“Thành phố bị kết án biến mất” - cuốn sách khó đọc

13:37:00 21/09/2014

TP - “Thành phố bị kết án biến mất” (tiểu thuyết của Trần Trọng Vũ, nxb Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2014) không nằm trong số sách dễ đọc. Nó là cuốn sách thử thách việc đọc và thử thách thứ còn lớn hơn: cảm giác và tư duy.

Cuốn sách của Trần Trọng Vũ

Bởi đây không phải là một cuốn sách kể chuyện. Tính truyện trong tác phẩm này đã bị tác giả giảm triệt. Việc kể chuyện bị biến thành việc mô tả cận cảnh hành vi hay vật thể và mổ xẻ cặn kẽ một cắt khúc tâm lý nhân vật. Ngay chủ thể “thành phố” được đưa ra trong tựa đề cũng bị giảm triệt tối đa. Hầu như chỉ còn một ngôi nhà số 0 với ba căn phòng chồng lên nhau, những khung cửa bị chắn bởi bức tường xây dở.

Trần Trọng Vũ xuất thân họa sỹ và trong tác phẩm ngôn từ này, anh vẫn sáng tạo bằng tư duy hình ảnh và thực hiện các thao tác ghi nhận và tái tạo hình ảnh. Quá trình này là chủ động và được thực hiện nghiêm cẩn đầy ý thức.

Có thể thấy ám ảnh màu sắc trong cô gái hồng hào nhựa dẻo và những đôi môi son hồng, màu hồng lênh láng của máu trong căn phòng, những con số được viết bằng sơn dầu màu hồng và sợi dây đeo chìa khóa cũng màu hồng.

Một chiều chủ nhật với những biến tấu của màu hồng dễ hiểu. Thêm vào đó là màu đỏ của bức rèm trong nhà tắm công cộng và một cuốn sách đỏ không có nội dung. Trong một bảng màu khác, là bầu trời xanh quái dị gây nhức nhối được nhân bản trong hàng triệu màn hình.

Và trong một bối cảnh các màu sắc bị nhòe nhoẹt bởi hơi nước tràn ngập thành phố, và những đám mây không màu, đây đó xuất hiện vài mẩu hình ảnh khóm hoa hồng nở rộ và dấu vết màu cà phê trong bông hoa giấy lau… Có những hành vi bị soi chiếu kỹ lưỡng và được trình hiện theo kiểu một video art có thể gặp ở nhiều chỗ trong tác phẩm. Một ví dụ ám ảnh, như hành vi gõ cửa của X lặp đi lặp lại ở nhiều văn cảnh khác nhau.

Triển lãm thị giác “Những lũy thừa không số” khai mạc 17h chủ nhật 21/9/2014 Trò chuyện ra mắt tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất”: 14 - 16h cùng ngày tại Heritage Space, tòa nhà Dolphin Plaza, 35 Trần Bình, Hà Nội.

Thị giác được thử thách với những trải nghiệm khác nhau trong tiểu thuyết đầu tay của Trần Trọng Vũ: “Anh nhìn qua những khe hở của mười ngón tay để nhận được không đầy đủ khuôn mặt của người phụ nữ trong nhiều mảnh vụn. Như những chi tiết đơn thuần thị giác và khi ngắm cô như vậy qua những khe hở các ngón tay anh chợt hiểu rằng quan hệ giữa anh và người phụ nữ bằng nhựa dẻo từ bao nhiêu ngày nay chỉ hoàn toàn thị giác”. (trang 205). Hay một trải nghiệm khác của người phụ nữ nhìn thấy bông hoa rực rỡ màu sắc khi nhắm mắt hoàn toàn, trong bóng đêm…

Nhưng nếu chỉ có vậy, nghệ sỹ này vẫn chỉ là người thực hiện vai trò của một nghệ sỹ thị giác. Không. Anh thực hiện vai trò của một nhà văn với một hệ từ ngữ bao gồm chủ yếu là danh từ và động từ - nghĩa là khá đơn giản phục vụ việc ghi nhận trực tiếp, để tiến hành khảo sát các vấn đề về ngôn ngữ và hình ảnh – một vấn đề có tính triết học.

Từ trang 132 đến 147 Trần Trọng Vũ đặt tiêu đề “Ngôn từ và hình ảnh” và lặp lại tiêu đề này tới ba lần. Thực ra, không chỉ trong các phần đã dẫn, mà trong toàn bộ tác phẩm, anh khảo sát thông qua các nhân vật của mình, và khảo sát với chính bản thân, ký ức ngôn ngữ và ký ức hình ảnh.

Trong đó, nổi bật là ký ức về thành phố, ký ức về nỗi sợ hãi trước những kẻ gần như vô hình (họ xuất hiện rất ít lần và chỉ lờ mờ không hình hài cụ thể) thực hiện việc theo dõi và bắt bớ. Ký ức về tình yêu và sự bỏ trốn, sự im lặng và chia cắt. Một dạng ký ức khác được hiện thời hóa, là nhân vật X với tuổi 28, X tuổi 45 và X mãi mãi biến mất.

Những hình ảnh trong triển lãm thị giác “Những lũy thừa không số”

Tác phẩm này có thể được xem như một tác phẩm hội họa siêu thực được hình thành bởi ngôn từ. Có những chi tiết cực thực. Cực thực đến mức siêu thực. Cũng có thể xem tác phẩm của Trần Trọng Vũ như một tác phẩm văn chương có màu sắc phi lý. Trong đó con người bị mất chỗ đứng, mất cảm giác về không gian và thời gian. Sự việc mù mờ thiếu đi thứ logic phổ biến.

Trong “Thành phố bị kết án biến mất”, có những con người và không gian bị nhân bản, những cuộc kiếm tìm vô vọng cả trong đời thật lẫn trong TV. Người phụ nữ ngoài đời và búp bê tình dục trong tủ mang một vẻ tương quan như một ẩn dụ về tình yêu và dục vọng.

Những trăn trở về tính dễ nhớ và tính nhớ dễ, “nghịch lý và hợp lý” (tên một chương, trang 182), có nghĩa và vô nghĩa, hiện thực rộng lớn không thể nắm bắt và biểu hiện ước lệ cùn mòn của truyền thông. Sự thiếu vắng của ngôn từ trong diễn tả mọi điều, hay là sự bất lực của ngôn từ? Từ đó hình ảnh phải cất lên tiếng nói của nó, để rồi phải chịu chung số phận bất lực?

Có những cuốn sách hợp với thị hiếu đám đông. Chúng dễ đọc bởi cách diễn đạt, dễ tiếp nhận bởi cách đặt vấn đề. Chúng đem đến cho tác giả vinh quang nhanh chóng và nhiều thứ lợi ích khác. Nhưng “Thành phố bị kết án biến mất” không nằm trong số đó.

“Những lũy thừa không số” và con người câm lặng

Trần Trọng Vũ sử dụng 60 tấm tranh khổ 1m x 3m sắp đặt trong một không gian rộng tới 300 m2, cao 7m. Thời gian gần đây, anh miệt mài nghiên cứu hiệu ứng của những hình ảnh in hai mặt trên nilon treo lơ lửng trong không gian. Những hình ảnh trên chất liệu trong suốt tạo hiệu ứng khác thường cùng ánh sáng.

Trong “Những lũy thừa không số”, Trần Trọng Vũ xây dựng một mê cung bằng những hình ảnh này. Người xem sẽ đi vào trong tác phẩm của anh, với những con người lặng lẽ trong các tư thế dường như từ chối giao tiếp, cùng những bức tường bê tông lạnh lẽo.

Người xem sẽ trở thành một phần của tác phẩm, tương tác với những con người câm lặng của Trần Trọng Vũ. Họ sẽ phải đối diện với những nhân vật đến từ cuộc sống đô thị đương đại và nhìn thấy hình bóng của chính mình. Những kẻ tự khép kín mình trong những câu chuyện cá nhân, đắm chìm trong không gian cá nhân nhỏ bé và ích kỷ.

Trần Trọng Vũ sinh năm 1964 tại Hà Nội, là con trai út của nhà thơ Trần Dần. Sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1987, năm 1989 anh nhận được học bổng vào Trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp (Ecole Nationale des Beaux Arts, Paris). Anh được xem là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa đương đại Việt Nam ở nước ngoài. Từng được trao giải Pollock-Krasner 2011-2012, bởi quỹ Jackson Pollock – Lee Krasner tại New York.

Cuốn sách của Trần Trọng Vũ
Những hình ảnh trong triển lãm thị giác “Những lũy thừa không số”

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1