Sal Paradise là một nhà văn trẻ mới ly dị vợ và thấy mọi thứ đang tan nát hết cả. Anh đã vô tình gặp Dean Moriarty - một con ngựa hoang với những đam mê bản năng nhất, một thiên thần với tâm hồn thánh thiện, nhưng cũng là một ác quỷ điên cuồng có khả năng làm xáo trộn mọi nơi hắn đi qua – người đã mở ra chương mới trong cuộc đời của Sal, “cuộc đời trên những con đường”. Họ gặp nhau vào mùa đông năm 1947 và chia tay vào mùa xuân cùng năm đó để chuẩn bị cho những chuyến lên đường riêng.
Để kiếm tìm trải nghiệm cho những áng văn chương của mình, Sal lên kế hoạch đi về Bờ Tây bằng cách xin đi quá giang mọi phương tiện xe cộ trên đường. Sal được tụ hội với Dean cùng những chiến hữu, cũng là những nhà văn, nhà thơ trẻ nổi loạn, Carlo Marx, Chad King, Tom Snark, Tim Gray…tại thành phố Denver cổ kính và đã có những “cuộc vui quên tháng ngày”, tưởng chết đi được trong những quán bar đặc mùi khói thuốc và ồn ĩ tiếng nhạc jazz phóng khoáng, hay những buổi đàm đạo sôi nổi xuyên đêm tới sáng mà bản thân người tham gia không hiểu mình đang nói gì…
Cứ thế, cả tiểu thuyết là những lần gặp rồi chia tay, chia tay rồi gặp lại của Sal và Dean trong vài năm sau đó. Hai con người ấy đã cùng nhau lang thang, rong ruổi trên những con đường khắp chiều dài nước Mỹ, từ Đông sang Tây, và ngược lại, không biết bao nhiêu lần. Một tình bạn bền chặt kì lạ dần được xây đắp nên giữa hai gã đàn ông này, nối kết với nhau bằng những sợi dây ý thức rối rắm mà người ngoài không thể hiểu nổi. Họ cùng nhau tận hưởng cảm giác lang bạt, gặp gỡ và kết bạn mới, chìm đắm trong những cuộc tình mới, say khướt với những bữa rượu túy lúy bất kể giờ giấc, tiếp thu những kinh nghiệm sống phi vật chất với thái độ bất cần đời. Dean có thể phóng xe bạt mạng vượt mấy nghìn dặm chỉ để gặp Sal, cũng như Sal sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, xách vali và nhảy lên xe để đi cùng Dean đến bất cứ phương trời bất định nào.
Nhân vật Sal cứ liên tục hỏi những cô gái anh ta gặp “Em chờ đợi gì ở cuộc đời này?” nhưng chính bản thân anh cũng chẳng rõ “Đi đâu? Làm gì? Nhằm mục đích gì?..” và những “cái bọn khùng này lại cứ muốn lao về phía trước”, suy ngẫm và tìm kiếm ĐIỀU ĐÓ, thứ gì đó thần thánh mà họ không cắt nghĩa rõ được. Họ đơn thuần là những nhà văn trẻ đầy nhiệt huyết, muốn tự giải phóng mọi ràng buộc, thoát khỏi sự gò bó bởi lý trí, logic, đạo đức, tôn giáo… để tìm về với bản ngã sơ khai. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi Sal, Dean và người vợ đầu tiên của hắn, Marylou, “trút bỏ hết gánh nặng quần áo”, khỏa thân lái xe dưới cái nắng gió của miền Tây nước Mỹ, tận hưởng khoảng trời tự do đã cho họ trải qua những trạng thái vui sướng, tuyệt vọng, trống rỗng và bi đát - nỗi buồn đặc thù trên đất Mỹ mênh mông.
“Trên đường” được dựa trên câu chuyện có thật của Jack Kerouac cùng người bạn Neal Cassady, hai trong số những nhân vật quan trọng của thế hệ Beat (Beat Generation) của nước Mỹ những năm 50, là cánh chim đầu đàn khởi xướng ra phong trào Hippy và tạo cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa Bohemian. Tiểu thuyết này được viết ra trong vòng chưa đến ba tuần lễ trong năm 1951, theo lối viết sáng tác bột phát trên một cuộn giấy teletype, thể hiện một phong cách tươi mới với câu văn dài lan man dựa trên kết cấu rời rạc của nhạc jazz mà theo J.Kerouac đã nhấn mạnh “Không có ‘sự chọn lọc’ trong diễn đạt mà cứ đi theo sự liên tưởng của tâm trí, chìm vào những biển suy tư vô bờ bến với chủ đề triền miên.”.
Tác phẩm đề cao sự tự do trong tâm hồn, hoài bão sống trần trụi, niềm đam mê với những chuyến đi phiêu bạt và coi “con đường đó chính là cuộc đời họ”. Khẩu hiệu nổi tiếng “Make love, not war” cũng được ra đời trong thời kỳ này. Và từ một nhóm nhỏ những người bạn say mê văn chương, thế hệ Beat đã bất tử trở thành một huyền thoại văn hóa của nước Mỹ. Hình ảnh nhân vật trong tiểu thuyết mang ba lô và vẫy tay xin quá giang dọc đường đã tạo cảm hứng cho rất nhiều thanh niên thời kỳ đó cũng như bây giờ bắt chước theo.
Hãy lên xe cùng Sal và Dean, biết đâu bạn sẽ tìm thấy mình ở đâu đó trên con đường dài ấy!
Thi Nga
>>> Có thể bạn quan tâm: Trong khi nhiều nhà văn khác cùng thế hệ với anh đã xuống phong độ rất nhiều, thậm chí không ít người đã nghỉ viết, thì Nguyễn Ngọc Thuần vẫn tiếp tục viết hay, và vẫn tự tin tiếp tục dự thi giải “Văn học tuổi 20” - Đẹp xin giới thiệu với độc giả một số lựa chọn sách hay trong tháng 9.
trên đường , beat generation , jack kerouac