Bài học thiết thực từ hai nhà báo lão thành

18:04:00 17/06/2015
(PetroTimes) - Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925- 25/06/2015) Chi hội nhà báo Báo Năng lượng Mới đã tổ chức buổi tọa đàm về nâng cao, kỹ năng nghiệp vụ khai thác tư liệu báo chí cho các phóng viên Báo Năng lượng Mới - PetroTimes.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về quá trình khai thác tài liệu cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"

Tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề là các nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà báo Ngôn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập báo Công an Nhân dân; nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới.

Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà báo trẻ, nhà báo Trần Mai Hạnh, tác giả Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” vừa được nhận giải thưởng văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đây tác phẩm có nguồn tư liệu đồ sộ mà tác giả đã dày công sưu tầm, ấp ủ để hoàn thành trong suốt 40 năm qua. Cách đây 40 năm, nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu, với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực giải phóng hầu hết các thành phố từ Huế tới Sài Gòn, ông may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Tác giả kể rằng ông đã cố gắng ghi chép thật nhiều những gì chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia mà mình có cơ duyên được các cơ quan thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc khai thác với mong muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra.

Nhà báo Trần Mai Hạnh

Nhờ đó, ông đã có những trang chép tay, đánh máy tỉ mỉ trong quá trình tham gia chiến dịch, may mắn hơn cả là ông có được những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn do các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác.

Ngay vào thời khắc trưa 30/4 năm ấy, ông đã suy nghĩ, trăn trở: “Tất cả những việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ. Và thời gian càng lùi xa thì quá khứ càng bị bụi thời gian phủ mờ. Chính vì vậy, ông ấp ủ ý định phải viết sách, viết để phản ánh một cách trung thực nhất sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa”.

Những ai đã từng đọc cuốn sách có thể thấy rằng, mọi sự kiện, diễn biến, nhân vật, tình tiết, thậm chí đến chi tiết… đều được khai thác từ tài liệu, sách, bản tường trình từ các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, thậm chí từ điện văn của Tổng thống Mỹ Nickxon, G.Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Thiệu… mà nhà báo Trần Mai Hạnh có được khi sự sụp đổ của bộ máy chính quyền Sài Gòn cũ tan rã một cách quá bất ngờ và chóng vánh,

Từ hàng vạn trang tư liệu lịch sử, tác giả đã đưa vào từng trang viết giúp độc giả hình dung, cảm nhận được sức nóng của một giai đoạn lịch sử. Có thể nói rằng, cuốn tiểu thuyết lịch sử này chính là một góc nhìn cuộc chiến từ phía bên kia một cách chân thực và khách quan nhất.

Bảo thảo tư liệu của chính quyền Sài Gòn dày hơn 200 trang được tác giả đánh lại bằng máy chữ

Giấy công tác đặc biệt do Ủy ban quân quản thành phố cấp cho nhà báo Trần Mai Hạnh vào ngày 1/5/1975

Nhà báo Trần Mai Hạnh dự định viết cuốn sách này ngay từ đêm 30/4/1975: “Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong tôi từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống một lần, nên tôi đã cố gắng ghi ghép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự kiện đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”.

Tuy nhiên, phải sau gần 40 năm, trải qua rất nhiều thăng trầm, sóng gió “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh mới được ra mắt độc giả. Đó cũng là tác phẩm được ông đánh giá như sự tri ân đối với những người đã giúp đỡ ông, một “món nợ lớn” với đất nước sau bao năm cất giữ.

Sau ba lần in nối bản, cuốn sách đã được tái bản có bổ sung với phần phụ lục mới, công bố 21 tài liệu với khoảng 150 trang in. Đây đều là những tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia được đánh máy từ gần 40 năm trước theo đúng các tài liệu gốc.

Theo nhà báo Trần Mai Hạnh, nghề báo là nghề hết sức gian nan, vất vả, nhiều cạm bẫy nhưng cũng đầy vinh quang. Ông cũng cho rằng, muốn viết hay phải có năng khiếu, tất cả là do mình nhà báo nếu có thêm “chất văn” thì càng đáng quý, ngược lại nhà văn có thêm chất báo là điều vô giá.

Cùng quan điểm trên, nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng: "Nghề báo là nghề cực kỳ nghiệt ngã, là nghề đặc thù mà không ai dạy được chủ yếu là tích lũy kinh nghiệp, tự mày mò học tập. Trong một tập thể phải coi mình là con số 0, phải lao động cật lực rồi sẽ có lúc được đền đáp xứng đáng. Làm báo cũng như người đi câu cá, phải xông pha đến những chỗ mà không ai muốn đi, nếu kiên trì thì sẽ có lần câu được cá to. Hiểu cách khác là thu được nguồn tin, khai thác được đề tài “độc” mà không ai có được".

Nhà báo Ngôn Vĩnh

Nhà báo Ngôn Vĩnh tự ví mình như “người làm địa chất đi tìm quặng”, dẫu không luyện quặng thành vàng như những nhà luyện kim tài ba thi mình luyện thành môt hợp kim nào đó, có khi may mắn lại là một hợp kim lạ. Hay ví tác phẩm của mình giống như món "cá gỏi", tuy rằng ăn sống ăn tươi nhưng thích hơn là kho - nấu - rán - xào…

Theo ông, nếu nhăm nhăm xây dựng nhân vật trên cơ sở hư cấu nên tự nhủ phải chịu khó đào sâu tư liệu, tìm ra những tính cách, những tình huống éo le, những số phận thăng trầm, những biến cố kịch tính trong cuộc đời thật của họ rồi cứ thế gọt giũa đôi chút đưa lên trang viết, dù nó có mộc mạc, xù xì nhưng vẫn hấp dẫn bạn đọc.

Lấy ví dụ từ hai tác phẩm “Cuộc chiến đấu bảo vệ cao nguyên Đồng Văn” và Fulro, nhà báo Ngôn Vĩnh đã giới thiệu quá trình biến ghi chép ký sự sang tiểu thuyết tư liệu, đây là một cách làm báo cực kỳ khó. "Bên kia Cổng Trời" vốn chỉ được lưu hành nội bộ trong ngành công an vì nhiều vấn đề rất phức tạp, tế nhị và nhạy cảm. Sau đó, nhà báo Ngôn Vĩnh đã xây dựng lại thành tiểu thuyết "Bên kia Cổng Trời".

Khi viết tiểu thuyết "Bên kia Cổng Trời" để phát hành công khai, Ngôn Vĩnh không đưa tất cả sự thật lên trang sách, ông cải tên nhân vật , lược bỏ một số hành vi của các nhân vật có tham gia chỉ huy ngầm phỉ nhưng đang nhưng đang là cán bộ trong chính quyền ta. Ông biết rằng sự thay đổi này thì tác phẩm kém một phần hấp dẫn so với tác phâm trước. Điều này càng chứng minh về sức mạnh của sự thật trong tác phẩm văn học tư liệu.

Hai tác phẩm nổi tiếng của nhà báo Ngôn Vĩnh

Sau đề tài chống bọn phản động trên cao nguyên Đồng Văn, nhà báo Ngôn Vĩnh đã vào Tây Nguyên và Nam Trung bộ viết tiếp về công việc chống bọn phản động FULRO sau ngày đất nước được giải phóng. Thời gian ấy, ông đã trải qua nhiều gian nan, vất vả trên địa bàn 4 tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai - Kôn Tum (nay là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Thuận Hải (nay là hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Thời gian đi thực tế kéo dài cả năm. Mỗi tỉnh ông nằm vùng 3 tháng. Sau đó ông phải về Sài Gòn lĩnh lương rồi lại tiếp tục lên đường.

Thời gian này FULRO hoạt động rất mạnh, chúng thường xuyên gây ra những vụ tàn sát đẫm máu, giết cán bộ, giết nhân dân. Khi lên đến Đắk Lắk thì Ngôn Vĩnh biết cách đó mấy ngày ông Y Thuyên (Phó Ti công an), A Ma Đoai (Trưởng công an xã) vừa hy sinh. Nằm vùng ở các thôn bản ông nơm nớp lo FULRO về “thăm hỏi” nên bên hông nhà báo, nhà văn Ngôn Vĩnh lúc nào cũng kè kè khẩu súng K54, sẵn sàng chiến đấu.

Trong các tác phẩm của ông, có những nhân vật khó quên. Ông nhắc tới mụ Sính trong Bên kia Cổng Trời là nhân tình của vua Mèo nhưng vì muốn chế ngự ngai vàng nên đã lần lượt gả hai con gái cho ông ta. Nhân vật Cắm Sình làm tình báo cho Nhật, chuyển sang làm tay sai cho Pháp, được phải về Đồng Văn làm tham mưu cho vua Mèo. Y chiếm được trái tim của vợ vua Mèo. Khi thương thuyết một vua Mèo khác họ Dương, bị Sần Hổ bắt gọn. Tên này vừa là bạn vừa là nhân viên tình báo của Pháp, tham mưu cho họ Dương, đã hành hình bằng cách mổ bụng sống. Xác Cắm Sình được quân họ Vương đem về Đông Văn chôn.

Ngày ngày bà vợ ra mộ người tình khóc than thảm thiết. Nhân vật chính diện đáng nhớ nhất là cán bộ công an Trần Tấn Nghĩa, người hai lần vào hang bắt cọp (sau được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang). Một lần vào hang ổ băt tên trùm; Một lần đóng giả trung tướng đăc phái viên của Tổng thống Ngô Đình Diệm gặp Tổng tư lệnh phỉ tạo tình huống để bắt sống tên trùm phỉ này.

Nhà báo Ngôn Vĩnh nhấn mạnh, người làm báo phải bảo đảm tính chân thực khách quan. Có lẽ vì thế những sáng tác của ông dẫu có hư cấu nhưng không làm sai lệch lịch sử. Đó cũng là nguyên tắc bất di bất dịch của người làm báo.

Thành Công - Mạnh Kiên ( Năng Lượng Mới)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1