Điểm lại những giải thưởng văn học gần đây

10:49:00 29/09/2014
(Toquoc)- Mặc dù chưa vào “mùa giải thưởng văn học” (thường diễn ra bắt đầu từ tháng 10 cho đến hết năm) với các giải thưởng văn học được quan tâm (Giải Hội Nhà văn Hà Nội, Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, giải thường niên Hội Nhà văn, giải tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam và giải cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhưng một số giải thưởng văn học vừa mới trao gần đây đã tạo nên sự chú ý trong đời sống văn chương đương đại.

Đầu tiên phải kể đến giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ V, Giải Sách hay của Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục (Viện IRED) (tôn vinh thể loại sách Thiếu nhi, Văn học) và giải thưởng Văn học đề tài công nhân. Các giải thưởng này đã quy tụ gần như đầy đủ đội ngũ sáng tác, dịch thuật dành cho văn học. Từ sách văn học trong nước đến sách nước ngoài, từ văn học thiếu nhi, văn học trẻ, văn học của những người lao động nghiệp dư đến những sáng tác của các nhà văn chuyên nghiệp…

Chờ đợi và hi vọng vào văn học trẻ

Mặc dù giải thưởng cao nhất của Văn học tuổi 20 lần thứ V đã tìm được chủ nhân với nhiều yếu tố mang tính “phát hiện”: là tác giả còn trẻ - thế hệ 9X, mới 23 tuổi, mới chỉ có một truyện ngắn xuất hiện trên báo, hiện đang sống ở Hà Nội… Tác phẩm Người ngủ thuê nhận được sự đánh giá cao về nội dung và cách thể hiện mới mẻ của Hội đồng chung khảo… Tuy nhiên, tất cả những điều ấy, chưa phải là một cái “tem đảm bảo” cho chặng đường văn chương phía trước của Nhật Phi. Tác phẩm “Người ngủ thuê” chỉ khiến độc giả hi vọng và đủ kiên nhẫn chờ đợi, hoặc “có lý do” chờ đợi để Nhật Phi cho ra đời những tác phẩm sau này hay hơn chứ chưa khiến độc giả “no đủ, thỏa mãn” trong một cuộc thi quy tụ số người viết, số tác phẩm dự thi khá lớn.



Lễ trao giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ V (Ảnh: Internet)

Với giọng văn chầm chậm, không ráo riết, tốc độ để nhanh chóng đi đến cái đích cuối cùng nhưng tác giả lại đi theo một “đường tắt” mà quên những “ngã rẽ” đầy hiện thực, đa dạng và phức tạp của cuộc sống để diễn đạt thông điệp theo cái ý chủ quan của mình. Thành ra tác phẩm là thể loại truyện dài nhưng chưa vạm vỡ, chưa bao quát như một truyện dài, cảm giác như một truyện ngắn - tác phẩm khởi đầu mà chính tác giả tâm sự.

Vậy những ngã rẽ ấy là gì?

Tác giả đã có cái nhìn đơn giản ngay từ điểm nhìn đầu tiên - ý tưởng khi đặt bút viết “Người ngủ thuê” khi cho rằng “ngủ thuê” là một công việc thấp kém, đáng xấu hổ, chỉ làm tạm thời... Vì thế nên nhân vật chính giấu gia đình, không muốn bạn bè biết, đầy mặc cảm, tự ti trước các mối quan hệ xã hội… Trong một tác phẩm của Hồ Anh Thái, nhà văn có viết rất thực và rất cay, đại ý; chúng ta đều nghĩ công việc hiện tại thấp kém và không cao giá so với năng lực bản thân nên chỉ làm tạm thời. Liệu những người ngủ thuê trong Happy Time của Nhật Phi có như thế không?. Một xã hội vận động và phát triển đều phải tồn tại và bình đẳng giữa các công việc chứ. Tại sao ngủ thuê lại chỉ coi là dành cho người chỉ biết ăn và ngủ, không biết làm gì. Để trở thành người có thể đi ngủ thay cho người khác bất cứ giờ giấc nào cũng phải có một khả năng đặc biệt - khả năng dễ ngủ chứ không phải ai cũng làm được. Bất kỳ lúc nào có yêu cần ngủ là ngủ được, không mệt mỏi, trằn trọc, không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân… Đó là sự phân công của xã hội. Cũng như người được trời ban cho ai đó một mái tóc đẹp thì đi làm mẫu tóc, một chất giọng hay thì đi hát… Hoàn toàn có khả năng có người cả đời đi ngủ thuê cho người khác như một cái nghề và cả đời đi thuê người khác ngủ như một sự chung sống phải biết chấp nhận. Chả nhẽ trong cái xã hội “Người ngủ thuê” đầy hiện đại không có ai thay ca đổi lịch một cách khoa học để họ gắn bó với nghề như biết bao công việc ca kíp khác đã và đang tồn tại trong cuộc sống thực hôm nay?

Tác giả dẫn dụ độc giả vào câu chuyện mang yếu tố giả tưởng khi sử dụng connector (máy kết nối) được gắn vào cơ thể con người với vai trò phát tín hiệu và nhận tín hiệu. Theo đó, người thuê ngủ, dù không phải ngủ vẫn có thể nhận toàn bộ năng lượng của người ngủ thuê… Xin tạm gạt đi những tranh luận về sự giản đơn của connector, rằng có hợp lý không, nếu nó xuất hiện thì bối cảnh trong tác phẩm có cần phải thay đổi không, có kéo theo những máy kết nối khác ra đời như kết nối trí tuệ, sức khỏe… của con người hay không v.v… Nghĩa là ta cứ đồng ý với những gì tác giả bày đặt ra trong tác phẩm Người ngủ thuê, thì quả thực nếu trên đời có nghề “ngủ thuê” cũng thật tốt biết bao. Ngủ thuê không chỉ đơn giản dành cho người quá bận rộn công việc, họ không muốn mất thời gian vào giấc ngủ mà còn dành cho người già, người bị mất ngủ - thành một thứ bệnh đang ngày càng gia tăng và tốn không biết bao thời gian, công sức và tiền của để chữa. Những đối tượng này hoàn toàn có nhu cầu được người khác ngủ thuê và cảm ơn, nếu thực sự có. Thế nhưng ở tác phẩm chỉ đề cập đến những người quá bận rộn. Để rồi sau đó họ nhận ra được ngủ thay không hạnh phúc như họ tưởng, nhanh chóng từ bỏ và đi đến cái kết có hậu.

Có một chi tiết rất hay được tác giả đề cập đến khi viết về khách hàng tên Q, một cô gái trẻ đầy hiếu thắng, tham vọng phải chứng minh sự thành đạt của mình, trong cơn lốc của công việc, mục tiêu cuốn lấy cô, khiến cô phải thuê đến ba người ngủ. Sau cuộc gặp với Phi cô thành thực muốn anh dạy cho cách để ngủ vì bản thân đã quên cách để ngủ. Những tưởng giấc ngủ không có gì xa lạ với con người, thế mà vì bận rộn, vì phải thuê người ngủ thay mà con người ta quên đi cách để đi vào giấc ngủ cho bản thân. Đây có thể xem là chi tiết đắt giá, khác biệt, khó đoán trước và bất ngờ nhất trong tác phẩm Người ngủ thuê. Tiếc rằng, cũng vì chi tiết này người đọc lại băn khoăn tự hỏi, liệu nhân vật chính chuyên đi ngủ thuê bao nhiêu năm kia có dễ dàng từ bỏ công việc ở Happy Time để trở về với niềm đam mê hội họa và một công việc ở công ty giải trí như tác phẩm không, hay chính chàng cũng vật vã chống chọi lại với thói quen, với công việc cũ, rằng cứ đến giờ ấy lại buồn ngủ và lăn ra ngủ không?. Hoặc phải mất bao lâu người ta mới từ bỏ được thói quen đó. Tác giả để trống quá nhiều ngã rẽ, mà rất có thể, chỉ cần rẽ ngang một chút, câu chuyện và cái kết đã đi theo một hướng khác.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, dù tác phẩm đoạt giải cao nhất chưa làm thỏa mãn cái sự đọc của một ai đó thì về cơ bản cuộc thi đã gặt hái được những thành công nhất định. Cuộc thi cho thấy dòng văn học trẻ đang có những chuyển động mạnh mẽ chứ không tẻ nhạt, chậm chạp như nhiều người tưởng. Nhiều tác giả trẻ cùng lúc được giải thưởng đã có thêm một cuốn sách mới đánh dấu sự trưởng thành của ngòi bút. Đây cũng được xem là chuyển động tích cực mang tính chuyên môn, thiết thực của văn học trẻ, khi mà một số hoạt động văn chương dành cho văn học trẻ ở các Hội chuyên môn còn nặng về bề nổi, về hoạt động lễ lạt, giới thiệu.

Đôi điều về giải thưởng dành cho Công nhân và giải Sách Hay

Cuộc vận động sáng tác viết về đề tài công nhân và Công đoàn Việt Nam (CN&CĐVN) giai đoạn 2009 - 2014 đã được Tổng LĐLĐVN, Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết và trao 32 giải thưởng cho các tác giả. Với hai thể loại thơ và văn xuôi được sáng tác trong vòng 5 năm trở lại đây với trên ba mươi giải thưởng từ cao đến thấp đủ để thấy đây là một mùa giải thưởng khá bội thu. Đáng chú ý, giải cao nhất không hề eo hẹp, có tới 4 tác phẩm được vinh danh, chia đều cho cả thơ, văn xuôi. Hai giải nhất thể loại thơ thuộc về tác phẩm “Rừng cổ tích” của tác giả Đặng Bá Tiến; “Xóa đi và không xóa” của tác giả Hoàng Việt Hằng. Còn hai giải nhất thể loại văn xuôi được trao cho tác giả Trần Tâm với bộ tiểu thuyết 4 tập “Đất bỏng” và tác giả Bùi Việt Sỹ với tác phẩm “Dòng sông chối từ”. Bốn tác giả của bốn giải nhất này dù từng có quãng thời gian là những người lao động nhưng họ đều là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhìn vào các tác phẩm được giải cao trong cuộc vận động thì thấy không quá xa lạ trong đời sống văn chương, ít nhiều đã được giới thiệu trên các báo, tạp chí cũng như phản hồi của độc giả. Tuy nhiên để tạo nên cơn sốt hay sự chú ý đặc biệt thì chưa hẳn. Vậy thì với số lượng giải thưởng khá đông đảo có tác động đến đời sống văn chương?

Khi các giải thưởng văn chương được trao chúng ta thường quá kỳ vọng vào tiêu chí nghệ thuật. Thế nhưng ngay cả giải thưởng văn chương được đánh giá mang tính nghề nghiệp chuyên môn cũng còn có nhiều tranh cãi. Trong khi giải thưởng viết về đề tài Công nhân và Công đoàn được xác định là dành cho những cây bút chuyên và không chuyên đã từng gắn bó với cuộc sống của người lao động. Bên cạnh các tác giả là nhà văn, giải thưởng đã quy tụ nhiều cây bút là những người công nhân lao động lần đầu viết về cuộc sống, công việc của chính bản thân mình một cách chân thực, xúc động. Nếu như người cầm bút không xuất thân từ người lao động, trải qua lao động thì khó có thể có những tác phẩm đi sâu vào cuộc sống cần lao với nỗi niềm đau đáu, tâm can. Nhà văn Trần Tâm với bộ tiểu thuyết Đất bỏng đồ sộ dày 4 tập có trên 30 năm làm công nhân mỏ. Am hiểu công việc, vùng đất mình gắn bó lao động, sinh sống đã trở thành nguồn tài liệu và cảm hứng dày dặn cho tác giả đặt bút viết.

Dù không phải chọn mặt chỉ tên được tác phẩm đỉnh cao cho văn học nhưng cái được của giải thưởng sẽ đem đến động lực, sự khích lệ, cổ vũ người lao động cất lên tiếng nói của mình cho văn chương. Đọc tác phẩm của họ, độc giả có thể thấy được tinh thần, tâm tư tình cảm, cuộc sống, công việc của người lao động trong mỗi giai đoạn. Đây cũng là điều cần thiết, thiết thực.

Còn về giải thưởng Sách Hay năm 2014 của viện IRED lại xảy ra rất nhiều tranh cãi. Nếu như giải thưởng văn học công nhân quy định tác phẩm ra đời trong vòng 5 năm thì giải Sách Hay dường như quy định này chưa thật chặt chẽ. Bởi giải Sách Hay hàng năm đều được lựa chọn và trao thì việc tác phẩm ra đời trong vòng 5 năm trở thành quá cũ kỹ. Hoặc nói cách khác, nếu năm nay không trao thì năm sau vẫn có thể trao được. Trong khi đó, ở giải năm 2014 các cuốn sách được vinh danh gần như là sách xuất bản từ rất lâu, khá quen thuộc với độc giả, đã được ghi nhận, lại từng được giải thưởng văn chương. Không những thế, mới đây nhất giải còn trao cho cuốn sách tái bản với nhiều lỗi cẩu thả.

Đặt hai giải thưởng cạnh nhau, một giải Văn học Công nhân, một giải Sách Hay thấy rõ sự khác biệt trong tiêu chí lựa chọn giải thưởng. Một bên tôn vinh giá trị tác phẩm là chính, bất kể tác giả là ai, còn một bên chú trọng dành cho đối tượng là người lao động. Nhưng rõ ràng, phản ứng của dư luận lại khác nhau trước hai giải thưởng. Đó là do cách làm, là tiêu chí của Ban tổ chức.

Vì thế, giải thưởng Sách Hay cần đưa ra một quy chế chặt chẽ hơn, phù hợp với tâm lý đón nhận độc giả và tình hình xuất bản ở Việt Nam, tránh trùng lặp với các giải thưởng khác. Bên cạnh giải thưởng Sách Hay của viện IRED, hàng năm Hội xuất bản Việt Nam còn có giải về Sách (Bao gồm Sách Hay và Sách Đẹp), rồi với ngành nghề chuyên biệt lại có những giải thưởng riêng. Nếu không có tiêu chí cụ thể thì giải thưởng Sách Hay khó tìm được uy tín, chưa kể không khéo có cũng như không.

Văn học nghệ thuật hay bất cứ ngành nghề nào cũng rất cần giải thưởng để vinh danh những đóng góp, giá trị một cách kịp thời. Nhưng để tạo uy tín cho một giải thưởng phụ thuộc vào cách làm của đơn vị tổ chức.

Hiền Nguyễn


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1