Những câu chuyện về Vlad Tepes III là nguồn cảm hứng để nhà văn Bram Stoker sáng tạo ra cuốn tiểu thuyết kinh điển đầy hấp dẫn - “Dracula”.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Dracula” viết năm 1897 bởi nhà văn Bram Stoker có nhân vật chính là Bá tước Dracula - một ma cà rồng chuyên hút máu người với những hình phạt vô cùng dã man và tàn bạo.
Ít người biết được rằng, nhiều tình tiết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Dracula” hoàn toàn là dựa trên một nhân vật có thật trong lịch sử, đó chính là Vlad Tepes III - một con người tới nay vẫn gây ra sự tranh cãi - liệu ông là anh hùng hay một con quỷ…
Chặng đường lên nắm quyền
Sinh năm 1431 tại Romania, Vlad Tepes III là con của lãnh chúa Vlad II Basarab - một mãnh tướng của Romania , người đã lãnh đạo quân Romania chống lại sự xâm lược của quân Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm trời.
Vì những chiến công hiển hách nên hoàng đế Romania đã ban tặng cho Vlad II Basarab danh hiệu Dracul nghĩa là “đứa con của rồng”.
Chính vì vậy sau khi Vlad Tepes III lên nắm quyền, người dân trong vùng thường gọi ông là Dracula, nghĩa là con trai của Dracul.
Vào mùa Đông 1436-1437, Vlad II Basarab đã phản lại tổ quốc Romania khi ông lợi dụng quyền lực quân sự của mình để biến vùng Wallachia thành một quốc gia bán tự trị, gần như tách hẳn khỏi chính quốc.
Năm 1442, vì lý do chính trị, Vlad Tepes III và em trai bị vua Murad II bắt giữ làm con tin tại Thổ Nhĩ Kỳ cho tới năm 1448.
Thời gian bị cầm tù này đã đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức của Vlad Tepes III và cũng là thời kỳ hình thành cái nhìn bi quan về cuộc sống. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông còn học được vô số cách tra tấn, khủng bố tinh thần ác độc.
Sau khi biết được Vlad II Basarab cùng con trai bị các gia tộc khác trong vùng ám hại vào năm 1447, Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho Dracula và giúp sức để ông ta giành được ngôi vị thống lĩnh vùng Wallachia.
Năm 1448, vị bá tước Vlad Tepes III đứng lên thâu tóm quyền hành toàn bộ của xứ Wallachia với sự thừa nhận của Đế chế Ottoman.
Việc đầu tiên Dracula làm khi nắm quyền là trả thù những kẻ đã giết cha và anh trai mình.
Một ngày Chủ nhật đẹp trời năm 1459, Dracula cho bắt toàn bộ người của các gia tộc tham gia vào vụ ám sát. Những người già yếu bị đem đóng cọc xuyên người, còn người trẻ khỏe bị bắt đi xây dựng một pháo đài trên đống đổ nát của tiền đồn nhìn ra sông Arges.
Dracula là con quỷ…
Một số cuốn sử ký ở Romania ghi lại rằng, cuộc sống hàng ngày của Hoàng thân Vlad Tepes III không thể thiếu đi sự giết chóc.
Ông ta nghiện giết người, xem đó là trò tiêu khiển và chỉ cười sảng khoái nhất vào lúc thấy nạn nhân chết dần chết mòn trong sự đau đớn tột cùng.
Nhiều người cho rằng, Dracula nghiện giết người, xem đó là trò tiêu khiển.
Một trong những hình phạt man rợ nhất mà Vlad vẫn ưa thích là cắm hàng cọc dưới đất rồi ném người qua đó. Mọi dạng phạm tội đều bị trừng phạt theo hình thức bị cọc nhọn xiên dọc thân người.
Chiếc cọc xiên người ấy được đóng trước sân lâu đài của Vlad và những nơi khác trong xứ như một bài học cho kẻ khác.
Nhiều hình khắc chạm gỗ được tìm thấy thuộc thời kỳ này đã mô tả lại Dracula thường xuyên thưởng thức bữa tối với xung quanh là những xác người trên cọc.
Năm 1461, Mohammed II - hoàng đế của Đế chế Constantinople đã phát ói khi vừa đưa quân tấn công vào Wallachia.
Vị hoàng đế đã chứng kiến hàng ngàn bãi cọc kiểu này được dựng lên dọc sông Danube, trên đó găm xác của hàng chục ngàn tù binh Thổ Nhĩ Kỳ. Do quá hãi hùng nên Mohammed đã không dám tấn công nữa.
Ngoài ra, Dracula còn có hàng trăm cách hành hình kinh khủng và độc ác khác. Nạn nhân của Dracula cũng vô cùng đa dạng phong phú, bao gồm không sót một ai từ nông dân, phụ nữ, trẻ em, người già, người trẻ, sứ thần...
Có lần, một nhà buôn ở nước láng giềng tới lâu đài của Dracula tâu bẩm có người lục lọi chiếc xe ngựa và nẫng mất 160 đồng tiền vàng của anh ta.
Dracula an ủi người đàn ông bất hạnh, cam đoan sẽ tìm ra tên trộm. Ngay lập tức, Dracula ra lệnh cho quân lính để vào xe ngựa của thương gia đó 161 đồng tiền vàng.
Sáng hôm sau khi quay về, thương gia này đếm số tiền và phát hiện ra thừa một đồng. Ông ta quay lại báo với Dracula là đã nhận được tiền nhưng thừa một đồng. Câu trả lời của Dracula khiến vị thương gia không khỏi sợ hãi:
Dracula đã cố tình làm như vậy và nếu thương gia này không thông báo về đồng tiền thừa thì chính ông ta sẽ bị xiên cọc.
Một câu chuyện khác kể lại rằng, có hai vị sứ thần tới thăm Dracula. Khi gặp mặt Dracula, hai vị sứ thần từ chối bỏ mũ ra và giải thích điều đó vi phạm phong tục nước họ.
Dracula ngay lập tức cho đóng đinh chiếc mũ vào đầu hai vị sứ thần để không bao giờ vi phạm truyền thống của dân tộc họ.
Hay vị anh hùng…
Tuy nhiên, một số tài liệu lịch sử ở Nga lại cho thấy, Dracula thực sự là một lãnh chúa tốt. Ông chỉ là một nhà lãnh đạo có cách hành xử riêng của mình. Các hình phạt tàn ác mà Dracula thi hành chỉ áp dụng cho các bọn tội phạm.
Vì khi ông mới nắm quyền, vùng Wallachia đang ngập trong sự bất ổn và chỉ có kỷ luật thép mới giúp mọi thứ trở lại ổn định.
Nhờ sự quản lý nghiêm khắc, cùng các chính sách khuyến khích lao động của ông, vùng Wallachia đã trở thành một khu vực có giàu có và trù phú nhất Romania.
Ngoài ra, Dracula cũng vô cùng căm ghét giới quý tộc Wallachia, ông cho rằng, chính họ đã gây ra cái chết của cha và anh trai mình nên lúc nào Dracula cũng muốn diệt hết các dòng họ giàu có để phòng hậu họa.
Chính vì điều này, chính quốc Romania đã tung ra nhiều tin đồn thất thiệt làm giảm uy tín của ông.
Nhiều người khác tin, Dracula là vị anh hùng...
Thậm chí, nhiều người thời bấy giờ còn cho rằng, Dracula là một anh hùng thực sự. Ông ta đã dành hết tâm lực cho cuộc chiến chống quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ - một đế quốc cực mạnh, thôn tính rất nhiều lãnh thổ.
So về lực lượng, quân Wallachia quá nhỏ bé so với Đế quốc Ottoman hùng mạnh. Thế nhưng, Vlad Tepes III chưa bao giờ chùn tay trong việc đánh lại kẻ thù khổng lồ này.
... khi giành hết tâm lực cho cuộc chiến chống quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính vì quá quyết liệt trong cuộc chiến đó nên hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép với xứ Wallachia phải hạ bệ Vlad để đưa người em trai lên ngai vàng, nếu không sẽ xuất binh trừng phạt.
Người Wallachia một là quá sợ hãi cuộc chiến đẫm máu, hai là quá ngán các biện pháp quản lý nghiêm khắc của Dracula nên đã ủng hộ em trai ông ta. Thất thế, bị truy sát,
Dracula trốn khỏi lâu đài qua một lối đi bí mật, bỏ lại người vợ thân yêu của mình. Quá thất vọng và sợ hãi người vợ tội nghiệp của Dracula đã gieo mình từ lầu cao xuống.
Sau khi trốn thoát, Dracula tới cầu cứu vua Hungary, nhưng lại bị bỏ tù 12 năm ròng. Tới năm 1476, vua Hungary giao Dracula cho quân Thổ Nhĩ Kỳ, ông bị hành hình rồi chôn tại tu viện Snagov.
Sau cái chết của vị bạo chúa, những câu chuyện kinh dị về ông vẫn tiếp tục được lưu truyền và là nguồn cảm hứng để nhà văn Bram Stoker sáng tạo ra cuốn tiểu thuyết kinh điển đầy hấp dẫn: “Dracula”.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Britannica, Wikipedia...
---------------------------
Truy cập chuyên mục mới Có Thể Bạn Chưa Biết để khám phá thêm nhiều câu chuyện BÍ ẨN và những SỰ THẬT THÚ VỊ các bạn nhé!