Con dao rọc sách

16:32:00 30/03/2015
(HQ Online)- 1. Đọc lại tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, nhà văn chủ soái của Tự Lực Văn Đoàn, chợt nhận ra để cắt đứt một sợi dây vô hình đôi khi người ta phải dùng tới một con dao cụ thể.

Cô Loan tượng trưng cho cái mới, cái tân tiến trong xã hội đã xung khắc kịch liệt với cái cũ, cái lạc hậu do gia đình chồng làm đại diện. Tưởng cô không có cách nào thoát ra khỏi cảnh sống đắng cay, nhẫn nhục được số phận sắp xếp thì bất ngờ “kỳ tích” xảy ra. Trong một lần bị chồng dùng chiếc lọ đồng tấn công, Loan hoảng hốt vớ bừa con dao rọc sách trên bàn giơ lên đỡ. Bị chiếc lọ đồng đập vào người, cô trượt chân ngã xuống giường. Người chồng mất đà ngã theo và vô tình bị con dao trên tay Loan đâm trúng ngực. Chồng cô chết.

Cuối cùng, vì chỉ là ngộ sát nên Loan được tòa tuyên trắng án.

2. Tiểu thuyết luận đề tiêu biểu nhất của Nhất Linh đã cho phe cách tân thắng thế bằng vào chi tiết quan trọng đó. Chồng Loan chết là do ngộ sát, nhưng cái chết của một xã hội cũ kỹ qua hình ảnh này là sự cố ý của Nhất Linh. Chính ông đã đặt con dao đó vào tay Loan. Ông không ngộ sát.

Xưa nay, kết cấu của tiểu thuyết luận đề cho phép nhà văn sắp xếp các tình tiết, sự kiện sao cho có lợi nhất trong việc rao giảng thuyết lý mà nhà văn đeo đuổi. Cho nên nếu Nhất Linh cần một cái chết để gửi đi thông điệp của mình thì hiển nhiên chồng cô Loan đành phải hy sinh.

Chỉ lạ kỳ ở chỗ hung khí trong câu chuyện này là một con dao chắc không lấy chi làm sắc bén: Con dao rọc sách.

3. Con dao rọc sách khác với con dao gọt khoai, bằm thịt hay đánh vảy cá. Dao dùng để rọc sách thường không bén. Tất nhiên dao bén thì vẫn rọc được sách, thậm chí rọc tốt hơn dao không bén. Nhưng sách mà được rọc phẳng phiu, láng o thì... tầm thường quá. Dân chơi sách khi rọc sách phải rọc làm sao cho chỗ rọc phải tơi ra, xơ ra, mép sách trông phải thật bùi xùi, như vậy cuốn sách nhìn mới quý

Ủa, sách tại sao lại phải rọc, độc giả bây giờ đọc tới chỗ này có khi mắt tròn mắt dẹt. Cuốn sách hiện nay bày bán ngoài tiệm, mua về là mở ra đọc được ngay. Vì ngoài gáy sách, ba phía còn lại đều được xén phẳng phiu. Nói đúng ra chỉ có mép phía trên là cần xén, bụng sách và mép dưới không xén vẫn đọc được: Người ta xén là để cho thẳng thớm, ngay ngắn, đẹp mắt.

4. Một cuốn sách gồm nhiều ca-i-ê (gọi theo tiếng Pháp “cahier”), nhà in ta Việt hóa thành “tay” sách. Một “tay” thường có 16 trang, cũng có khi nhiều hơn hoặc ít hơn. Mười sáu trang in hai mặt trên một tờ giấy khổ lớn, thợ đóng xếp gấp lại làm tám để thành một “tay” sách. Từ đó suy ra, cuốn sách 32 trang sẽ có 2 “tay” sách. Cuốn sách 64 trang có 4 “tay” sách. Cứ thế nhân lên. “Tay” sách gấp lại từ một tờ giấy khổ lớn nên sẽ có nhiều trang dính liền với nhau ở mép trên (bạn thử lấy tờ giấy gấp làm tư thì biết ngay). Do đó khi các “tay” đã đóng lại thành một cuốn sách, người ta đưa sách vào máy để xén.

Bây giờ người ta xén cả ba phía, mua sách về không cần phải rọc, có lẽ là để tiện dụng cho người đọc. Vào thập niên 60, 70 ở miền Nam có những nhà xuất bản chỉ xén bụng sách và mép dưới. Mép trên để nguyên, các trang sách vẫn lồng vào nhau. Không rõ các nhà xuất bản chủ trương như vậy là để bớt đi một công đoạn nhằm tiết giảm chi phí hay mục đích là để tăng cái thú của sự đọc sách: Để đọc một cuốn sách cũng phải tốn công phu... rọc.

5. Mà thật vậy, rọc sách là một cái thú, đặc biệt với những ai mê sách, à quên, quý sách. Người mê sách, mua cuốn sách về là háo hức muốn đọc ngay, không chịu được sự nhẩn nha. Người quý sách mới nhẫn nại tỉ mẩn ngồi rọc từng tờ, sung sướng lắng nghe âm thanh rèn rẹt dưới tay mình. Vừa đủng đỉnh rọc vừa rung đùi, để ly cà phê hay ly trà bên cạnh, thỉnh thoảng ngừng tay nâng ly nhấm một ngụm rồi... cặm cụi rọc tiếp. Như vậy, bên cạnh cái thú đọc sách còn có cái... thú rọc sách. Thiết tưởng đó cũng là một lối thưởng thức!

Nếu những cuốn sách đó là ấn bản đặc biệt, nhất là bản đặc biệt của nhà xuất bản Cảo Thơm hồi trước với loại giấy độc đáo, cuốn sách sau khi rọc nhìn rất sướng mắt. Trông nó sang trọng và cổ kính lạ lùng.

6. Tóm lại, qua chi tiết kể trên trong tác phẩm “Đoạn tuyệt”, ta có thể thấy chuyện rọc sách đã có từ thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, lúc văn học chữ quốc ngữ còn phôi thai. Cũng may, nếu như cô Loan sống thời bây giờ, đọc sách không cần dao rọc, hoặc chỉ đọc trên mạng hoặc trên điện thoại di động, không biết nhà văn Nhất Linh sẽ dùng thứ lợi khí gì để chặt đứt sợi dây ràng buộc tư tưởng cách tân với tập quán cổ hủ để nói lời “đoạn tuyệt”.

Chắc là ông sẽ cho chồng cô Loan tấn công cô trong bếp. Và trong cơn hoảng loạn cô sẽ giơ con dao chặt thịt đang cầm trong tay lên đỡ đòn và chẳng may chồng cô ngã vào con dao đó. Bố trí như vậy cũng hợp lý, nhưng không hoàn hảo. Cô Loan đại diện cho phụ nữ tân thời. Cô học đến năm thứ tư bậc Cao đẳng Tiểu học, là người có chữ nghĩa, ham thích đọc sách, có đầu óc đổi mới. Nàng Thị Nở của Nam Cao hay chị Dậu của Ngô Tất Tố cầm con dao chặt thịt trong khi gây án thì phù hợp hơn là cô Loan của Nhất Linh.

Vì vậy, con dao cô Loan cầm trên tay trong khoảnh khắc lịch sử đó nhất định phải là con dao rọc sách.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1