Bìa cuốn tiểu thuyết
Theo thông tin chính thức từ Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 được trao cho những tác phẩm sau: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75” - tác giả Trần Mai Hạnh; "Trăm năm trong cõi” - tập lý luận phê bình của GS Phong Lê; "Thơ Việt Nam hiện đại – tiến trình và hiện tượng”, tiểu luận của Nguyễn Đăng Điệp; "Cuộc chiến đi qua” - tiểu thuyết tác giả Kanta Ibragmov, bản dịch của Đào Minh Hiệp; "Trường ca - Kịch thơ” của Nguyễn Thụy Kha.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào 8-2 tới đây.
|
Nhiều người đã biết, tác giả Trần Mai Hạnh là cái tên quen thuộc trong làng báo. Nhưng theo ông, viết văn vừa là nhu cầu tự thân, đồng thời là trách nhiệm của của người cầm bút với xã hội. Khi bắt tay viết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75”, ý định lúc đầu không phải nhằm xây dựng một tác phẩm văn học, và càng không phải nhằm mục đích thi thố tài năng văn chương. Chỉ biết rằng để hoàn thiện một tiểu thuyết lịch sử, ông đã phải dày công sưu tầm, nghiên cứu tư liệu và mất tới 4 thập kỷ.
Quả thực, những ai đã đọc cuốn sách dày 500 trang ấy đều có chung cảm nhận rằng đó là một bộ tư liệu lịch sử chân thực và sống động,được khái quát qua lăng kính văn chương của một người làm báo. Sách được ra đời gần 40 năm sau, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập mà ông bảo mình "may mắn” được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc.
Từng là phóng viên chiến tranh của TTXVN ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975 tác giả được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn. Ông đã có trong tay những trang ghi chép tỉ mỉ tại trận trong quá trình tham gia chiến dịch. Nhưng may mắn hơn cả là ông có được những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn do các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác. Vậy là ngay vào thời khắc trưa 30-4 năm ấy, ông đã suy nghĩ, trăn trở: Tất cả những việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ. Và thời gian càng lùi xa thì quá khứ càng lùi xa. Chính vì vậy, ông ấp ủ ý định phải viết sách, viết để phản ánh một cách trung thực nhất sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết lịch sử này chính là một góc nhìn cuộc chiến từ phía bên kia một cách chân thực và khách quan nhất.
Tôi đã tìm mua cuốn sách của ông ngay từ khi mới ra mắt. Vì thế, gặp ông lần này tôi nói với ông rằng tôi đã đọc nhiều cuốn sách về chiến tranh, trong đó có cả những cuốn lừng danh. Nhưng có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết ở dạng biên bản. Mà đã là biên bản tức là tác giả đã ký thác toàn bộ con người, sinh mạng mình vào sự thật. Và chắc chắn rằng những sự thực ấy không thể gây tranh cãi? Ông xác nhận: "Đến giờ phút này tôi cảm thấy yên tâm hoàn toàn bởi vì từ tháng 4-2014 đến nay đã gần 1 năm ra mắt, một cuốn sách để cập đến lịch sử đương đại, mọi người vẫn còn đang sống cả, kể cả phía mình và phía bên kia, nhưng không ai có ý kiến gì. Còn nếu sai dù chỉ một li, lập tức sẽ có ý kiến ngay…”
Nhà báo Trần Mai Hạnh
Ảnh: Hoàng Minh
Lại nói về sự tỉ mỉ, công phu của tác giả. Cứ sau mỗi chương, lại có phần chú giải, nói rõ về cách trình bày, những chữ viết tắt, những câu tiếng Anh xen kẽ trong các tài liệu. Những chú thích ấy nói rõ cách đọc những thư từ, điện tín, giờ giấc ra sao… nội dung chỉ huy tác chiến của phía bên kia thế nào. Tài liệu chính xác đến từng giây từng khắc. Lý giải về sự tỉ mỉ này, ông bảo: mục đích cao nhất là phục vụ giới nghiên cứu lịch sử, quân sự. Để khi cần họ sẽ có nguồn tài liệu gốc tham khảo.
Vậy với một bộ biên niên sử chi tiết đến như vậy, điều gì khiến ông tâm đắc nhất? Ông sôi nổi hẳn lên: Tôi đã dựng nên một cuốn tiểu thuyết gồm các chương hồi, trong đó có nhiều số phận các tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết không hề có hình bóng của tác giả, cũng không hề có hình bóng của quân Giải phóng… nhưng bao trùm lên tất cả, người đọc vẫn thấy áp lực của quân Giải phóng lên phía bên kia là rất lớn. Có những người trong giới phê bình đọc xong cuốn sách đã nói với tôi: đó là một cuốn sách viết về lịch sử rất khác, rất khách quan, rất tôn trọng sự thật lịch sử. Vì thế có thể đánh giá giá đây là một góc nhìn thực sự nhân văn về chiến tranh. Tôi chân thành cảm ơn những nhà phê bình và những ai đã quan tâm tìm đọc tác phẩm của tôi.
Ông không đồng tình với quan điểm cho rằng bạn đọc hôm nay đang quay lưng với lịch sử. Bằng chứng là không chỉ giới nghiên cứu, những người lớn tuổi mà rất nhiều người trẻ đã đọc sách của ông. Điều ông thấy vui là cho tới nay, kể cả lần xuất bản đầu tiên, cùng 3 lần in nối bản, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật đã in hơn 3.000 cuốn sách. Theo kế hoạch, tháng 3-2015 NXB sẽ tiếp tục tái bản cuốn sách này. Tác giả tin chắc rằng người ta sẽ mua cả 2 cuốn sách, vì cuốn tái bản có bổ sung sẽ giới thiệu tới bạn đọc thêm gần 200 trang với 21 thư mục tài liệu quý giá mà ông đang có. Còn kế hoạch tiếp theo, ông cho hay: Khoảng 5 năm sau sẽ tiếp tục bổ sung cuốn sách này, có thể sẽ là 1.000 trang, trong đó đầy đủ hết những tư liệu. Tất nhiên, sẽ chỉ bổ sung phần phụ lục mà không bổ sung phần nội dung. Bởi theo ông, chỉ khi bạn đọc đã chấp nhận phần đầu rồi họ mới đọc tiếp phần sau. Ông tin cuốn biên niên sử này cũng chính là một thứ lô-gich: Lô-gich của lịch sử, của văn chương, và nhìn rộng ra là lô-gich của cuộc đời.
Hiện đã có những lời đề nghị chuyển thể tác phẩm của ông thành phim và họ mời ông tham gia làm phim nhưng ông từ chối. "Tôi nghĩ tôi đã đạt được những điều mà mình mong muốn khi bắt tay viết sách. Tôi thấy thế là thanh thản, chứ không tham vọng. Và tôi tự nhủ mình đã hoàn thành sứ mệnh của một người cầm bút kể chuyện. Việc dựng phim là do tài năng của các nhà làm nghệ thuật về sau này”- ông Trần Mai Hạnh nói.
Qua Báo Đại Đoàn Kết, ông gửi lời cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn tác phẩm của ông để trao giải năm nay. Bởi đối với một người không phải là hội viên Hội Nhà văn như ông mà được trao giải là một giấc mơ có thật. Vâng, với ông- người từng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, việc nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam vừa là sự ghi nhận những đóng góp xứng đáng, đồng thời cũng là nguồn động viên rất lớn với một người cầm bút nay đã ở tuổi 72.
Hương Lê
|