh rừng hoang vu đầy mùi tử khí, những con thú hoang ghê rợn chỉ chực chờ cái chết của những con người để phanh thây, để rỉa rói, và những con người hung hãn, man rợ nhiều khi phần con lớn hơn phần người thì hình ảnh người lính trẻ Việt Nam hiện lên mang chút màu sắc lãng mạn.
Tùng chỉ mới 19 tuổi, mới chỉ tham gia chiến đấu gần một năm với kinh nghiệm trận mạc còn rất non nớt. Hành trình anh mang theo bên mình là cuốn nhật kí ghi lại những cảm xúc, câu chuyện trên đường hành quân, những bài thơ, bài hát để xua đi mệt nhọc, cuốn tiểu thuyết của Lev Tolstoy, là bức ảnh chụp chung của anh và Thùy- cô bạn gái xinh xắn học cùng trường cấp 3 mà anh cảm mến, những bức thư trao đổi và cây đàn ghi ta được anh nâng niu, gìn giữ như những báu vật.
Chàng lính trẻ với dáng vóc, khuôn mặt thư sinh, với những ngón tay gẩy đàn và tâm hồn lãng mạn, hào hoa ấy sa mình vào nơi tăm tối với hành trình thử thách sự sống và cái chết, hành trang mang theo ấy cũng bị tàn phá và bỏ lại dần, có những lúc chàng lính tưởng như đã gục ngã, buông xuôi, nhưng cuối cùng anh vẫn hướng tới những kỉ niệm, hơi ấm của gia đình, tình cảm mến rung động đầu đời, hình ảnh những người đồng đội thân thương, anh Du đội trưởng… để thắp lên niềm tin, để chống chọi và tìm lối thoát. Để rồi anh đã thoát được đám tàn phế tâm hồn đeo bám suốt chặng đường, “mò tìm được cái “bến” mà không bị đầm lầy nuốt chửng” và thấy “một con đường nhựa đi Siêm Riêp, Biển Hồ”.
Ngôn ngữ và giọng điệu trong tiểu thuyết được vận dụng một cách linh hoạt, mỗi một nhân vật lại có một giọng điệu riêng, phù hợp với tính cách và thói quen của họ, Lục Thum lối nói uy lực, mưu mẹo, tên lính đen vô học, man rợ, sử dụng lối nói nhát gừng, khẩu ngữ và những từ lóng thô tục, anh lính Việt Nam khuôn phép, nhẹ nhàng, cô gái câm trong những tình huống khẩn cấp phát ra những tiếng nói cảnh báo, run rẩy, khiếp sợ…
Miền hoang cũng chứa đựng một hệ thống thông tin của báo chí rong nước và nước ngoài những sự kiện lớn về cuộc chiến tranh được sắp xếp theo trình tự thời gian, những căn cứ, tên gọi của từng mảnh đất, địa bàn của cuộc chiến đầy đủ, chân thực. Lối kể chuyện dí dỏm, giọng văn trong sáng, hài hước, nhất là những đoạn viết về cuộc sống người lính khiến cho tiểu thuyết viết về chiến tranh không cứng nhắc mà đầy hấp dẫn.
Miền hoang còn ẩn chứa một thông điệp của tác giả: Niềm tin và khát vọng được sống trong cuộc sống hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh mãnh liệt giúp con người thoát khỏi tăm tối!
Tất cả những yếu tố ấy đã khiến Miền hoang trở thành một cuốn sách lôi cuốn, hiện thực và sinh động về đề tài chiến tranh trong thời kì mới, và một lần nữa nhà văn Sương Nguyệt Minh lại khẳng định được tài năng, sự miệt mài với nghề qua tác phẩm tiếp theo và là tiểu thuyết đầu tay này.
Ngọc Hiên |