Đạo sĩ hạ sơn: Cuộc phiêu lưu của đạo diễn Trần Khải Ca

07:09:00 03/08/2015
(TGĐA) - Được cải biên từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Từ Hạo Phong, bộ phim Đạo sĩ hạ sơn (Monk Comes Down the Mountain) kể về chuyến phiêu lưu ly kỳ của chàng tiểu đạo sĩ Hà An Hạ sống vào thời dân quốc, vì chạy trốn nạn đói nên xuống núi kiếm sống. Trần Khải Ca chia sẻ, Đạo sĩ hạ sơn là bộ phim vất vả nhất của ông trong suốt 30 năm làm đạo diễn.

(TGĐA) - Được cải biên từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Từ Hạo Phong, bộ phim Đạo sĩ hạ sơn ( Monk Comes Down the Mountain ) kể về chuyến phiêu lưu ly kỳ của chàng tiểu đạo sĩ Hà An Hạ sống vào thời dân quốc, vì chạy trốn nạn đói nên xuống núi kiếm sống. Trần Khải Ca chia sẻ, Đạo sĩ hạ sơn là bộ phim vất vả nhất của ông trong suốt 30 năm làm đạo diễn.

Tiểu đạo sĩ đặt chân chốn hồng trần

Thời kỳ dân quốc, lực lượng quân phiệt hùng hậu, các thế lực quân đội và các bang phái giang hồ kết bè kết phái và khi xuống núi, Hà An Hạ nhanh chóng bị cuốn vào một âm mưu khủng khiếp. Anh bị xoay vòng trong tam giác quân đội, giang hồ và quân Nhật, sau khi trải qua hàng loạt sự việc bất ngờ và gặp gỡ những nhân vật kỳ lạ, trong thời điểm nguy hiểm nhất, anh đã ngộ ra sự chí lý và cảnh giới của võ thuật, từ đó dẫn đến nhiều thay đổi trong cuộc đời. Anh đã thấu hiểu lời dặn dò của sư phụ trước khi xuống núi: “ Bất chấp thủ đoạn là hào kiệt, không thay đổi bản chất chính là anh hùng thật sự ”.

Cảnh quay đầu tiên là phân cảnh tiểu đạo sĩ Hà An Hạ xuống núi, được ghi hình tại huyện Hương Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

Cảnh quay đầu tiên là phân cảnh tiểu đạo sĩ Hà An Hạ xuống núi, được ghi hình tại huyện Hương Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Đoàn làm phim đã mất thời gian hơn 7 tháng, huy động hơn 200 nhân lực để xây dựng bối cảnh giao thoa phong cách giữa xã hội dân quốc và phương Tây, như đường sá, nhà hàng, rạp hát, nhà trọ... trên diện tích hơn 5.000m 2 , quá trình ghi hình mất 213 ngày, sử dụng kỹ thuật quay 3D.

Do kịch bản chuyển thể phức tạp, bố cục rộng lớn, có nhiều cảnh quay võ thuật nên việc cải biên kịch bản đã gặp nhiều khó khăn, phải chỉnh sửa nhiều lần. Đạo diễn Trần Khải Ca cho biết, kịch bản phim đã mất 2 năm thai nghén mới hoàn thành. Ê kíp làm phim Đạo sĩ hạ sơn hoàn toàn quốc tế hóa vì người phụ trách chỉ đạo quay phim là Geoffrey Simpson – nhà quay phim người Úc từng lọt vào danh sách đề cử giải Oscar.

Vương Bảo Cường: Cống hiến hết mình cho bộ phim

Vương Bảo Cường xuống núi ăn trộm món gà gói lá sen, anh ngồi trước bàn ăn mà ăn lấy ăn để, một cái chau mày một nụ cười, nhất cử nhất động đều mang tính hài hước.

Một diễn viên với sở trường diễn hài như Vương Bảo Cường đã tự tin chia sẻ: “ Hà An Hạ là nhân vật gần gũi, dễ dàng nhận được tình cảm của khán giả. Đặc biệt, tuyến vai này có nhiều điểm tương đồng với tôi, nên tôi thể hiện bản thân một cách toàn diện ” . Ngoài tính hài hước, Vương Bảo Cường còn bộc lộ tính đa dạng của vai diễn, có nhiều tình tiết khóc của anh đã khiến bạn diễn Trương Chấn không cầm được nước mắt: “ Khi Vương Bảo Cường diễn cảnh khóc, tình cảm đến mức khiến tôi cũng bị lay động theo, vô cùng chân thực ”.

Vương Bảo Cường và Quách Phú Thành trong phim

Đạo diễn Trần Khải Ca và các bạn diễn đều đánh giá cao sự cống hiến hết mình của Vương Bảo Cường dành cho bộ phim Đạo sĩ hạ sơn . Khi bộ phim đóng máy, Vương Bảo Cường sướt mướt bảo rằng: “ Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một bộ phim trong thời gian dài như thế, đây cũng là một tác phẩm khiến tôi cảm thấy tự hào và tự tin nhất ”.

Quách Phú Thành: Khí chất tông sư

Quách Phú Thành trong vai cao thủ Thái cực quyền Châu Tây Vũ

Với kinh nghiệm diễn xuất và lợi thế vũ đạo, Quách Phú Thành đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Khải Ca, được chỉ định đóng vai cao thủ Thái cực quyền Châu Tây Vũ. Đạo diễn Trần Khải Ca nhận xét, tạo hình nhân vật của Quách Phú Thành mang phong cách hiên ngang đầy chí khí, rất phù hợp với khí chất, thần thái của một vị tông sư. Ngày đầu tiên gia nhập đoàn phim, Quách Phú Thành đã phải quay phân cảnh hỗn chiến “1 đấu 10” trên tuyết, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn võ thuật Cốc Hiên Chiêu, anh đã đích thân xung trận mất 1 ngày: “ Trước đây tôi từng bị chấn thương ở chân, nhưng rất may là những màn đánh võ của nhân vật lại chú trọng yếu tố chậm mà chắc, động tác không quá tốc độ và kịch liệt, nên tôi có thể thực hiện các cảnh quay một cách hoàn thiện nhất ”. Ngoài võ thuật, Quách Phú Thành còn chinh phục mọi người bởi lối diễn xuất nội tâm thông qua ánh mắt sâu lắng.

Trương Chấn được thỏa sức diễu võ giương oai

Chỉ vì Nhất đại tông sư (đạo diễn Vương Gia Vệ), Trương Chấn đã mất 3 năm khổ luyện Bát cực quyền, kết quả là bộ phim chưa được công chiếu nhưng anh đã trở thành quán quân Bát cực quyền toàn quốc và trở thành giai thoại đẹp trong giới nghệ thuật, tiếc rằng anh chỉ có vỏn vẹn 3 phân cảnh trong phim Nhất đại tông sư . Lần này tham gia Đạo sĩ hạ sơn , được đạo diễn Trần Khải Ca giao đóng vai một cao thủ đẳng cấp tông sư, xem như là sự bù đắp cho Trương Chấn. Trong phim, nhân vật ông chủ Tra của Trương Chấn là tuyến vai nặng ký, không chỉ là cao nhân bất lộ tướng mà anh còn nắm giữ một bí mật lớn: Võ công tuyệt học của Trung Hoa bị thất truyền đã lâu.

Trương Chấn trong vai ông chủ Tra

Mặc dù võ nghệ của Trương Chấn đã được khẳng định, nhưng khi đóng phim Đạo sĩ hạ sơn , anh vẫn chấp nhận tham gia lớp huấn luyện võ thuật 2 tháng. Trong quá trình ghi hình, có 1 phân cảnh đấu võ, anh phải phi thân xuống đất từ độ cao hơn 10m, ban đầu đạo diễn Trần Khải Ca có gợi ý mời người đóng thế, nhưng Trương Chấn kiên quyết từ chối, biểu hiện rất mạnh mẽ, diễn không đạt thì diễn lại. Mỗi lần anh phi thân là mỗi lần đạo diễn Trần Khải Ca toát mồ hôi hột, vì thế anh em trong đoàn phim gọi Trương Chấn là “Tam lang liều mạng”.

Lâm Chí Linh và Phạm Vỹ gây sốc với “cảnh nóng”

Lâm Chí Linh là nữ chính duy nhất trong phim, nhân vật Ngọc Trân là vợ của ông chủ hiệu thuốc Thôi Đạo Ninh, và cũng là người phụ nữ đầu tiên mà Hà An Hạ gặp gỡ khi xuống núi.

Lâm Chí Linh và Phạm Vỹ

Theo trailer phim, sau khi tiểu đạo sĩ xin ở nhờ nhà của Ngọc Trân, một đêm nọ, anh lén lút leo lên thang để nhìn trộm vào phòng ngủ của vợ chồng cô, chiếc giường vừa kêu lên tiếng rắc thì cô đã hét to: “ Ông không muốn sống nữa sao! ”, đối phương là một ông già vừa mập vừa hói đầu, người đóng vai này là diễn viên gạo cội Phạm Vỹ. Một cảnh khác, cả hai cùng nằm trên giường để hở đôi bờ vai, Phạm Vỹ với gương mặt phờ phạc nói rằng: “ Hãy thay cho tôi miếng cao dán khác ”. Lâm Chí Linh với gương mặt đỏ au trả lời đầy ẩn ý: “ Những người tuổi Tuất, ăn bao nhiêu cũng không đủ ”. Tình tiết và lời thoại của hai nhân vật đều rất lôi cuốn.

“Cha con”: Nguyên Hoa và Phòng Tổ Danh

Phòng Tổ Danh và Nguyên Hoa

Nhân vật của Vương Bảo Cường là một tiểu đạo sĩ ngờ nghệch, vai diễn của Phòng Tổ Danh là một đại thiếu gia võ nghệ cao cường, hai chàng trai trẻ với thân phận trái ngược nhau nhưng lại trở nên thân thiết và cùng nhau trải qua hàng hoạt sự việc lý thú. Trong phim, ngoài người bạn thân Vương Bảo Cường, Phòng Tổ Danh còn có “người cha” không hề đơn giản – Nguyên Hoa. Là sư huynh của Thành Long, sư bá của Phòng Tổ Danh, vì thế Nguyên Hoa rất yêu chiều Tổ Danh và không ngại chỉ bảo thêm cho anh: “ Ở nhà, đối với cha, con vừa yêu vừa sợ, thì cứ thể hiện theo cảm xúc này, nhất định không thành vấn đề! ”.

Mỗi nhân vật mang một huyền cơ

Khi đạo diễn Trần Khải Ca giới thiệu nhân vật, ông đã gắn cho mỗi nhân vật một chữ, ngụ ý thể hiện tính cách người đó, gồm: Vương Bảo Cường – “Đạo”, Quách Phú Thành – “Chấp”, Trương Chấn – “Nghĩa”, Lâm Chí Linh – “Dụ”, Phạm Vỹ – “Trần”, Nguyên Hoa – “Oán”, Vương Học Kỳ – “Thiền”, Ngô Kiến Hào – “Mê”, Trần Quốc Khôn – “Thán”, Lý Tuyết Kiện – “Huyền”. 10 chữ này đều có ảnh hưởng đến tính cách và số phận của mỗi nhân vật. 10 chữ được chia thành 2 vế 5 chữ đối xứng nhau: “Chấp đạo dụ trần oán, mê than huyền nghĩa thiền”. Theo tiết lộ của đạo diễn Trần Khải Ca, 10 chữ này chính là yếu tố để xây dựng toàn bộ nhân vật trong phim.

Trịnh Nghi


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1