PV: Thưa nhà văn Khuất Quang Thụy, ông nổi tiếng với hàng loạt tiểu thuyết, tập truyện ngắn về đề tài chiến tranh. Hẳn tác phẩm đầu tay của ông cũng là một cuốn tiểu thuyết?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tác phẩm đầu tay của tôi được xuất bản là bài thơ đăng trên Báo Văn Nghệ năm 1969. Bài thơ ra đời giữa rừng Trường Sơn, viết về các cô gái lái xe trên chiến trường. Lúc đó, tôi đang trên đường ra trận thì gặp những đoàn xe vận tải của Đoàn 559 chở vũ khí vào Trường Sơn. Có rất nhiều cô gái lái xe. Mà con gái lái xe ở chiến trường thì rất gian khổ, rất vất vả nhưng đó cũng là những hình ảnh anh hùng, đáng khâm phục. Xúc động trước vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước gian lao, đầy hy sinh cùng đoàn quân ra trận, tôi đã viết bài thơ này. Sau đó tôi viết tiếp bài “Qua cầu treo”, nói về những pháo binh đường 9, rồi viết về các nữ pháo thủ ở Quảng Trị - đều là những hình ảnh nữ binh rất đẹp trong chiến tranh. Tôi gửi chùm thơ ra Báo Văn Nghệ và được đăng cả. Ở mặt trận suốt 9 năm, mãi đến cuối năm 1975 mới ra Bắc, nên dù biết là báo đăng thơ mình thì chỉ sau này, khi về Hà Nội, tôi mới tìm được tờ báo đăng tác phẩm đầu tay của mình.
|
Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy. |
PV: Ông - một người lính với 9 năm lăn lộn giữa cái sống và cái chết, dưới làn đạn của kẻ thù, làm sao để có thể có những trang viết về người lính bên kia đẹp đến thế?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Trong chiến tranh, tôi không chỉ trực tiếp đối mặt với sĩ quan quân đội Sài Gòn khi họ là tù binh, mà còn gặp gỡ cả khi họ là những sĩ quan có đầy đủ danh dự. Đó là năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, ở vùng giáp ranh 2 bên có dựng những ngôi “Nhà hòa hợp”, để sĩ quan hai bên hằng ngày gặp gỡ nhau, tiếp xúc, nhằm tạo nền tảng cho việc hòa hợp dân tộc. Tôi được Sư đoàn tin cậy cử ra trực ở “Nhà hòa hợp”, đề trò chuyện và tôi có điều kiện quan sát các sĩ quan quân đội Sài Gòn trong cuộc sống đời thường. Tôi và họ mang sách báo cho nhau đọc, trò chuyện về văn hóa, chính trị, về chiến tranh, hòa bình. Họ cũng là những người lính rất cởi mở. Nhờ khoảng thời gian đó, tôi viết về phía bên kia khách quan và sống động, với dung lượng lớn, khi cuốn tiểu thuyết chia đều cho 2 phía…
PV: Giữa chiến trường khốc liệt, người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu như ông sáng tác vào lúc nào?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Ở mặt trận, tôi viết sau những trận đánh, hoặc phút nghỉ ngơi giữa 2 trận đánh. Khi chiến dịch Lam Sơn kết thúc, Bộ Quốc phòng cử một nhóm cán bộ vào mở trại viết cho những anh em đã viết lách có tên tuổi ở Quảng Trị. Thời gian này, tôi viết “Lửa và thép”. Khi chiến tranh kết thúc, tôi được đưa về Hà Nội dự một trại sáng tác dài hạn, trước khi trở thành học viên khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du, cùng với Hữu Thỉnh, Chu Lai. Trong khi chờ đợi đi học chính thức, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tay “Trong cơn gió lốc”, nói về chiến dịch truy kích lớn nhất về đồng bằng. Mất gần 1 năm thì hoàn thành.
PV: Quan điểm sáng tác của ông sau gần nửa thế kỷ cầm bút?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Khởi nguồn của sự sáng tạo đừng bao giờ nghĩ sẽ tìm thấy những gì vĩ đại hơn cuộc đời đang có. Tột cùng của sự anh hùng, của nỗi đau thương, của niềm vui hay tột cùng của nỗi buồn, thì chiến tranh đều có đủ. Vấn đề là có đi đến, nhìn thấy và tìm ra hay không? Cho nên phải tìm từ căn cốt từ cuộc sống. Cuộc sống hôm nay phong phú, dữ dội vô cùng, nhưng văn chương hôm nay lại hời hợt, vì không với tới được sự thật của cuộc sống. Chưa bao giờ số phận người nông dân thử thách lớn như hôm nay, với những cảnh mất đất, đấu tranh, ly tán, thất bại, tệ nạn xã hội tràn vào nông thôn vv… nhưng văn chương viết về nông thôn giai đoạn này vẫn không khái quát được hiện thực sôi động đang diễn ra nên có phần nhợt nhạt.
PV: Ông cho rằng, tài năng hay may mắn quyết định thành công của người cầm bút?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tài năng là yếu tố quan trọng vì đảm bảo cho nhà văn tiếp nhận thực tế để tái tạo được nó, còn lại là lao động nghiêm túc như quan sát tỉ mỉ, ghi chép, nhặt nhạnh những gì mình thấy trong cuộc sống. Trong chiến trường tôi hoàn toàn là tranh thủ giữa 2 trận đánh, viết trên ba lô, sổ sách một cách vội vã. Tất nhiên, cũng có may mắn, như với tôi đó là những năm tháng chiến đấu trên mặt trận, đã cho tôi hiểu biết rất kỹ tâm tư, tình cảm của người lính, nên tôi là một trong số ít nhà văn sáng tác với tư cách một người lính trực tiếp chiến đấu, nên tạo cho mình một phong cách riêng. Niềm đam mê giúp cho nhà văn có được niềm vui lao động nghệ thuật trong mọi điều kiện khắc nghiệt. Tài năng rất cần nhưng không thay thế được sự đam mê.
PV: Kinh nghiệm sáng tác mà ông có thể trao truyền cho những người viết trẻ?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Cứ phải sống hết mình. Càng trải nghiệm nhiều càng tốt. Để đi dài được con đường văn chương, cũng cần phải có kiến văn, phải tự học và đọc rất nhiều. Có nhiều bạn viết trẻ bây giờ lười đọc các vấn đề căn bản, hệ thống và lười đọc lẫn nhau. Nhiều người có tài nhưng việc tích lũy kiến thức, dồn nén cảm xúc không đầy đủ, dẫn đến sự nửa vời.
Thế hệ tôi may mắn có được cảm hứng lớn của thời đại nâng đỡ, nên không đi vào những cái quá vụn vặt của đời sống, giúp cho sáng tác của mình thăng hoa, cất cánh. Đó là yếu tố thời cuộc. Nhưng chúng tôi lại có những thiệt thòi: vì đều là tay ngang nên văn chương các nhà văn trong chiến tranh có khiếm khuyết là sự chuẩn bị kiến thức văn hóa rộng lớn là chưa đủ nên văn chương hồi đó dẫu bay bổng, lãng mạn, nhưng lại chưa vươn tới được tầm khái quát lớn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950, tại Phúc Thọ - Hà Nội, hiện là Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Ông sáng tác nhiều thể loại, cả tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ và đã có khoảng 15 đầu sách với nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật: Trong cơn gió lốc, Trước ngưỡng cửa bình minh, Người ở bến Phù Vân, Thềm nắng, Không phải trò đùa, Giữa ba ngôi chùa, Người đẹp xứ Đoài, Những trái tim không tàn tật v.v… |