Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Phần 1)

13:32:00 19/03/2015
(PetroTimes) - Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh ấp ủ trong gần 40 năm, sử dụng những tư liệu chọn lọc, khoa học, kỹ lưỡng về con người, sự kiện lịch sử...

LTS: Trong số gần 200 đề cử tham dự Giải thưởng văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là tác phẩm duy nhất ở thể loại văn xuôi được Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng văn học năm 2014” với số phiếu bầu tuyệt đối.

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh ấp ủ trong gần 40 năm, sử dụng những tư liệu chọn lọc, khoa học, kỹ lưỡng về con người, sự kiện lịch sử. Từ “hàng núi” tư liệu lịch sử, tác giả tái tạo nên một đời sống sinh động bao quanh những tư liệu lịch sử ấy, khiến các tư liệu trở nên sống động lạ thường. Dưới những lớp tư liệu đó là lòng trắc ẩn, tính nhân văn của một nhà văn. Ở đó ta có thể cảm nhận dược sức nóng của một giai đoạn lịch sử. Đó là đóng góp về tiểu thuyết tư liệu rất mới mẻ...

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhà báo Trần Mai Hạnh chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà (Bắc Quảng Nam-Đà Nẵng) ác liệt, và từ đó đã có những bài báo, những bút ký rất sống động, rất có tiếng vang. Và với giải thưởng văn hoc năm 2014, Trần Mai Hạnh vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của chúng ta, bên cạnh chúng ta, và hy vọng rằng Trần Mai Hạnh sẽ có những sáng tác mới tốt đẹp hơn.

Về cuốn tiểu thuyết lịch sư này, nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ: Số phận cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tác giả nên sau gần 40 năm mới ra mắt bạn đọc. Tôi đã viết nó cả trong những giờ phút đắng cay của số phận. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đến với tôi như giọt nước mát lành đến với con lạc đà đang nhẫn nại lầm lũi xuyên qua một sa mạc nóng bỏng hoang vắng. Nó như món quà của số phận, mang tới cho tôi niềm hạnh phúc, tin tưởng khát khao cùng năng lượng để tôi tiếp tục hoàn thành những trang sách mà mình ôm ấp với niềm say mê văn chương, với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút. Sự đón nhận với niềm cảm thông và lượng thứ của bạn đọc trước những thiếu sót không sao tránh khỏi, cùng tình cảm và sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí dành cho "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã mang đến cho tác giả niềm động viên, khích lệ.

Thế sự thăng trầm, nhân tình thế thái đổi thay rồi cũng qua đi, chỉ ngôi đền văn chương - nơi trú ngụ, gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi”.

PetroTimes xin lược trích với bạn đọc chương khắc họa sự ngợp thở của Huế và sự điên loạn, sụp đổ của Đà Nẵng.

***

Huế ngộp thở, Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ

…Phút ngợp thở của Huế dường như bắt đầu từ hoàng hôn. Ngay từ trưa, sau cuộc họp vội vã của thị trưởng Huế với đám tay chân thuộc cấp, cố đô đã xôn xao tin truyền miệng của cán bộ, công chức: "Bỏ Huế rồi. Lại sắp tắm máu như ở Tây Nguyên rồi. Ông tỉnh cho phép di tản để tránh tổn thất khi có giao tranh". Thế là sợi dây rệu rã cuối cùng níu buộc cái gọi là chính quyền ở thành phố này đứt tung. Chưa vào chiều mà chợ Đông Ba đã vắng, các cơ quan, công sở đóng cửa im lìm. Cảnh sát, an ninh, công chức rồ mạnh ga xe máy vọt tứ tán trong thành phố. Ai nấy vội vã về nhà hối thúc vợ con quơ vội quần áo, của quý. Chiếc trực thăng nằm trước sân cỏ tòa thị chính sẵn sang bốc trọn bất kể lúc nào đầu não ngụy quyền ở Huế ra đi.

Trước cửa tòa thị chính, hai xe bọc thép án ngữ, những chiếc khác nối nhau tuần tra vòng ngoài để phòng ngừa bất trắc. Trong lúc đám nhân viên nháo nhào thiêu hủy hồ sơ, tài liệu thì đại tá Duệ, thị trưởng Huế bồn chồn ngoài hành lang, tay cầm hộp con dấu – hiện thân duy nhất còn lại của quyền lực. Duệ đi đi lại lại không biết làm gì, phải ra mệnh lệnh gì. Hàng đống giấy tờ, tài liệu bị đốt. Khói, tàn tro từ các tầng lầu bay ra, gặp gió sông Hương thổi tới, cuộn mù mịt. Duệ đứng lặng, hai bàn tay buông xuôi, nét tuyệt vọng lộ rõ trên gương mặt nhem nhuốc bụi khói. Hộp con dấu đỏ chót có khắc tên thị trưởng Huế, y đã quăng đi sau một hồi nghĩ ngợi. Y thấy giữ lại cũng chẳng để làm gì mà chỉ tổ thêm đau lòng. Con thuyền của quyền lực đã chìm mất tăm. Thế là hết, tất cả đã vỡ tan tành. Cho dù có cố gượng cũng chẳng thể trương lên được nữa, ở cái thành phố này, cái chiêu bài đã rách bươm của chế độ mà y phụng sự.

Chỉ ít phút nữa thôi, y sẽ nhảy vào chiếc trực thăng kia, và thế là vĩnh biệt Huế mãi mãi. Y không luyến tiếc gì cái thành phố thơ mộng đẹp nhất Nam Việt Nam này. Nhưng y tiếc – tiếc đến đứt ruột những ngày sống phè phỡn như vua chúa ở đây. Y sẽ hạ cánh xuống đâu? Đà Nẵng ư? Cả triệu người ở đấy đang hốt hoảng tìm đường di tản. Sài Gòn ư? Ai cho phép y chạy về tận đấy, mà ở Sài Gòn cũng đã chắc gì yên ổn. Toàn bộ chế độ này như tòa lâu đài bị mối ăn mục ruỗng đang sụp đổ từng mảng lớn. Hôm qua Buôn Ma Thuột, Plêi Ku, Kon Tum; hôm nay Quảng Trị, Huế và chỉ nay mai thôi là tới Đà Nẵng… tốc độ dồn dập tới kinh người. Những mảng lớn mục ruỗng nhất đã buộc phải dứt bỏ không thương tiếc, để cố cứu lấy cái cấu trúc đã lung lay đến tận gốc rễ nền móng của chế độ này.

- Trình đại tá! Công việc tiêu hủy hồ sơ, tài liệu đã hoàn tất!

Duệ thẫn thờ quay lại. Giọt nước mắt chảy dài trên bộ mặt phệ mỡ của Duệ. Duệ nói như kẻ mất hồn:

- Thôi tạm biệt! Từ lúc này các anh tùy nghi!

Đám tay chân ngơ ngác:

- Dạ thưa đại tá! Chúng tôi biết đi đâu?

- Tàu hải quân bốc người ở cửa Thuận An. Hãy tùy nghi ra đó!

Bóng đêm của thảm họa bao trùm thành phố. Những luồng gió mát rượi cuộn lên từ dòng sông Hương cũng không làm dịu được cái ngột ngạt trong các gia đình đang chờ qua đêm để lên đường giã biệt Huế. Với họ, đêm qua sao thật dài. Những người có tiền hớt hải chạy ra phố thuê xe. Giá mỗi chuyến xe thuê đủ chở gia đình vọt từ 40.000 đồng vào xế chiều lên tới 80.000 đồng rồi 100.000 đồng vào giờ giới nghiêm… Đêm qua chậm. Tiếng đại bác vọng cầm canh trên nền không gian bị dồn nén. Trên đỉnh núi Ngự Bình và xa hơn chút nữa về phía bắc có ánh hỏa châu lập lòe. Một chiếc máy bay trinh sát L.19 lượn lờ trên màn đêm đen thẳm, chốc chốc lại bung ra một chùm pháo sáng. Hàng ngàn chiếc đò trên sông Hương cũng lao xao trong khi đèn đường phố chợt như vàng vọt thảm hại.

Buổi sáng Huế thức dậy từ tinh mơ. Chưa có tia nắng nào lóe rạng mà đường phố đã chật cứng người và xe. Tiếng động cơ, tiếng gọi nhau í ơi, tiếng thét hãi hùng. Đủ thứ âm thanh hỗn tạp của cả vạn con người và hàng ngàn xe cộ gây ra. Cả thành phố có tới tám cây xăng mà chưa sáng rõ mặt người cố chạy mua cũng không được lấy một giọt. Lơ xe mặc sức chửi thề, khinh miệt, hạch sách hành khách đủ điều. Hàng trăm xe chỉ chạy tới chân đèo Hải Vân, rồi lộn ngược lại đón khách.

Thoáng chốc đại lộ Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Chi Lăng vắng tanh. Bệnh viện trung ương Huế vắng hoe. Tòa thị chính không một bóng người. Huế đã trở nên thành phố chết từ lúc mặt trời mọc. Thị dân ùn ùn giã biệt Huế, đi ngang dòng chúa cứu thế vẫn thấy chúa chịu khổ đau, bị đóng đinh trên thập tự giá, trong khi vài tiếng chuông chùa vẳng xa. Thành phố rỗng không, cô đơn ngây nhìn lịch sử xoay vần và trực thăng quần quật trên đầu. Gọi điện thoại về Sài Gòn thật khó khăn, vì Sài Gòn điện ra thăm thân nhân quá đông. Chuông reo trong phòng nhiều căn nhà sang trọng nhưng không ai nhận, vì những kẻ giàu chuồn khỏi Huế từ nhiều ngày nay rổi. Hàng sấp thư gửi tới chưa kịp phân phát thì người nhận đã cuốn gói ra đi.

Không đầy mấy tiếng đồng hồ, kể từ lúc mặt trời mọc, Huế vắng tanh. Tiếng động cơ loãng dần theo dòng người ùn chảy về phương nam. Ở đó hình thành cả một dòng thác khổng lồ xe hon-da, xe buýt, xe bò, xe đạp, xe gip và cả máy kéo; tất cả đều chất đầy đồ đạc, kẻ thì chạy ra cửa Thuận An, người thì ì ạch leo đèo Hải Vân. Và nối sau đoàn xe đó, là dòng người dài tít tắp, tốp cuối cùng đang còn ở ngoại ô Huế, tốp đầu đã tới chân đèo Hải Vân. Hoảng sợ vì tin đồn, vì trò tâm lý chiến "tắm máu", không có một phương tiện gì trong tay, cả vạn người mặt mày hốc hác, dắt dìu nhau ra đi. Dòng người chạy khỏi Huế, Quảng Trị hợp với dòng người như triều dâng thác đổ di tản khỏi các thành phố, thị xã Tây Nguyên, làm thức dậy những thảm cảnh thương tâm có một không hai trong lịch sử mà không ngòi bút nào có thể tả xiết…

Chiếc Phan-con vừa phanh kít, An Phran-xit, tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng đã xô cửa xe nhảy ra, chạy bổ vào đại bản doanh của Trưởng. Trụ sở Bộ tư lệnh quân đoàn I mấy ngày trước còn tấp nập cả ngàn sĩ quan mà giờ vắng hoe. Nạn đào rã ngũ tràn đến cả cơ quan Bộ tư lệnh Quân đoàn. Không một ai ra lệnh, nhưng tất cả đã "tùy nghi ".

An Phran – xít xộc vào giữa lúc Trưởng đang hối thúc đám tay chân thân tín tiêu hủy tài liệu. Thấy An Phran-xít, Trưởng không trịnh trọng bước tới bắt tay như mọi khi, mà chỉ cất tiếng chào:

- Xin chào ngài tổng lãnh sự! Tôi tưởng ngài đã đi?

- Đi thế nào được ông trung tướng? Lính của ông tràn ngập cả đường băng. Chúng nổ súng không cho máy bay cất cánh, chúng nện tôi nhừ tử đây này – An Phran-xít vừa nói vừa chỉ vào bộ mặt thiểu não của mình. Lúc này Trưởng mới chú ý đến những vết thâm tím trên mặt, tới bộ quần áo xộc xệch, nhàu nát của Phran-xit. Rõ ràng An Phran-xít vừa bị một trận đòn hội chợ. Trưởng hỏi, giọng có phần thông cảm:

- Làm sao lại đến nông nỗi này, ngài tổng lãnh sự?

- Sân bay hỗn loạn, không một máy bay nào lên xuống được. Người của tôi đi chưa hết, không một ai giúp tôi. Tôi phải can thiệp và tụi lính của ngài đã xông vào hành hung tôi.

- Bây giờ tôi có thể giúp được gì, thưa ngài tổng lãnh sự?

An Phran-xít giơ tay quệt nhanh những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt hốc hác, với bộ râu xồm đen kịt, giọng hổn hển xúc động:

- Ông hãy ra ngay phi trường với tôi, ông trung tướng. Nếu không, máy bay Boeing và máy bay vận tải không thể hạ cánh. Lê-man từ tòa đại sứ vừa điện nói Nhà Trắng lệnh trong vòng 12 giờ tới việc di tản người Mỹ và những người cần thiết khỏi Đà Nẵng phải hoàn tất!

Trưởng giơ cả hai tay lên trời, lắc đầu:

- Không được đâu ngài tổng lãnh sự. Phi trường và cả thành phố này đã hỗn loạn. Không còn chỉ huy được nữa. Ngài có muốn bỏ mạng thì hãy ra đấy!

Đúng lúc ấy chuông điện thoại réo lên. Trưởng vừa nhấc máy đã nghe đầu dây đằng kia vang lên tiếng gọi dồn dập:

- A lô! A lô! Bộ tư lệnh quân đoàn đâu? Bộ tự lệnh quân đoàn đâu?

- A lô! Ai ở đầu dây? Nói đi. Tôi nghe đây. Trung tướng Ngô Quang Trưởng đây!

- Trình trung tướng tư lệnh! Tôi chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh sư đoàn 1 không quân báo cáo: Hồi 17 giờ 20 phút tôi nhận được điện thoại của thiếu tướng Võ Xuân Lành, tư lệnh phó không quân từ Sài Gòn lệnh phải sơ tán phi cơ khỏi phi trường Đà Nẵng để tránh cộng sản pháo kích. Tôi đã họp ngay các không đoàn trưởng để phổ biến, các không đoàn trưởng đều thấy là không thể thực hiện được lệnh trên. A.37 không thể về Phan Rang, Phù Cát vì cả hai phi trường trên đều có thể bị pháo kích. Máy bay O.1 và U.17 cũng không thể về phi trường Non Nước, vì thời tiết quá xấu và thủy quân lục chiến đang đồn trú ở đấy. Tôi đã trực tiếp gọi điện về Sài Gòn báo cáo với trung tướng tư lệnh trưởng không quân và xin được để máy bay lại trong các vòm phi cơ. Tư lệnh trưởng không quân không cho chỉ thị dứt khoát, chỉ nói kể từ giờ phút này, tất cả tuân hành lệnh của tư lệnh trưởng Quân đoàn I. Xin trung tướng cho chỉ thị gấp!

Trưởng hỏi lại Khánh:

- Anh cho tôi biết tình hình hiện tại của căn cứ?

- Trình trung tướng! Cách đây 30 phút, toàn sư đoàn báo động. Việt cộng pháo kích vào căn cứ.

- Tại sao anh không cho phản pháo? – Trưởng chất vấn.

- Trình trung tướng, tôi đã lập tức xin phản pháo. Nhưng thời tiết quá xấu, L.19 không hoạt động được.

Trưởng thông báo cho Khánh:

- Anh phải lo đối phó không chỉ với chuyện pháo kích. Hiện tại áp lực của địch quanh phi trường rất nặng. Bộ binh địch xuất hiện gần phía tây và tây nam phi trường.

Khánh đề nghị:

- Nếu tình hình găng quá, xin trung tướng cho phép triệt thoái căn cứ.

Trưởng suy nghĩ một chút rồi đáp nước đôi:

- Nếu áp lực của địch quá nặng, anh tự liệu. Cho tới giờ phút này tôi chưa có ý định di tản – nói rồi Trưởng buông máy.

An Phran-xít hỏi Trưởng:

- Bây giờ ta tính sao, ông trung tướng?

Trưởng đáp, giọng buồn rầu:

- Toàn bộ tình hình là tuyệt vọng. Ngài tổng lãnh sự nên sớm ra đi. Cuộc tổng tiến công của việt công vào Đà Nẵng chỉ còn tính từng giờ.

An Pran-xít giục Trưởng:

- Vậy ông hãy cùng đi với tôi! Ta di chuyển bằng trực thăng ra tàu Mi-lenr.

Đã có dự định trước, Trưởng từ chối ngay:

- Cuộc phòng thủ Đà Nẵng chỉ còn lại trên lý thuyết. Tôi đã điện xin rút các lực lượng còn lại ra khỏi Đà Nẵng, nhưng Sài Gòn không chịu, tướng Viên vừa lệnh tôi phải tử thủ Đà Nẵng đến cùng – Vừa nói, Trưởng vừa xòe cho An Phran-xít xem bức công điện tuyệt mật do Cao Văn Viên ký. Trưởng khuyên An Phran-xít nên đi ngay, không thể chậm trễ. Còn về phần mình, Trưởng nói – Tôi sẽ ở lại đây, ở lại Đà Nẵng cùng với anh em binh sĩ.

An Phran-xít chào Trưởng rồi hấp tấp ra xe. Vừa ra khỏi cổng Bộ tư lệnh quân đoàn, chiếc Phan-con chở An Phran-xít đã chìm mất tăm trong dòng xe cộ tắc nghẽn. Không chỉ giao thông, mà cả tuần nay, mọi trật tự công cộng ở thành phố này đã bị nhấn chìm, khi cả triệu binh lính, dân thường từ Huế, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Ngãi chạy về. Chiều 25/3, Trưởng đã phải đích thân ra lệnh thiết quân luật toàn Đà Nẵng, dọa bắn bỏ "tất cả mọi phần tử phá rối", thế nhưng suốt đêm đó dòng người tị nạn và xe cộ vẫn cứ ngược xuôi như thác lũ trên đường phố. Bầu không khí sợ hãi ngự trị thành phố. Đó là bầu không khí của một căn bệnh tâm thần, với những cơn điên loạn tập thể.

Lính rút chạy từ Huế về, mặc quân phục hẳn hoi kéo đi cướp bóc dân chúng, đập phá các cửa hiệu, kho hàng lấy thức ăn và hàng hóa mang bán lại. Đám lính nổi loạn, nổ súng vào bất kỳ ai, bất cứ cái gì. Xác người la liệt ngoài đường phố. Lính cướp phá cả trụ sở hãng hàng không Việt Nam trong đêm, nơi để hàng đống va li và bao gói. Trên đường băng sân bay Đà Nẵng, hàng trăm xác chết ngổn ngang. Một số chết vì đạn pháo Quân giải phóng rót vào, số chết vì đạn của lính Sài Gòn không cho lên máy bay để những người ấy đưa gia đình họ lên, và nhiều người khác chết vì máy bay phạt ngang khi họ cứ bâu vào máy bay không chịu tránh ra xa cho máy bay chở đầy người tị nạn cất cánh…

Tin Quảng Tín rồi Quảng Ngãi bị bỏ ngỏ trong ngày bay về Đà Nẵng, đã như những giọt cường toan tiêu hủy nốt chút hy vọng cuối cùng. Con đường chạy về phía nam bị chặt phăng, Đà Nẵng giờ đây trơ trọi như một hòn đảo. Cuộc không vận ồ ạt lập tức được thực hiện với các chuyến máy bay chở khách và máy bay vận tải tấp nập đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Trong lúc đó, máy bay lên thẳng ra vào trên bầu trời thành phố như con thoi, chở người ra ba tàu hải quân lớn của Mỹ đang cập ngoài khơi – tàu P. Com-man-dor, tàu T.Co-lo-ra-do và tàu Mi-lenr. Hơn 20 tàu vận tải biển cỡ lớn và tất cả các loại chiến hạm của hải quân vùng 1 duyên hải được huy động vào việc bốc người ra khỏi Đà Nẵng. Thế nhưng dòng thác người di tản và lính thất trận đã tràn ngập cả sân bay và các cầu tàu làm tắc nghẽn tất cả. Cường độ của thảm trạng khiến con người ta không đủ sức mà kêu lên nữa. Sự khủng khiếp vượt ra khỏi giới hạn của con người, đã đẩy cuộc sống không chỉ ở sân bay, cầu tàu mà cả thành phố này trở về thời kỳ "hỗn mang chi sơ ", nơi cùng đường mạt lộ của cả triệu con người khiếp đảm bị dồn về tắc nghẽn và vô vọng tại đây. Chiều 28/3, một chiếc tầu chở đầy người do dân tự thuê ở Đà Nẵng, chuẩn bị rời bến thì bị một nhóm lính xả súng,quăng lựu đạn, sau đó nhảy lên xô xác người chết và cả người sống xuống biển rồi cướp tàu ra đi…

Bộ chỉ huy của Trưởng không còn kiểm soát được tình hình. 10 vạn binh sĩ ở trong tình trạng vô tổ chức. Lính say rượu kéo nhau đi cướp bóc khắp phố phường. Súng nổ loạn xạ, xác người la liệt trên đường phố cạnh những cửa hiệu và xe cộ cháy ngùn ngụt. Cuộc cướp phá bắt đầu từ trụ sở hãng hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng, ngay sau đấy là câu lạc bộ sĩ quan Mỹ, xưởng rượu bia của Pháp và toàn thành phố…

(Còn tiếp)

Trần Mai Hạnh


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1