Yêu nghề, yêu người, nặng tình bút mực, khi về hưu, nhà báo Hữu Thọ mới dần hồi tưởng lại những năm tháng của mình để viết về người xưa, cảnh cũ. Tình bút mực (NXB Chính trị quốc gia - 2014) dù là tập hợp các bài báo được viết trong những thời gian và hoàn cảnh khác nhau, vẫn có được một sự nhất quán, thể hiện sự chuyển đổi trong cách viết: Là hồi ký nhưng không viết về mình; là lịch sử đất nước qua những con người; là cuộc sống, con người qua những chi tiết chân thực và sinh động. Tuy không viết về mình nhưng ở đâu cũng hiện lên một nhà báo Hữu Thọ sâu nặng tình đồng chí, đồng nghiệp, mà ông gọi là "tình bút mực"; một nhà báo Hữu Thọ với những quan sát tinh tế và phân tích thời cuộc sắc sảo, luôn phát hiện cái mới và cổ vũ cho cái mới thắng lợi; một Hữu Thọ nhớ kỹ, chỉn chu trong từng chi tiết và sự đoán định...
Năm 1957, Hữu Thọ từ một cán bộ chính trị có chức (Thường vụ Huyện ủy) về làm "phóng viên trơn" ở Báo Nhân Dân vì háo hức với cuộc sống phóng viên đi nhiều, biết nhiều (có lẽ có cả cái lãng mạn của chủ nghĩa xê dịch). Ông đến với nghề viết khi "bút chưa sắc" nhưng với một "lòng trong", tôn thờ giá trị của chữ nghĩa và sự cống hiến. Sự hy sinh, cống hiến cho cách mạng là giá trị cao nhất, là lý tưởng của mọi người, đặc biệt là thanh niên. Vượt lên tầm mức của mình, cũng là một khát vọng lớn. Cùng với viết báo, những ngày đầu ấy, ông cũng hì hục viết văn. Năm 1962, được NXB Thanh niên in tập truyện ngắn "Cô gái thôn Bạt", nhuận bút đủ để tổ chức đám cưới ở khách sạn Phú Gia và mua chiếc xe đạp. Rồi nhận ra mình khó có thể đi xa trên con đường dù vinh quang nhưng đầy khổ ải này, hoặc giả yêu cầu ngặt nghèo của công việc cuốn ông theo thời sự, nghiệp văn chương của ông tạm dừng từ đó. Tình bút mực viết về con người, ta gặp được một Hữu Thọ nhà văn thuở nào, một nhà văn tiềm ẩn...
Tình bút mực gồm hai phần: "Ơn thầy, nhớ bạn" và "Trong lòng đồng nghiệp". "Trong lòng đồng nghiệp" thể hiện tấm lòng trân quý của ông đối với các nhà văn, nhà báo đã viết về mình; "Ơn thầy, nhớ bạn" là phần cốt lõi của sách, gồm những bài viết tác giả nhớ lại những bài học, những kỷ niệm; tập trung ở những kỷ niệm làm nghề, làm người; qua việc học tập và những chuyến đi với Bác Hồ, với các đồng chí Lê Duẩn, Trường - Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt...
Đối với các nhà báo thì đây là một cuốn sách bổ ích, không chỉ để hiểu thêm lịch sử, bản chất của báo chí cách mạng, sự chỉ đạo cụ thể của Trung ương và lãnh tụ đối với báo chí; mà còn được bồi đắp thêm kinh nghiệm nghiệp vụ... Đối với công chúng rộng rãi, đây là cuốn sách hấp dẫn về cuộc đời, tính cách của các lãnh tụ và các nhân vật lịch sử; là cuốn phim quay nhanh lịch sử dân tộc có đặc tả những thời điểm đổi mới, cần ra những quyết định khó khăn.
Nhà báo Hữu Thọ đã dành cho người thầy, người thủ trưởng trực tiếp của mình là nhà báo Hoàng Tùng và các đồng nghiệp ở Báo Nhân Dân và các báo bạn thời chiến tranh như: Thép Mới, Hồng Hà, Trần Minh Tân, Thợ Rèn (Phạm Lê Văn), Nguyễn Sinh, Lê Văn Ba... ; các nhà văn hóa, văn nghệ: Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Trần Hoàn, Phan Trọng Quỳ... những trang viết xúc động từ tình cảm chân thành, yêu quý tài năng và lẽ sống cao đẹp của một lớp người. Sự trân trọng, đề cao đồng nghiệp, dù có người ít tuổi hơn, chức vụ nhỏ hơn... làm cho ta càng trân trọng tác giả.
Như trên đã nói, dù tránh thể hiện mình nhưng có một điều nhà báo Hữu Thọ không muốn tránh, mà lại còn muốn bộc lộ một cách mạnh mẽ, đó là thái độ rõ ràng, dứt khoát trước cái đúng, cái sai. Còn nhớ, từ rất sớm, ông đã đặt ra những vấn đề rất gai góc: Việt Nam có ma-phi-a không? Có người mua (chức), vậy có người, có nơi bán không? Chống triệt để là chống cái anh bán! Có nhiều vấn đề đã rơi vào "im lặng đáng sợ". Sự đời vẫn vậy, nhiều cái không phải thấy được, biết được là làm được!
Trong cuốn sách này, khi học tập Bác Hồ, ông nhấn mạnh người làm báo phải có tấm lòng và quyết tâm "phò chính, khu tà", phải trung thực và trách nhiệm. Viết về đồng chí Trường - Chinh, ông muốn bày tỏ: muốn đánh giá con người, phải thật sự hiểu biết, có thái độ khoa học và thấu đáo nhân tình. Sự vĩ đại của đồng chí Trường - Chinh không chỉ ở lòng tận tụy, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp vì Đảng, vì dân, một bộ óc sáng suốt hiếm có, mà còn ở nhân cách một con người biết nhận ra và thừa nhận khuyết điểm của mình một cách sòng phẳng, để vươn tới những đỉnh cao mới của nhận thức. Viết về đồng chí Nguyễn Văn Linh, Hữu Thọ muốn đề cao tình cảm, phong cách lãnh đạo gần dân, thân dân, bám sát thực tiễn để đề ra quyết sách đúng, có lợi cho dân, khắc phục nạn bảo thủ, giáo điều. Viết về Nguyễn Khắc Viện, Hữu Thọ nhận ra đã bỏ qua ý kiến xác đáng của một nhà khoa học mà vài mươi năm sau, khi là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ông mới thấy đúng; từ đó ông lưu ý hãy biết coi trọng, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học; biết coi trọng văn hóa để tạo nên sự phát triển bền vững...
Và như vậy, cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ còn rất hay đối với người đảng viên, người lãnh đạo. Cuốn sách có tác dụng xây dựng cái cơ bản, đó là xây dựng con người.