Đề tài về nông thôn xuyên suốt trong thơ và tạp văn của tôi

14:25:00 07/09/2014

De tai ve nong thon xuyen suot trong tho va tap van cua toi

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Tôi chỉ viết những gì mình thuộc, mình hiểu sâu sắc, chủ động được, như những vùng đất yêu mến, quê hương ruột thịt thì mới dễ hay, dễ chạm đến trái tim, tình cảm của người đọc.

Nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước, đến nay, nhà thơ Ngô Văn Phú đã có số đầu sách kỷ lục: 230 cuốn. Một thống kê của Hội Nhà văn cho thấy, ông là người xuất bản nhiều sách nhất Hội. Ngô Văn Phú cũng là một trong hiếm hoi người cầm bút viết rất nhiều thể loại và đều thành công: nói đến thơ ông, là nhắc đến chất folklore đậm đặc trong “Tháng năm mùa gặt”, “Đi ngang đồi cọ”, nhất là “Mây và bông” đến nỗi nhiều người tưởng là ca dao v.v… cùng những tập tạp văn đầy chất thơ. Còn những cuốn làm nên tên tuổi ông ở lĩnh vực tiểu thuyết là “Ngôi vua và những chuyện tình”,“Tuyên phi họ Đặng”, “Uy Viễn tướng công” vv… “Mùa hoa cải vàng”, “Cỏ may”… Trong dịch thuật, “Tể tướng Lưu gù”, “Đường thi tam bách thủ”, “Thiên Gia thi”… Ông đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc NXB Tác phẩm mới, Giám đốc –TBT NXB Hội Nhà văn trước khi nghỉ hưu. Nói về ông, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn từng nhận xét: “Ông là người không chỉ chịu viết mà còn chịu học, chịu đọc, tham bác nhiều lĩnh vực. Trong cái vẻ ngoài xuềnh xoàng, quê mùa, lè phè ấy là sự tự tin, đôi khi kiêu ngầm, bất cần. Ông đã để lại được dấu ấn quê mùa trên thi đàn sau 1945, cả về số lượng và chất lượng”.

“Tác phẩm đầu tay” lần này có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ đa tài Ngô Văn Phú:

+ Ông không chỉ viết khỏe, mà còn thành công ở nhiều thể loại. Vậy tác phẩm đầu tay của ông là thơ, tiểu thuyết, hay dịch thuật?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Không phải thơ hay tiểu thuyết, tác phẩm đầu tay của tôi là một tạp văn mang tên “Buổi sáng trên sông Tiêu”, nói về việc vớt rong, bèo về làm phân, một cuộc sống lao động bình dị trên một dòng sông, một vùng quê yên bình, rất đẹp.

+ Ông có thể kể về việc ra đời của “Buổi sáng trên sông Tiêu”?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Khi đó, tôi là sinh viên năm thứ nhất của khóa 3, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo phong trào “Cần công - kiệm học” (chăm chỉ công việc, chú ý học tập) phát động khi đó, chúng tôi đi lao động thực tế 3 tháng ở Bình Đà, Thanh Oai, Hà Tây. Thuở ấy còn nghèo, nên làng tôi ở chỉ ăn 2 bữa sáng và trưa, còn tối thì nhịn. Chúng tôi lại quen ăn bữa tối là chính nên đói không chịu nổi. Sáng ra lại phải lao động quần quật. Cuộc sống vất vả, thiếu đói, nhưng thiên nhiên ở đấy đẹp vô cùng. Vì tôi vốn là người nông thôn, nên dễ rung cảm trước những cảnh quê gần gũi: lũy tre làng, đồng ruộng lúa, góc vườn, mảnh sân, bờ ao, cây trái… Những cái đó tác động mạnh vào tâm hồn tôi, để vượt lên hiện thực đời thường, đưa tôi đằm mình trong những cảm xúc mãnh liệt và viết “Buổi sáng trên sông Tiêu”, sau đó, đăng trên Báo Văn Nghệ. Tôi chọn thể loại tạp văn, giàu chất thơ, phù hợp với việc miêu tả cảnh, cũng như với những rung cảm trước một làng quê.

+ Thông thường, tác phẩm đầu tay định hình cả thể loại, phong cách và đề tài của người sáng tác. Ông có là ngoại lệ?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Tác phẩm đầu tay của tôi là văn xuôi, nhưng về sau, tôi được biết đến là một nhà thơ với số lượng tác phẩm đã xuất bản gần 100 tập. Nhưng, trong cuộc đời sáng tác của mình, tôi cứ viết thơ một hồi, lại chuyển sang viết truyện ngắn, rồi tạp văn và tiểu thuyết, rồi dịch. Tôi cũng đã có 2 tập tạp văn.

+ Thể loại thì không, nhưng định hình đề tài từ tác phẩm đầu tay thì có thể? Vì suốt trong nhiều sáng tác sau này, đề tài nông thôn vẫn tiếp tục trở lại trong ông với sự thăng hoa, tinh tế lạ lùng cùng ngôn ngữ dân dã, hóm hỉnh và tràn đầy chất thơ, đủ làm nên sự ám ảnh?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Thơ tôi chủ yếu viết về nông thôn, trong đó, nông thôn ở trung du nhiều hơn và cũng chủ yếu viết về vẻ đẹp ở thôn quê. Nhưng ở mảng văn xuôi, thì tôi lại đam mê những câu chuyện lịch sử dài mang hơi thở của cuộc đời, nên đã viết hàng chục cuốn: “Ngôi vua và những chuyện tình”, “Người đẹp ngậm oan”, “Tuyên phi họ Đặng”, “Gươm thần vạn kiếp”, “Uy Viễn tướng công”…

+ Ông đã có hàng chục cuốn tiểu thuyết lịch sử và tác phẩm dịch về lịch sử. Cùng với 2 tập thơ “Phương Nam gió nổi” và “Vầng trăng dấu hỏi”, Giải thưởng Nhà nước về VHNT dành cho ông còn nhờ cuốn tiểu thuyết lịch sử “Uy Viễn tướng công”. Xin được hỏi, những vấn đề nào trong lịch sử thường được ông quan tâm khai thác?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Tôi thường đi sâu vào các triều đại có nhiều dấu ấn trong chiều dài lịch sử dân tộc, như Trần, Lê, Nguyễn, với các nhân vật có tình cảm, suy nghĩ, để cho người hiện đại tìm hiểu và học tập các tính tốt của tiền nhân. Đó là sự quyết đoán, tính chủ động, không hành động một mình mà biết dựa vào tùy tướng giúp đỡ với quan điểm: “Chim hồng hộc bay cao phải nhờ 6 hàng lông cánh”, mà Trần Hưng Đạo là một điển hình khi biết dùng người, để dựa vào các vị tướng tài như Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão v.v… mà làm nên sự nghiệp. Tôi cũng muốn viết về những triều đại chính trong lịch sử, có thịnh suy, hưng vong, để những đời sau nhìn vào đó mà học tập. Còn trong sách dịch, tôi cũng luôn chọn những tác phẩm nói về những nhân vật lịch sử có tính cách phản kháng, như Tể tướng Lưu Gù – người sau lần dâng 3 bản tấu không được vua chấp nhận, đã vứt bản tấu và quẳng giày để từ quan về làm dân, hay như cuốn “Hoạn quan Trung Hoa” vv... Dịch những tác phẩm này, tôi muốn chuyển đến người đọc một điều: Vướng vào vòng danh lợi chính thống chỉ có khổ, nên chọn vùng đất quê hương thân thuộc để đàm đạo chuyện văn, chuyện đời hay thú ngao du…

+ Sau gần 60 năm sáng tác, ông là một trong những nhà thơ tên tuổi, để lại nhiều dấu ấn trong văn đàn Việt Nam. Ông có thể chia sẻ quan điểm, cũng như kinh nghiệm sáng tác của mình?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Tôi chỉ viết những gì mình thuộc, mình hiểu sâu sắc, chủ động được, như những vùng đất yêu mến, quê hương ruột thịt thì mới dễ hay, dễ chạm đến trái tim, tình cảm của người đọc. Những gì không thuộc, không hiểu thì không thể viết được. Thông điệp trong tất cả các tác phẩm của tôi đều là ca ngợi cái đẹp, lòng yêu quê hương, đất nước, con người, ca ngợi trí tuệ, ứng xử trong đời thường, những tấm gương ẩn mình không muốn lộ diện, không khoe khoang thành tích vv…

+ Nhiều nhà văn, nhà thơ cho rằng, họ được nhiều hơn mất khi đến với văn chương, còn ông thì sao, khi từng bị phiền phức về một bài thơ bị suy diễn, chứ không phải do ông chủ ý?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Mất thì chỉ mất thì giờ, chứ tôi thấy mình được nhiều: nổi tiếng, được nhiều người biết đến và nhất là, qua việc nghiên cứu về lịch sử để viết và dịch các cuốn tiểu thuyết lịch sử, tôi được học rất nhiều điều mà tiền nhân truyền lại. Quá trình sáng tác tạo sự hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, đòi hỏi mình không được dập khuôn mà mỗi seri truyện phải viết theo hướng khác nhau, tạo sự phong phú cho chính mình về cách thể hiện. Trong quá trình sáng tác, tôi mang tinh thần thơ Việt vào thơ Đường khi dịch, nhưng khi tôi dịch thơ Pháp sang thơ Việt, tôi lại chịu ảnh hưởng của thi ca Pháp, khi học hỏi ở thủ pháp đa dạng, tư duy hiện đại, vần điệu tự do…

Phiền phức về bài thơ “Sẹo đất” cũng chỉ thoáng qua. Sau khi bài thơ được in, vì có sự hiểu không đúng, khiến tôi bị phê bình và chi bộ yêu cầu tôi tự chọn hình thức kỷ luật. Tôi khi đó đang là bí thư nên xin từ chức, trở thành đảng viên thường. Nhưng nhà văn Tô Hoài nói rằng, cậu làm tốt, chỉ cần “lùi” xuống chức Phó bí thư là được rồi. Ngay sau đó, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, khi đó là TBT Báo Văn Nghệ, nơi tôi công tác, đã gọi tôi lại và giục tôi đi cơ sở viết mấy bài phóng sự! Việc động viên của ông đã giúp tôi tự tin đi về nông thôn, viết ký về sản xuất nông nghiệp. Bút ký “Mùa hoa bạch đàn” lập tức được đăng trên trang nhất ngay tuần đó, như một sự chiêu tuyết cho tôi của các đồng nghiệp!

+ Nhìn lại chặng đường sáng tác của mình, ông hài lòng nhất với những tác phẩm nào trong 230 tác phẩm của mình, đặc biệt là về tính tư tưởng?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Tôi hài lòng nhất về mảng thơ của mình, vì đã tạo được một phong cách riêng, không trộn lẫn với ai. Còn văn xuôi, tôi ấn tượng với “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con voi ở Thủ Lệ” (truyện từng được đưa vào SGK trong nhà trường) vv… Tôi gửi gắm những tư tưởng của mình vào trong đó, ai hiểu được thì hiểu, không thì thôi.

+ Ở tuổi 77, lại đã có hơn 200 đầu sách, một kỷ lục mà cho đến nay, dường như chưa nhà văn nào ở Việt Nam vượt qua được. Nhưng đến nhà, vẫn thấy ông cặm cụi viết, giữa bạt ngàn tác phẩm cùng sách bút. Có phải ông vẫn chưa dừng bút?

Nhà thơ Ngô Văn Phú: Viết lách vẫn như hơi thở trong cuộc sống của tôi. Vì thế, tôi vẫn viết. Truyện ngắn “Người Hà Nội khi xa” vừa viết và được in trên một Tạp chí. Tôi cũng đang viết hồi ký. Hiện đã hoàn thành 2 tập, viết về giai đoạn tuổi thơ và những biến cố trong cuộc sống. Tập thứ 3 viết về bạn bè và những chuyến đi đang được viết tiếp.

+ Cảm ơn ông đã trò chuyện và chúc ông tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm hay!

Nhà thơ Ngô Văn Phú sinh năm 1937, tại Mê Linh, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1970.

Ông đã nhận được gần 30 Giải thưởng: Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ, của Báo Văn học, Hội Văn nghệ Hà Nội, Giải thưởng 5 năm Văn học Hùng Vương của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú; Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1