Bởi đó là một tác phẩm nhại. Nhại thần tượng. Để chữa cho con người cái căn bệnh tinh thần mà ở thời nào cũng mắc phải, ngày nay ở nước ta cũng nhiều người mắc phải, nhất là giới trẻ: Mê muội thần tượng!
Tây Ban Nha thế kỷ XVI tràn ngập sách viết về các hiệp sĩ, mặc dù hoang đường phi lý đến nhảm nhí nhưng lại bán rất chạy. Cơn sốt sách hiệp sĩ gây ra căn bệnh “thảm họa hiệp sĩ”. Người ta đọc quên ăn quên ngủ rồi lấy hình tượng các hiệp sĩ làm “tấm gương” mà ứng xử theo… Cứ đà ấy thì cả xã hội tinh thần Tây Ban Nha sẽ sụp đổ, may mà có “cứu tinh” xuất hiện…
Tiểu thuyết cũng viết về đề tài hiệp sĩ, nhân vật chính là nhà quý tộc Quixada say mê những sách hiệp sĩ đến nỗi có bao nhiêu tiền bỏ ra mua truyện hết. Đầu óc chàng đã bị ám ảnh đến mức không thể gột bỏ những “ánh hào quang” chung quanh hình tượng này… Ám ảnh đến hoang tưởng. Chàng tự cho mình là một hiệp sĩ phải mang sứ mệnh cao cả đi khắp nơi để “cứu khốn phò nguy”… Chàng bèn đổi cái tên cho có vẻ “hiệp sĩ” là Don Quixote, nhờ một tay chủ quán hạ lưu phong cho mình tước vị “hiệp sĩ”. Chàng mặc vào bộ áo giáp đã bị han gỉ của tổ tiên từ xửa xưa, phong cho con ngựa còm của mình cái tên cũng rất “hiệp sĩ” là Rocinante. Hiệp sĩ thì phải có tình nhân xinh đẹp, chàng bèn nghĩ đến người hàng xóm mà ngày xưa mình thầm yêu nay làm nghề ướp thịt muối, và đặt cho nàng cái tên rất vẻ “người tình hiệp sĩ” là công nương Dulcinca del Toboso!
Và lên đường…
|
Hình tượng hiệp sĩ Don Quixote và giám mã Sancho Panza. Nguồn: baotintuc.vn.
|
Lần ra đi thứ nhất, chàng bị bọn lái buôn đánh cho tơi tả vì bọn chúng không chịu nghe theo mà thừa nhận nàng Toboso là người đẹp nhất thế gian, vì lý do chưa bao giờ nhìn thấy. Lần thứ hai, được sự trợ giúp của giám mã Sancho Panza béo mập mà chàng thuê và hứa sẽ cho cai quản vài hòn đảo khi thành sự nghiệp, hai thầy trò lại hiên ngang lên đường. Chàng “giao chiến” với những cối xay gió bởi cho rằng đó là bọn khổng lồ hung dữ. Chàng đánh lại bọn kỵ binh hộ tống một phu nhân vì nghĩ rằng bọn đó là những kẻ bắt cóc một công chúa. Chàng gặp một đám tang và xông vào “chiến đấu” vì cho đó là một hiệp sĩ bị tử thương còn chàng có nghĩa vụ phải trả thù cho “đồng đội”… Biết bao những chuyện nực cười xảy ra và tất nhiên lần nào “hiệp sĩ” cũng bị đánh cho khốn đốn. Đến khi sắp chết, chàng mới tỉnh táo để “nhận thức lại” những sách hiệp sĩ tai hại đã từng đọc…
Sự vĩ đại của tuyệt tác này là đả kích một thị hiếu tầm thường của con người: Mê muội thần tượng đến mức thái quá sẽ đem lại thảm họa. Và chỉ ra nguyên nhân cần chữa trị: Do vốn văn hóa, vốn tri thức kém cỏi nên thiếu bản lĩnh, không làm chủ được mình rồi dẫn tới hoang tưởng.
Nhưng thế nào là “thần tượng”? Đó phải là người có tài năng xuất chúng với vốn kiến thức sâu rộng, có đạo đức tốt với lý tưởng tiến bộ vì hạnh phúc con người, có lối sống chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận… Anh chàng Quixada vì sùng bái nhầm thần tượng là những hiệp sĩ lỗi thời mà phải trả giá cả đời, để cho cả nhân loại cười vì những việc làm ngớ ngẩn.
Đáng tiếc thay, 400 năm sau ở xứ Việt văn minh vẫn còn nhiều những anh chàng Don Quixote xứ bò tót cổ hủ ngày xưa.
Có nhiều chàng/nàng không quản rét mưa, quên ăn quên ngủ, bỏ thời gian học hành, lao động để đi đón “thần tượng” của mình ở sân bay. Có bao chàng/nàng gào khóc đến quẫn trí vì thần tượng. Có chàng/nàng đắm đuối đến mức quên đi sự vệ sinh tối thiểu mà “hôn ghế thần tượng” đã ngồi vì không được bắt tay hay sờ áo “thần tượng”. Có chàng/nàng thể hiện sự tức tưởi các “các ông bô bà bô” (tức bố mẹ đẻ ra mình) trên mạng cá nhân vì họ không cho vài triệu để đi xem “thần tượng”…
Thế mà, khổ nỗi, những người được sùng bái ấy có xứng đáng để là “thần tượng” không? Họ là những ca sĩ, diễn viên điện ảnh... “Thần tượng” những người diễn giỏi, hát hay không có gì sai. Nhưng họ có phải là tài năng kiệt xuất đến mức phải vật vã gào khóc, phải “hôn ghế”…? Thiết nghĩ đây là “hội chứng đám đông” mà có người từng thốt lên, hoặc sâu xa hơn là cảm nhận văn hóa chưa thật chuẩn mực của số ít bạn trẻ!
Lạ hơn là có trường hợp anh chàng hát còn ngọng, có chị mạnh mồm nói thẳng chỉ yêu “đại gia” cũng được nâng lên thành… “thần tượng”!
Thế mới hay tác phẩm văn học kiệt xuất luôn có sức sống phổ quát lâu bền: Nói về chuyện ở tận xứ Tây Ban Nha đã 400 năm mà hôm nay đọc ở xứ ta, vẫn thấy mới!
THANH NGUYÊN