“Giáo hội” Google
Thành lập vào năm 1998, Google là công ty Internet lớn nhất hiện nay với hơn 50.000 nhân viên, và là thương hiệu giá trị nhất thế giới với mức định giá 158,84 tỷ USD. Google cũng là công ty Internet đầu tiên đạt kỷ lục 1 tỷ người truy cập chỉ trong 1 tháng (5/2011). Ngay từ khi mới thành lập, Larry Page – Tổng GĐ của Google đã xem Google như là hình thức phôi thai của trí thông minh nhân tạo. “Trí thông minh nhân tạo là phiên bản cuối cùng của Google”, ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, rất lâu trước khi tên tuổi của công ty trở thành một thương hiệu phổ biến toàn cầu.
Google, với sứ mệnh sắp xếp và phân loại lại thông tin trên thế giới theo triết lý riêng của họ đang là đầu tàu trong việc phân mảnh thông tin và cung cấp chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả đến cho mọi người. Từ cách thức thiết kế cách vận hành của search engine, đến dự án số hóa và biến mọi quyển sách trên thế giới có thể được tìm thấy trên mạng, Google đang tạo nên một cách tư duy mới, và đồng thời làm giàu cho công việc kinh doanh của họ thông qua việc bán quảng cáo.
Hơn 80% doanh thu của Google vẫn đến từ sản phẩm đầu tay của họ : Google Search. Bạn càng dành nhiều thời gian trên mạng, càng đọc nhiều thông tin, bạn càng có xác suất sử dụng các dịch vụ của Google cao hơn, và xác suất bạn nhìn/click quảng cáo càng cao hơn. Có thể nói, với sự trợ giúp đắc lực từ Google, việc tự nhớ thông tin chưa bao giờ bị xem thường như ngày nay. Sự đổ bộ của các ngân hàng và dữ liệu vô hạn trên Internet, được nối với chúng ta thông qua cánh cửa Google đang ảnh hưởng hết sức nhanh chóng đến khả năng ghi nhớ của mỗi con người. Internet từ chỗ là công cụ để hỗ trợ, đang dần trở thành thay thế cho trí nhớ cá nhân, thậm chí đang dần đóng vai bộ nhớ nhân tạo của con người. Năm 2003, trong một bài phát biểu tại ĐH Stanford, Sergey Brin – đồng sáng lập Google một lần nữa khẳng định lại tham vọng của họ: “Công cụ tìm kiếm cuối cùng phải thông minh như con người – hoặc thông minh hơn.” Chúng ta vẫn chưa biết được việc biến một cỗ máy trở nên thông minh hơn bộ não con người có khả thi hay không nhưng dường như Google vẫn đang đi đúng hướng của họ – tất nhiên, cùng với sự “trợ giúp” của hàng tỷ người dùng Internet.
Khả năng ghi nhớ đã từng được coi là một dấu hiệu của tự nhận thức bản thân và sáng tạo nay đã bị nhìn dưới góc độ là rào cản của trí tưởng tượng, hay đơn giản là một sự lãng phí trí năng. Với việc các bộ nhớ ngoài như ổ cứng, thẻ nhớ di động ngày càng phát triển, cùng với khả năng tìm kiếm và truy xuất lại thông tin hoàn hảo, chẳng có mấy ai nghĩ đến việc dùng bộ não của mình để ghi nhớ thông tin nữa. Như Clive Thompson, cây bút nổi tiếng của tạp chí Wired đã nói: “Tôi gần như không dùng đến khả năng ghi nhớ nữa, vì tôi có thể ngay lập tức truy xuất lại thông tin trên mạng. Bằng việc gửi gắm bộ nhớ lên các tấm silicon, chúng ta giải thoát chất xám của chúng ta vào những việc mang tính con người hơn như : khởi tạo ý tưởng hay đơn thuần là mơ mộng. Ghi nhớ với tôi bây giờ chỉ đơn thuần là nhớ địa chỉ web nơi chúng ta có thể tìm thấy thông tin mà chúng ta cần”. Ghi nhớ đã từng là một thứ gì đó thuộc về con người. Giờ nó là một thứ gì đó dành riêng cho máy móc. Tuy vậy, ghi nhớ có nhiều cấp độ, và nếu từ bỏ hoàn toàn chức năng ghi nhớ cho máy móc, phải chăng chúng ta đang dần trở thành một cỗ máy truy xuất thông tin bằng xương bằng thịt hay biến thành một con người không có ký ức?
“Tín đồ” Facebook
Nếu trên thế giới có 4 tôn giáo lớn là Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo thì Facebook – với số lượng người dùng lên tới trên 1,3 tỷ người xứng đáng được xếp là “tôn giáo” lớn thứ 5 của toàn nhân loại. Dù mới chỉ ra đời cách đây 10 năm, thứ “tôn giáo” này đã có số lượng “tín đồ” chiếm gần 20% dân số thế giới, đồng thời cũng biến Mark Zuckerberg – ông chủ của nó trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất hành tinh với tổng tài sản lên tới hơn 33 tỷ USD.
Bạn có thể gặp hình ảnh trên ở bất cứ nơi đâu – trong nhà hàng, bến xe, trường học hay bệnh viện… Những khuôn mặt vô cảm chăm chú vào chiếc smartphone hay một thiết bị kết nối thông minh nào đó. Mạng xã hội, mà điển hình là Facebook đã trở thành một thứ không thể thiếu của con người trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Bằng cách biến các thông điệp thân mật, một thời là lĩnh vực của thư tay, nhật ký hay tin nhắn riêng – thành đầu vào cho một dạng truyền thông đại chúng mới, các mạng xã hội mang tới một cách thức hoàn toàn khác để mọi người có thể giao tiếp và giữ liên lạc. Nhưng không như những phương thức liên lạc truyền thông trước đó, những thông tin và trạng thái cá nhân được chia sẻ với hàng trăm, hàng nghìn người trên Facebook sẽ nhanh chóng mất đi giá trị của nó nếu không được cập nhật thường xuyên hoặc thay thế bằng những cập nhật mới. Và vì vậy, theo bản năng tự nhiên, để đánh dấu sự tồn tại của mình, con người lại tiếp tục lao vào một cuộc chạy đua trong vô thức từng ngày, từng giờ trên Facebook mà chưa biết bao giờ mới đến hồi kết.
Facebook và các mạng xã hội khác cũng đang dần định hình lại các mối quan hệ và phương thức giao tiếp của con người. Chỉ qua một cú click chuột, bạn đã có thêm một người bạn mới, hoặc có thể tham gia vào những hội, nhóm mình yêu thích mà không phải mất quá nhiều thời gian như trước kia. Những mối quan hệ truyền thống dựa trên các mô hình liên kết căn bản như trong công việc, học hành, hàng xóm… đang dần bị xóa nhòa, nhường chỗ cho những mối quan hệ mới, nhanh hơn, dễ hơn, không bị phụ thuộc vào không gian, địa lý nhưng cũng cẩu thả và phù phiếm hơn. Với hàng trăm, hàng ngàn người bạn (hoặc được coi là bạn) hình thành chỉ trong một thời gian ngắn, Facebook giống như một cư xá khổng lồ với cả tỷ căn hộ thông nhau, không bao giờ khép cửa để mọi người có thể dễ dàng giao tiếp, tán gẫu, hay thậm chí tranh cãi, xích mích với nhau.
Có thể nói, với sự liên kết hơn 1 tỷ người theo phương thức mới này, Facebook và các mạng xã hội đang dần thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin của con người. Đó là, thay vì tiếp nhận thông tin một cách chủ động, theo chiều sâu và thường có hệ thống như trước kia, thì nay bạn sẽ phải tiếp nhận thông tin theo một cách mới, nhanh chóng, thụ động và hoàn toàn không theo một hệ thống hay cấp độ phân loại nào. Đúng như những gì ông chủ trẻ tuổi Mark Zuckerberg đã trả lời trong một buổi phỏng vấn vào tháng 11/2011: "Câu hỏi đúng không phải là ‘Chúng ta muốn biết gì về mọi người', mà là 'Mọi người muốn kể với chúng ta những gì về họ?". Bạn hãy hình dung ngay sau bài phát biểu của một giáo sư nổi tiếng lại là những phát ngôn mang tính chất “đường phố” của một tay rapper, ngay sau những hình ảnh xa hoa của một ngôi sao điện ảnh lại là sự nghèo đói của những đứa trẻ trong các khu ổ chuột… Bộ não của chúng ta, vốn đã bị xao nhãng, bị “phân mảnh” khi tham gia vào môi trường Internet, nay lại càng bị đẩy lên đến giới hạn cùng cực của nó.
Và như vậy, trí nhớ dài hạn, vốn đã tồn tại hàng ngàn năm qua, là điểm tựa cho những kinh nghiệm và sự tiến bộ của loài người đang dần bị thu hẹp lại, thay vào đó là một loại trí nhớ ngắn hạn, hay thậm chí là “siêu ngắn hạn” chỉ gồm những mảnh thông tin rời rạc và chắp vá được tiếp nhận một cách thụ động và không có hệ thống, nên lẽ dĩ nhiên sẽ nhanh chóng mất đi và lại bị thay thế bởi những dạng thông tin rời rạc khác. Facebook cùng với Google, suy cho cùng, cũng chỉ là những công ty kinh doanh dựa trên sự gây nhiễu và phân mảnh. Để rồi cuối cùng, sự gây nhiễu, phân mảnh này đang dần “giết chết” kiểu tư duy “bình thản, tập trung và tuyến tính”, vốn là nền tảng của khoa học, nghệ thuật và xã hội đã ngự trị hàng trăm năm qua.
(Còn nữa)