Giản dị và bất ngờ

06:53:00 27/02/2015

(HNM) - Chu Thanh Hương hiện là thượng úy của Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Lạng Sơn. Cây bút trẻ vừa bước vào tuổi 30 này từng xuất hiện khá điềm đạm nhưng ấn tượng và bất ngờ với giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" 2007-2010 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Lặng lẽ viết, đầu tháng 2 vừa qua, nữ chiến sĩ - nhà văn đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn" (NXB Công an nhân dân).



Hấp dẫn, kịch tính và bất ngờ đến tận phút chót, đó là những gì mà cây bút trẻ của lực lượng công an - nhà văn Chu Thanh Hương đã dẫn dắt bạn đọc qua gần 500 trang sách trong cuốn tiểu thuyết mới của chị.

Như tên gọi "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn" kể về cuộc đấu trí giữa lực lượng công an và băng cướp nổi tiếng ẩn náu trên những hang núi hiểm trở của dãy Phụng Hoàng thuộc một tỉnh miền núi phía Bắc. Cuộc đấu trí, đấu sức gay go này đã diễn ra không chỉ qua các trận đánh, không chỉ dừng lại ở việc những tên thủ lĩnh phải trả giá, thành viên băng cướp bị quản thúc cùng với một bản cam kết bí mật cất giấu trên đỉnh núi, mà thực tế là kéo dài đến gần đời người mới có thể khép lại. Điều đáng nói nhất là toàn bộ những diễn biến của cuộc đấu tranh đã không diễn ra trên mặt phẳng "2D" theo kiểu phân tuyến thiện - ác đơn giản mà day dứt ở chiều sâu trong thân phận từng con người. Trong những cuộc đấu trí đó, Thiếu tướng Trần Đình Dũng là hình tượng xuyên suốt tác phẩm, lúc gần, lúc xa, lúc ẩn, lúc hiện nhưng luôn cho thấy một ứng xử có tầm, một trí tuệ sắc sảo.

Theo chia sẻ của tác giả thì tướng Dũng có nguyên mẫu xúc động từ một vị chỉ huy xuất sắc trong lực lượng công an, cụ thể là qua cuộc đấu tranh của ông với băng nhóm chuyên cướp xe khách. Tuy nhiên, hình tượng vị Thiếu tướng này được xây dựng chủ yếu qua cuộc đời chiến sĩ phá án, ít có những góc khai thác về đời sống riêng tư. Trong khi đó Sơn Núi, một trong ba thủ lĩnh của băng cướp, kẻ vừa tôn trọng, thấu hiểu tướng Dũng và đối trọng với ông lại được khắc họa chi tiết, sống động gắn liền với bối cảnh đất nước sau chiến tranh và công cuộc chuyển đổi đi lên đầy nhọc nhằn của cả xã hội. Có thể thấy rõ, Chu Thanh Hương đã chọn cách làm đậm nhân vật đối trọng nhằm đẩy hình tượng vị chỉ huy lên một cách tự nhiên, thuyết phục hơn.

Cuốn tiểu thuyết này cũng hấp dẫn nhờ tình huống dẫn dắt toàn bộ câu chuyện là một vụ bắt cóc con tin. Hành trình trốn chạy của kẻ bắt cóc, vốn là một thanh niên đang thẳng tiến trên đường công danh đã dần hé lộ toàn bộ lớp lang của câu chuyện thân phận những nhân vật liên quan, đặc biệt là những bước phá án đầy bất ngờ của tướng Dũng cùng đồng đội của ông. Vì là tiểu thuyết hình sự nên "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn" cũng giăng mắc rất nhiều chi tiết khiến người đọc vừa cảm thấy thú vị, vừa băn khoăn như làm sao mà trung úy Ngân có thể giấu thiết bị định vị và ghi âm trong suốt hành trình đồng hành cùng kẻ bắt cóc bí ẩn? Chia sẻ về vấn đề này, Thượng úy Chu Thanh Hương chỉ cười rằng "đó là bí mật nghiệp vụ"...

Giản dị trong văn phong kể chuyện, như chính tác giả chia sẻ thì cuốn tiểu thuyết này ít nhiều có sự đưa đẩy văn chương như tiểu thuyết "Hoa bay" từng giành giải trước đó. Điều này vừa mang lại cảm giác gần gũi, song đôi chỗ cũng khiến bạn đọc từng theo dõi chặng đường văn chương của Chu Thanh Hương lại có những tiếc nuối nhất định. Dẫu sao với "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn" cũng cho thấy, Chu Thanh Hương cũng như nhiều cây bút của lực lượng công an, quân đội khác, dù bước vào nghề văn khá giản dị nhưng ngày càng bộc lộ những tiềm năng rất đáng chú ý.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1