6 tác giả được vinh danh tại Giải thưởng văn học Hà Nội

15:27:00 10/10/2014
VOV.VN - Sáng 10/10, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức trao giải thưởng năm 2014 với 6 tác giả - tác phẩm được vinh danh.

Năm nay, Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội được trao cho 6 tác giả, tác phẩm ở các thể loại văn xuôi, thơ, văn học dịch, phê bình-tiểu luận. Hội đồng xét giải đã chọn trao giải thưởng cho truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” của nhà văn Đỗ Phấn; tập thơ “Mỗi ngày sau một ngày” của tác giả Trần Nhật Lam; tiểu thuyết “Hi vọng” (tác giả K. Michalak - Ba Lan) do Lê Bá Thực chuyển ngữ.

Các tác giả trên bục nhận giải. (Ảnh: Phương Thúy)

Đặc biệt, theo quy chế của Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay có hai giải trao cho tác giả trẻ là: “Không gian văn học đương đại” - tập phê bình, Đoàn Ánh Dương và “Những đứa con nửa đêm”- tiểu thuyết của nhà văn người Anh Salman Rushdie do dịch giả Nham Hoa chuyển ngữ. Bên cạnh đó, Hội đồng xét giải cũng trao giải thành tựu văn học trọn đời cho cố Giáo sư Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa với 3 công trình: "Tuyển tập văn xuôi"; "Tuyển tập nghiên cứu phê bình"; "Tuyển tập nghiên cứu văn hóa".

Tại lễ trao giải, Thạc sĩ Đoàn Ánh Dương, Viện Văn học Việt Nam cho biết: “Tôi muốn kể một câu chuyện về văn học Việt Nam, các tác giả và hiện tượng văn học mà tôi nghĩ là tiêu biểu, là căn cốt của văn học Việt Nam đương đại. Ví dụ như trường hợp Nguyễn Xuân Khánh – sự chuyển biến theo khuynh hướng đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết chuyển sang khuynh hướng văn hóa lịch sử, rồi các vấn đề về chủ nghĩa dân tộc trong Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài hay vấn đề môi trường và nhân tính trong Nguyễn Ngọc Tư. Cuốn sách của tôi lựa chọn vào hai vấn đề cơ bản làm thành bước ngoặt diễn giải văn học Việt Nam.”

Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội được xét trao hàng năm cho các hội viên và các tác giả sống và làm việc tại Hà Nội. Tại lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, ban tổ chức cũng cho biết sẽ chọn 3 tác phẩm đề cử dự giải thưởng Văn học Thủ đô vào tháng 12 tới là: “Cửa hiệu giặt là”, tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy, “Mùi chữ”- tập phê bình của Nguyễn Hoài Nam và “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” –tập phê bình của Phạm Khải./.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1