“Không ai muốn phải sống một mình”
Xưa nay, có khá nhiều phụ nữ làm văn chương thất bại trong hôn nhân. Theo chị, việc giữ mái ấm gia đình của họ có gì khó khăn hơn những người phụ nữ ở ngành nghề khác?
- Không chỉ với người làm văn chương, bất kể ai đi theo con đường nghệ thuật, để cân bằng giữa trách nhiệm đời sống gia đình và đam mê theo đuổi sáng tạo là điều vô cùng khó khăn. Nếu chọn gia đình, đồng nghĩa nhiều người nữ viết văn đã phải bỏ qua việc sáng tác văn chương. Bất kể ai tỏ ra mạnh mẽ đến đâu cũng thầm khát khao có người bạn đời đồng hành, gia đình hạnh phúc. Không ai muốn phải sống một mình, kể cả khi đã có đam mê với văn chương.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, sự tan vỡ trong hôn nhân của các nhà văn thường do họ “nặng gánh”với chữ nghĩa hơn gia đình. Bản thân chị thì sao?
- Nếu nói điều gì là đam mê thực sự của tôi thì đó là gia đình. Tôi luôn đặt gia đình lên trước mọi sự chọn lựa. Nếu không có gia đình, tôi chẳng có bất cứ chỗ dựa nào. Và không mong mỏi sẽ làm gì được có ích. Có thời gian, tôi sống trong gia đình và không thể sáng tác, tôi chấp nhận điều đó hết sức dễ dàng để sống như một người phụ nữ với những lo toan nội trợ, báo chí thường nhật.Việc làm báo giúp tôi có được trạng thái tỉnh táo cần thiết. Thế nhưng, văn chương vẫn quẩn lấy đời tôi, là nợ nghiệp, khi tôi lãng quên nó, số phận sẽ lấy của tôi mọi sự thỏa mãn trong đời sống gia đình, để phải viết. Để có một cuốn tiểu thuyết ra đời, sự trả giá về tổn thất đời sống riêng là không hề nhỏ.
Vậy rốt cuộc, đằng sau nỗi đa đoan ấy thường là sự tài sắc hơn người hay tham vọng muốn được vẹn toàn mọi thứ?
Trẻ trung, xinh đẹp, năng động, chính những yếu tố này đưa Nguyễn Quỳnh Trang đến với nhiều công việc, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ công tác tại một tờ báo, chị còn được mời làm người dẫn chương trình truyền hình, làm giám khảo gameshow, tham gia các talk show, hội thảo tọa đàm... Chị tâm sự: “Tôi là người ưa thử thách trong công việc, tôi không từ chối bất cứ cơ hội nào để có thể khám phá khả năng bên trong mình. Với tôi, làm báo có cơ hội tiếp xúc với nhiều thân phận người. Làm MC, trò chuyện với những người nổi tiếng giới showbiz, trao đổi các vấn đề văn hóa nóng nổi cộm với văn nghệ sĩ trí thức, hay dẫn chuyện trên một kênh truyền hình cho thanh thiếu niên... mang lại cho tôi những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, quan trọng nhất, đó chính là nguồn chất liệu dồi dào cho các sáng tác văn chương. Rốt cuộc mọi con đường cũng tìm đến viết. Khi sáng tác, tôi mới thực sự được sống trong thế giới của mình và là mình”.
|
- Tôi thấy, là phụ nữ thì đừng nên trọn vẹn quá điều gì, đã có nhan sắc, lại thông minh, kèm theo nhạy cảm thì thường lo buồn đến trước hơn là viên mãn niềm vui. Sự đa đoan đến thường là do chúng ta không chấp nhận dễ dàng mọi thứ. Thà cứ để tất cả những nhân duyên cõi đời này đến rồi đi như nhẹ nhõm giản đơn không cần gì phải nghĩ như hơi thở, thì tốt hơn. Vậy nên, để có được niềm vui, việc đầu tiên cần học là biết buông xả và không cầu mong toàn vẹn bất cứ điều gì.
Nghĩa là với chị, thay vì kháng cự, biết chấp nhận hoàn cảnh cũng là cách để đối diện với đời sống?
- Tôi thấy cuộc đời rất khắt khe nhưng cũng vô cùng hào phóng với tôi. Mỗi khi tôi mắc vào một tổn thương lớn, mà vượt qua được bằng sự thấu hiểu và thương yêu không chút hờn trách thì tôi lại được thưởng bằng món quà tình người vô giá. Tôi khóc đó mà cũng cười được ngay đó. Tưởng đi vào bước đường cùng rồi thì bỗng nhiên một ngã rẽ thênh thang đầy hương thơm trái ngọt ấm áp mở ra. Quá quen với vạn sự vô thường, để khi thấy có lúc rơi vào bế tắc dù phải rơi nước mắt, nhưng ngay khi bình tĩnh lại, tôi chợt nhớ ra sự mất hết xảy đến chỉ như một trạng thái lọc lại những gì thực sự cần thiết cho cuộc đời tôi. Thế nên, tôi có được sự lạc quan, niềm tin về mọi điều tốt đẹp, dù trong bão.
“Đời cho gì thì tôi nhận thế”
Trải qua đổ vỡ trong hôn nhân, có bao giờ chị nghĩ sẽ một mình nuôi con? Hay chị luôn cần đến người đàn ông làm điểm tựa?
- Tôi chẳng kịp lựa chọn gì cho mình. Cuộc sống như dòng chảy, vạn sự đến với đời tôi luôn bất thường không báo trước. Tôi chỉ có cách nương vào dòng chảy với ý thức nhận biết sao cho không đập đầu vào đá hay mắc cạn là tốt rồi. Đời cho gì thì tôi nhận thế. Và bất kể chuyện gì xảy đến, với tôi đều chính là sự lựa chọn từ bản nhiên trong tôi, tất thảy đều là những tình huống mà tôi phải trải nghiệm để có dữ liệu cho việc viết, nên tôi học cách chấp nhận, sau đó là cảm tạ cuộc đời.
Liệu mảnh đất phương Nam có hợp với người phụ nữ viết văn gốc Hà Nội như chị? Chị xem đó là nơi trú chân hay điểm dừng để bám trụ, xây đắp tổ ấm mới?
- Tôi chưa kịp có bất cứ kế hoạch cụ thể nào cho việc gá đời mình vào mảnh đất mới này. Nhưng số phận đẩy tôi đi, thì tôi đi. Tôi yêu Hà Nội vô cùng, nhưng cũng ưa nhiều thử thách để thử tinh thần mình. Với tôi lúc này, mọi thứ còn mới mẻ, tôi còn chưa kịp quen với góc phố con đường hay khởi sự cho việc tạo dựng những mối quan hệ mới. Tuy nhiên, tôi có một niềm tin rằng khi tôi bắt đầu biết yêu thương góc phố, ngôi nhà, hàng me già, con đường, con người... nơi đây, thì khi ấy mọi thứ sẽ tràn ngập trong tôi như khi còn ở Hà Nội. Ở đâu cũng có những người hay. Chưa kể sự kết nối của tôi với bạn bè Hà Nội vẫn đậm đầy. Hằng ngày, tôi vẫn nhận được những cuộc điện đàm động viên tinh thần từ Hà Nội. Tôi vô cùng may mắn khi không hề cô đơn bởi sự thương yêu giúp đỡ tận tình vô ưu của người thân, bạn hữu, đồng nghiệp giữa thành phố còn chưa quen thuộc này.
Dẫu sao trong sự đổ vỡ hôn nhân, chúng ta thường nghĩ về những đứa trẻ. Chị đã che chở và giúp các con chấp nhận những thay đổi thế nào?
- Khi nhìn vào sâu hơn mọi sự, tôi chợt nhận ra bọn trẻ có sự an nhiên bình tĩnh hơn mình. Chúng có sự lựa chọn riêng không cần giải thích, biết đâu là phù hợp với mình, biết đâu là nơi có thể dựa vào. Bởi bên trong chúng luôn chứa sẵn sự phán đoán tinh tường nhanh, nên chúng ta đừng nghĩ có thể giấu chúng bất cứ điều gì. Sự giấu giếm của chúng ta chắc chắn sẽ gây tổn thương lớn và nuôi dưỡng hoài nghi cùng lo âu sợ hãi cho bọn trẻ. Vì thế, tôi trung thực giải thích mọi sự đang xảy ra cho các con hiểu, chỉ đưa thông tin chứ không mang cảm xúc hay trạng thái chấp bám phán xét vào, hướng các con vào cuộc sống mới tích cực. Thế nên chúng vui vẻ chấp nhận mọi thứ rất dễ dàng. Tôi học nhiều ở con, hơn là có thể dạy chúng. Điều mà tôi có thể là cho con sự tự do và hướng con về sự yêu thương. Và cho con thấy rõ, con muốn nhận gì thì cho đi cái đó.
Bên cạnh một Nguyễn Quỳnh Trang sành điệu, năng động trong đời sống, công việc... chân dung chị thế nào đằng sau cánh cửa căn hộ?
- Tôi cũng giống như bao người phụ nữ khác, tất bật đưa con đi học đón con về nhà, chăm sóc cho con bữa ăn giấc ngủ. Tôi giải quyết việc nhà khá nhanh chóng, và coi việc nội trợ như là bài tập thể dục cần thiết để xả căng thẳng bởi làm việc bằng cái đầu quá nhiều. Thú vui ở nhà của tôi những lúc một mình là đọc sách. Lúc nào tôi cũng ôm một quyển sách nào đó để đọc, rồi ngắm cá bơi trong bể, tưới nước cho cây hoặc hít thật sâu hương hoa trong đêm, nghe một bản nhạc hay. Tôi thấy mình lúc nào cũng thiếu mà cũng dư thừa thời gian. Và gắng sống thưởng thức trọn vẹn từng giây phút hiện tại mà không nghĩ ngợi. Tôi đang tập phân tách mình ra khỏi những mớ cảm xúc lúc nào cũng bùng nổ và hướng tới việc tìm kiếm khám phá bản nguyên con người nội tại bên trong mình. Rồi tất cả trải nghiệm sống của tôi, mọi con đường gian khó hay yên bình của tôi rốt cuộc vẫn chỉ dẫn tới việc viết.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Quỳnh Trang đến với văn chương từ năm 7 tuổi cùng các sáng tác thơ in trên báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò. Năm 2005, nữ nhà văn sinh năm 1981 này bắt đầu viết truyện ngắn và chỉ một năm sau, các tác phẩm của chị được in trên các báo và xuất hiện trong hàng loạt tuyển tập đặc sắc như: “Văn mới”, “Truyện ngắn 8X”, “Vũ điệu thân gầy”, “Độc thoại trên tháp nhà thờ”... Năm 2007, tiểu thuyết đầu tay “1981” của chị ra mắt độc giả, bán hết trong hai tháng đầu. Cho đến nay, cuốn sách vẫn được tái bản. Sau “1981”, Nguyễn Quỳnh Trang liên tiếp cho ra đời các tác phẩm: “Nhiều cách sống” (tiểu thuyết, 2009), “Cho một hành trình” (tập truyện ngắn, 2009), “24 giờ” (tập truyện ngắn, 2011), “Mất ký ức” (tiểu thuyết, 2012), “Đi về không điểm đến” (ký chân dung văn học, 2013), “9x09” (tiểu thuyết, 2014)…
|
Lữ Mai (thực hiện)