Đỗ Vĩnh Bảo: Hành trình từ báo sang văn

08:00:00 16/09/2014

Việc nhà văn viết báo "để thêm vào mà sống", mà nuôi văn, cách đây 30 năm, 40 năm, còn là sự hiếm. Là hiếm, nên người viết thì tự nhận là thể nghiệm xem sao, còn nhà quản lí thì có anh cau mày: "À, ông định bỏ báo theo văn như cái cách chơi trèo à? Thử xem...". Rồi ra, cũng thuận dần, như bây giờ, thì nhiều ông bà tay văn tay báo đều tỏ ra được cả, tay nọ nâng tay kia, mặc dù số này không nhiều, còn phần đa, đều là gắng gỏi kiếm sống cầu danh. Cầu danh hay cầu lợi, mà làm cho ngay ngắn và công phu, thì đều quý cả.

Nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo.

Trong sự chuyển hóa này, xem ra Đỗ Vĩnh Bảo là người đi sớm, nhất là trong khối báo - văn dân sự, công chức. Ngót 50 năm trước, ông là nhà báo trai trẻ tại Khu tự trị Việt Bắc. Khi chuyển về quê lúa Thái Bình, thoạt đầu ông làm báo: Phóng viên, sang Thư ký tòa soạn, Ủy viên Ban biên tập báo tỉnh... rồi từ 1978, về Hội Văn nghệ tỉnh, nhận công việc Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Từ đây, nhà báo Đỗ Vĩnh Bảo dần dần trở thành nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo. Người ta thấy ông hầu như không viết nhật báo nữa. Đây cũng là một cái khác của ông. Ông thấy làm báo đến vậy là đủ rồi ư? Hay là ông mê "nàng văn" hơn "chàng báo"? Người ta kể một mẩu chuyện về Đỗ Vĩnh Bảo dạo còn làm báo thế này:

Một cộng tác viên Báo Thái Bình đã mấy năm, tin thì viết được mà bài báo thì chưa hay. Đỗ Vĩnh Bảo tiếc cho ông, nên có sửa đi chút ít. Bài đăng được, cố nhiên, vẫn để tên ông kia. Ông cộng tác viên băn khoăn lắm, chứ không dám mừng. Ông tìm cách giáp mặt người giúp đỡ. Tìm mãi thì cũng biết, không gặp Đỗ Vĩnh Bảo ở tòa báo được, ông theo về tận nhà, trò chuyện, hỏi han, rồi ngập ngừng tặng nhà báo một bị cói, trong đó có nếp, đậu, trứng gà... rồi vội xin phép về ngay, kẻo sợ chủ nhà không nhận. Ông khách đi rồi, Đỗ Vĩnh Bảo đạp xe ra khỏi nhà, thấy ông khách vừa đi vừa chạy gằn mãi hơn mười cây số mới về đến làng. Mấy hôm sau Đỗ Vĩnh Bảo tìm đến nhà người cộng tác viên, tặng ông chiếc xe đạp, gọi là "Để các cháu đi học, hay để bác đi đâu cho tiện", rồi đi ngay, bởi cũng sợ chủ nhà ngại ngùng mà không nhận.

Đỗ Vĩnh Bảo cũng như Bút Ngữ, Nguyễn Văn, Bùi Công Bính, Nguyễn Khoa Đăng... ở Thái Bình những năm 1970, 1980 ấy, đều có nhiều bạn và giúp bạn nhà nông kể chuyện tam nông trên báo chí đại thể như vậy.

Vài ba chục năm nay, thấy Đỗ Vĩnh Bảo sáng tác đủ các loại truyện với thành quả dày dặn dần lên, tôi đồ rằng ông đã thấm thía cái sức mạnh tổng hợp cùng sự mầu nhiệm của hình tượng văn chương mà quyết viết văn, chứ nếu viết báo, dẫu quen tay, có tác động tức thời, và cũng được nhiều tiền hơn, nhưng vẫn khó có sự khái quát và sức sống lâu dài như các hình tượng của sáng tác văn chương chăng?

Chưa hỏi được ông xem ước đoán thế có đúng không, thì lại đọc, thấy Đỗ Vĩnh Bảo cho hay là:

"Đã là truyện, tiểu thuyết, tôi nghĩ, dù nông hay sâu, bao giờ cũng chứa đựng một tư tưởng triết học, nhân văn nào đó, như là tư tưởng nhà truyền đạo trong cõi đời này. Và trước hết, phải hấp dẫn, để đáp ứng nhu cầu giải trí của người đọc. Có như thế, văn chương mới mong thực hiện được mục tiêu cuối cùng là thức tỉnh lương tri con người, hướng tới cái Đẹp" ("Nhà văn Việt Nam hiện đại" - NXB Hội Nhà văn, 2010, trang 196)

Như vậy, rõ ràng là việc chuyển từ báo sang văn của tác giả các sách "Gió miền châu thổ" (truyện, 1979), "Bông hoa lửa trắng" (truyện vừa, 1980 -1981), "Con dao nắm bạc" (truyện vừa, 1987), "Quyền được yêu" (1988), và một loạt tiểu thuyết gần đây, rất có tính chất chuyên đề như "Ngu Thần" (2004), "Cõi tiền" (2009), "Những chuyện hão huyền và..." (2014) là xuất phát từ một sự nung nấu và quyết tâm nghề nghiệp trên cơ sở vốn đời đã sẵn, lao động viết đã có nhiều trải nghiệm.

Là nhà báo viết văn chứ không phải là nhà văn tạt sang làm báo nên xem ra, cái cách "quản lí đề tài" của Đỗ Vĩnh Bảo cũng có khác. Cái khác này đã khiến ông đạt được thành tựu mà có lẽ ông chưa chắc đã đoán định được thật rõ ngay từ đầu, ấy là: Nếu ai đó muốn làm một bảng thống kê về văn xuôi Việt Nam vài ba chục năm gần đây, hẳn sẽ thấy: Khi viết "Quyền được yêu", Đỗ Vĩnh Bảo đã có một cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về ngành Dầu khí, với tiểu thuyết "Ngu Thần", ông lại là người đầu tiên viết về ngành nuôi trồng, thu hoạch cao su (hình như cho đến nay, ngành nghề này cũng chưa mấy ai viết thành truyện?). Còn với cuốn "Cõi tiền" thì Đỗ Vĩnh Bảo cũng ở trong nhóm rất ít tác giả như Nguyễn Việt Hà dạo trước, đã viết riêng về một ngành là ngành Ngân hàng trong một cuốn tiểu thuyết.

Theo hướng nhìn nhận này, tôi thấy ông có tập truyện vừa "Bông hoa lửa trắng" (NXB Măng Non TP Hồ Chí Minh, 1981) cũng rất đáng chú ý. Trong cuốn sách dày 100 trang này, nhà văn kể, dựng nhiều về những ngày thơ ấu của Đinh Trọng Lịch, như là một cách lí giải về tình đồng đội chân thành thắm thiết và sự tích anh hùng của người chiến sĩ trẻ khi anh dũng cảm và mưu trí truy bắt bọn trộm cướp tài sản của Nhà nước. Với tác phẩm hấp dẫn tuổi thiếu niên này, nhà văn đã vinh danh những chiến sĩ CAND.

Cố nhiên, nhà văn viết về ngành nọ hay địa phương cụ thể nào kia, đâu chỉ là kể chuyện nghề chuyện làng nơi ấy, mà trước hết và trên hết, là "nói" chuyện đời và chuyện người trong cõi nhân sinh. Tiểu thuyết "Những chuyện hão huyền và..." mới ra mắt bạn đọc đầu năm 2014 này là như thế. Và trước đó, với các tiểu thuyết vừa nhắc tên ở trên cũng là như thế.

Tiểu thuyết "Quyền được yêu" (NXB Lao động, 1988) kể với ta những chuyện "không đơn giản tí nào" xoay quanh quan hệ công việc của các cặp nhân vật Trần Minh - Quyền Trưởng phòng Kỹ thuật và vợ là Yến - kĩ sư địa hóa; Tưởng - Trưởng phòng Vật tư và Hùng; rồi Hùng với Yến; rồi Minh với Thư - cán bộ trung cấp... Từ công việc, tính cách họ rõ dần, sự gần gũi nhau hơn và chia tách nhau ra là tất nhiên. Sự cố một dàn khoan sâu bị sụt chân vào lòng đất gây thiệt hại lớn khiến Minh vốn là người miệt mài nghiên cứu bị liên đới mà mất chức. Hùng thay Minh và tìm cách trộm cắp số liệu khoa học của Minh để tiếp tục ngoi lên cùng Tưởng để dễ bề đục khoét. Giữa cảnh hoang loạn, Đoàn chuyên gia Liên Xô và Ban Giám đốc tìm hiểu lại tình hình rồi xác minh lại công lao nghiên cứu của Minh, họ mang ra áp dụng, kết quả tốt. Công ty có công tìm ra mỏ dầu và khí đốt cho đất nước.

Tiểu thuyết cũng cho thấy sự tan vỡ của gia đình Minh - Yến, vì Yến đẹp mà ích kỉ, lại chỉ muốn chồng giàu nhanh chứ đừng nghiên cứu khoa học, nên khi gặp Hùng - là tay có tiền và nhà to - thì dan díu. Còn Minh gặp Thư, cùng làm việc cùng hiểu nhau mà nên vợ chồng.

Trong tiểu thuyết "Ngu Thần" (NXB Hội Nhà văn, 2004) nhà văn lại kể "chuyện đời không đơn giản" ở một chuỗi tình huống khác: Duệ và Hưng yêu nhau từ hồi còn ở Trường Sơn. Chiến tranh, họ lạc nhau, người này tưởng người kia đã hy sinh, rồi cả hai đều có gia đình riêng. Làm việc trong ngành cao su, khi phát đạt lúc gay go, họ đã trưởng thành dần thành cán bộ lãnh đạo, nhưng chuyện tình xưa nghĩa cũ của họ thì không dừng được mà phát triển lên - họ có con với nhau. Để giữ uy tín cho cán bộ cấp dưới, tạo ổn định cho nông trường, Tổng giám đốc Công ty Cao su Lâm Phú - cấp trên của Hưng và Duệ đã ra tay thu xếp... Nhưng chồng của Duệ phát ghen quá mức, rồi mẹ đẻ, mẹ chồng và con của Duệ chết, Duệ hoảng loạn.

Câu chuyện về những người đồng đội một thời, vốn là người ngay thẳng, có thành tích chiến đấu, sang thời mới, lại gặp cảnh éo le trắc trở có cơ rơi vào vòng lao lí đi vào đoạn chót với lời nhân vật "Chúng ta tự làm khổ nhau, đầy đọa nhau quá nhiều rồi. Đừng làm khổ thêm những người xung quanh nữa...". Ngẫm ra, đó cũng là thông điệp của tác giả, khiến người đọc cũng ngẫm ngợi thêm.

Sự liên kết của ngân hàng với kinh doanh bất động sản là một xu thế tất yếu trong đời sống kinh tế xã hội gần đây, bao nhiêu thành công và không ít đổ vỡ có tính dây chuyền cũng từ đó mà ra. Tiểu thuyết "Cõi tiền" đã phơi bày phần ghê tởm của con người khi mê đắm vào việc kiếm tiền mà tàn hại nhau, dồn nhau vào chỗ kẻ thì bị thiêu chết, kẻ thì bị xe đâm hất xuống vực, có người là anh hùng lao động thì thất cơ lỡ vận... Tiểu thuyết có cách dựng nhân vật và cảnh quan mang nhiều yếu tố kịch - điện ảnh, thiên về gợi tả đủ để hình dung, khiến cho sự "vật lộn" của các mưu đồ và thủ đoạn, và mấy pha làm tình của ông chủ già với cô gái bằng tuổi cháu hay chàng trai trẻ làm đĩ đực cho người đàn bà gấp đôi tuổi mình... không sa vào rùng rợn và nhầy nhụa. Làm chủ ngòi bút với sự tiết độ như thế, tác giả đã để cho người bị vô hiệu hóa đến kết truyện, lại là người trở thành Tổng giám đốc, đưa ngân hàng vào cuộc cổ phần hóa mà hội nhập quốc tế.

Viết chuyện ngành mà không sa vào chi tiết quá riêng của ngành nghề, lại cho thấy được sự quả cảm sáng trong của con người đang chiến thắng chính phần dở phần sai ở mình là một dụng ý của Đỗ Vĩnh Bảo, cũng là một thành công và đóng góp đáng ghi nhận của ông


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1