Báo chí Sài Gòn trước năm 1975: Lôi kéo độc giả bằng những chuyện tình mùi mẫn, kiếm hiệp, dâm ô...

07:33:00 14/06/2015
Báo chí Sài Gòn trước năm 1975 nặng tính thị trường, các chủ báo làm đủ mọi cách để bán được báo. “Chiêu” thường được các chủ báo sử dụng là khai thác những chuyện tình mùi mẫn, éo le; những truyện kiếm hiệp của Tàu và của ta; những truyện dâm ô hết cỡ... Có khi nhờ những cảnh làm tình nóng bỏng trên trang báo mà một tờ báo sống khỏe.
Sài Gòn thập niên 1960.
Từ tiểu thuyết phơi - ơ - tông…

Trước năm 1975, có nhiều tờ báo ở Sài Gòn không có phóng viên. Chủ báo mua những tin tức quốc tế của các hãng thông tấn AP, UPI, Reuteur…; hoặc mua những bản tin trong nước của các nhóm thông tín viên: Văn Đô, Thanh Huy, Đức Hiền…. Các nhóm thông tín viên này chuyên đi săn tin bán cho mấy tờ báo ngày để đăng trang ngoài. Vì vậy, có những ngày, các bản tin trang ngoài của nhiều tờ báo giống nhau như đúc. Tờ báo tồn tại được là nhờ trang trong, nơi dành đăng tiểu thuyết nhiều kỳ.

Tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên những tờ nhật báo được gọi bằng cái tên Tây là feuilleton (phơi-ơ-tông), là truyền thống của làng báo Pháp, có từ thập niên 1850, du nhập vào Sài Gòn. Một trong những người viết feuilleton nổi tiếng nhất của Pháp là Alexandre Dumas, tác giả những bộ tiểu thuyết feuilleton điển hình Les Trois Mousquetaires, Le Comte de Monte-Cristo. Làng báo Hoa Kỳ không có tiểu thuyết feuilleton. Tiểu thuyết feuilleton là loại truyện dài, đăng nhiều kỳ, viết tới đâu đăng báo tới đó.

Làng báo Sài Gòn có tiểu thuyết feuilleton từ những năm 1930 với những tác giả Hồ Biểu Chánh, Phú Đức… Trước năm 1975, tiểu thuyết feuilleton giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo ở Sài Gòn. Một tiểu thuyết feuilleton hay, ăn khách, giúp tờ báo được nhiều độc giả. Từ đó, tờ báo có thể sống vững, dù phần thời sự, nghị luận nơi trang ngoài của tờ báo không có gì hơn những báo khác. Chỉ nhờ có một tiểu thuyết feuilleton ăn khách, một tờ nhật báo ở Sài Gòn cũng có thể trở thành một tờ báo lớn, bán chạy. Đó là trường hợp của tờ nhật báo Thần Chung với tiểu thuyết "Cô Bạch Mai" do chính chủ nhiệm Nam Đình viết.

Độc giả tiểu thuyết feuilleton ở Sài Gòn phần nhiều là phụ nữ. Trong xã hội miền Nam thời ấy, một người đi làm - thường là người đàn ông trong gia đình - kiếm được tiền đủ nuôi vợ con. Người vợ ở nhà lo việc chợ búa, bếp núc, trông con. Những phụ nữ này có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng hàng ngày trên các nhật báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo đó bán chạy. Và họ thích đọc những truyện tình ái mùi mẫn, éo le, lâm ly bi đát.

Trong những tiểu thuyết đó, nhân vật chính là những thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo, nhưng vẫn giữ được trong sạch. Hoàn cảnh đưa đẩy họ rơi vào những cảnh ngộ ngang trái nhưng sau cùng vượt qua nghịch cảnh, đến được với tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang, quyền quý, yêu một chàng trai nghèo nhưng hiền lành, chất phác. Họ thích những mối tình, trong đó hai người yêu nhau bị chia cách bởi giàu nghèo. Điều quan trọng nhất là sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Trong làng báo Sài Gòn trước năm 1975 có nhiều người viết một ngày 4 - 5 tiểu thuyết feuilleton cho nhiều tờ báo khác nhau như: Viên Linh, Bà Tùng Long, Sơn Nam… Năm 1955, tác phẩm "Hương rừng Cà Mau" của Sơn Nam được đăng tải nhiều kỳ trên báo Nhân Loại. Làng báo Sài Gòn có hai cây viết feuilleton phụ nữ nổi tiếng là Bà Tùng Long và Bà Lan Phương.

Bà Tùng Long là cây viết tiểu thuyết chủ lực của nhật báo “Sàigòn Mới”. Bà viết nhiều, có nhiều tác phẩm được in thành sách, truyện nào của bà cũng đề cao tình nghĩa, đạo lý Á Đông, nhân vật chính là phụ nữ, sau bao nhiêu gian truân sóng gió, cuối cùng đều có hạnh phúc.

Bà Lan Phương cũng viết nhiều, cũng có nhiều tác phẩm xuất bản thành sách, nội dung những tiểu thuyết của Bà Lan Phương cũng giống như nội dung những tiểu thuyết của Bà Tùng Long. Nhật báo Sài Gòn còn có mấy cây viết feuilleton nữ nổi tiếng nữa: Túy Hồng, Lệ Hằng, Nhã Ca.

Tùy theo truyện có ăn khách hay không mà hằng tháng chủ báo trả tiền cho người viết feuilleton cao hay thấp. Khi báo đã đăng xong, nếu tiểu thuyết feuilleton nào được ăn khách, độc giả ủng hộ, sẽ được nhà xuất bản mua để in thành sách. Có nhiều tiểu thuyết feuilleton được in sách, dựng phim như: "Loan mắt nhung" của Nguyễn Thụy Long; "Dấu chân sỏi đá" của Duyên Anh; "Mái tóc dĩ vãng" của Ngọc Linh; "Bên dòng sông Trẹm" của Dương Hà…

Nhà văn Kim Dung, người có tiểu thuyết đăng tràn ngập báo chí Sài Gòn trước năm 1975.

… Truyện võ hiệp kỳ tình

Trong khi phụ nữ thích tiểu thuyết tình cảm ướt át, thì nam giới thích truyện võ hiệp kỳ tình, mê những chàng trai lãng tử đa tình, giang hồ hành hiệp theo các mô tip truyện Tàu. Để đáp ứng thị hiếu của lớp độc giả nam này, các tờ nhật báo ở Sài Gòn cho người qua tận Hong Kong trực tiếp gặp tác giả Kim Dung đặt hàng. Trên các chuyến bay Sài Gòn - Hong Kong ngày ấy, Kim Dung mỗi ngày đều gửi bài sang. Hiện tượng feuilleton Kim Dung như lên cơn sốt, có nhiều người mua báo chủ yếu để coi tiểu thuyết Kim Dung.

Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Từ Khánh Phụng với bản "Cô gái Đồ Long" đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Bản dịch "Cô gái Đồ Long" tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn, nhà báo lúc bấy giờ lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong...

Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý. Dịch truyện Kim Dung tài hoa nhất là dịch giả Hàn Giang Nhạn với các bản dịch: "Tiếu ngạo giang hồ", "Lộc Đỉnh ký"... Từ năm 1961, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung làm mưa làm gió trên các nhật báo ở Sài Gòn.

Cùng với Kim Dung, làng báo Sài Gòn thời ấy nổi lên một cây viết feuilleton võ hiệp kỳ tình đặc sắc, đó là Vũ Bình Thư. Năm 1960, ông viết tiểu thuyết tình cảm xã hội cho nhật báo “Sàigòn Mới”. Các truyện của ông nói về tình yêu đồng quê miền Nam, không có gì đặc biệt. Ông thật sự thành công vang dội khi xoay qua viết truyện kiếm hiệp. Và tác phẩm võ hiệp kỳ tình đầu tay của ông - "Lệnh Xé Xác" - ra đời.

"Lệnh Xé Xác" hấp dẫn người đọc ngay từ những số đầu. Nhân vật chính của truyện là Dương Chí Tôn, một chàng trai giang hồ hành hiệp, võ nghệ cao cường, hào hoa phong nhã. Truyện chỉ toàn những trận đấu chưởng giữa Dương Chí Tôn cùng bọn đại ma đầu gian ác. Ngoài những trận đấu chưởng kinh thiên động địa, truyện cũng vô cùng mùi mẫn bởi những cuộc tình nóng bỏng của chàng trai giang hồ lãng tử, đa tình Dương Chí Tôn với những em hiệp nữ, ma nữ nõn nà, mơn mởn.

"Lệnh Xé Xác" đăng đầu tiên trên nhật báo Tia Sáng. Lập tức, nó được lan tỏa rất nhanh, từ những quán cà phê đến công sở, thậm chí tới những trường học. Hồi đó, hình như người ta mua báo Tia Sáng trước tiên là để coi "Lệnh Xé Xác", còn những vấn đề khác trên báo hầu như không cần thiết. Sau đó, Việt Định Phương - chủ nhật báo Trắng Đen - kéo Vũ Bình Thư về đầu quân cho Trắng Đen và "Lệnh Xé Xác" đã thật sự làm mưa làm gió nhiều năm liền. Từ Sài Gòn về tỉnh lẻ, tới những thị trấn xa xôi, báo Trắng Đen đắt như tôm tươi. Thậm chí trên những chuyến xe đò xuôi ngược, các em bán báo lẻ được tăng thêm thu nhập bởi những trận đấu chưởng trời long đất lở và cuộc tình thơ mộng của chàng trai giang hồ hành hiệp Dương Chí Tôn và kỳ nữ đa tình Hồng Y Nữ Xảo Nhi. Số phát hành của báo Trắng Đen tăng lên vùn vụt nhờ tiểu thuyết feuilleton này.

Đến truyện dâm ô đồi trụy

Một tờ nhật báo ở Sài Gòn thời ấy chỉ cần một truyện feuilleton hấp dẫn là có thể sống được. Để đánh vào thị hiếu của độc giả, các chủ báo luôn tìm những đề tài mới, lôi cuốn, hấp dẫn. Những chuyện gối chăn, tình dục, dâm ô... cũng được tập trung khai thác mạnh. Khai thác đề tài “bạo” này, về phía nhà văn nữ có Minh Đức Hoài Trinh, Lệ Hằng… Bên cánh nam thì có Lê Xuyên, Trần Đức Lai… Những nhà văn viết về thể loại này không nhiều, nhưng cũng đủ để “cháy” những dòng, những trang báo.

Trong số những truyện feuilleton gợi tình trên nhật báo ngày thời ấy, truyện “Cậu Chó” của Trần Đức Lai là “rừng rực”, dữ dội hơn cả. Câu chuyện cực kỳ dâm ô, đầy tính chất hoang đường. Vậy mà thời ấy lại cho đăng trên tiểu thuyết feuilleton của những tờ báo lớn.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1