Kỳ 1: “Bụi đường” từ chuyến đi về rừng núi Bắc Kạn
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ chuyến công tác về Bắc Kạn năm 1982. Chuyến đi đó chính là nguồn cảm hứng cho tôi viết nên tiểu thuyết “Bụi đường” với nhân vật chính là anh lái xe đường dài và chị công nhân làm đường.
|
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiếu |
Lễ khởi công độc nhất vô nhị
Đó là năm thứ 12 tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam phân công đặc trách theo dõi ngành GTVT. Mặc dù đã bắt đầu quen với những chuyến công tác cùng Bộ GTVT, nhưng tôi không khỏi bồn chồn sau khi đọc nội dung giấy mời. Vì đây là lần đầu tiên tôi cùng anh em phóng viên theo dõi ngành của các báo được đi tháp tùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng tiếng tăm lừng lẫy.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được lên vùng rừng núi Bắc Kạn, hồi đó được xem là xa xôi, hiểm trở. Và cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến lễ khởi công xây dựng con đường bê tông dài 30 km kéo dài từ Bắc Kạn qua Phủ Thông (địa danh nổi tiếng trong Kháng chiến chống Pháp, sau này càng nổi danh hơn vì ca khúc “Chiến thắng Phủ Thông” của nhạc sĩ Đinh Trọng Liên mà giai điệu sôi nổi của nó từng được dùng làm nhạc hiệu cho buổi tường thuật bóng đá của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Khung cảnh hôm đó chắc chắn sẽ là độc nhất vô nhị trong hàng nghìn lễ khởi công của ngành GTVT mà tôi dự trong cuộc đời làm báo gần nửa thế kỉ của mình. Một sườn núi đất được vạt như đánh ta luy dương để tạo ra một khoảng đất rộng, đủ dựng lên một kì đài bằng những cây tre, vầu mà đôi chỗ vẫn còn mấu và lá xanh vì róc chưa kĩ.
Ngoài tấm băng vải đỏ dán hàng chữ cắt bằng giấy thủ công màu vàng chăng ngang cổng chào tre thì tất cả các khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên đến dự lễ động thổ”, đến những khẩu hiệu: “Quyết tâm hoàn thành đúng thời hạn con đường bê tông”, “Hồ Chủ Tịch muôn năm”… đều được kẻ bằng vôi trên những tấm cót trải dài hay trên những cái nong, mẹt đan bằng tre, nứa.
Một đoàn thiếu nhi, có dễ đến hơn 50 em áo trắng quần xanh, quàng khăn đỏ, đeo trống ếch, cầm cờ đuôi nheo xếp hàng ở hai cánh gà trước kì đài. Cứ mỗi khi đại biểu vỗ tay là các em lại gõ trống theo nhịp điệu và cùng phất cờ họa theo rất rôm rả.
Thị trấn Bắc Kạn dạo đó còn nghèo và hoang vu. Ngước mắt nhìn chỉ thấy ngút ngát núi đỏ rừng xanh. Chợ trung tâm Bắc Kạn cũng chỉ lèo tèo mấy cái lều lợp rơm. Bà con dân tộc xuống chợ bán lâm thổ sản đứng trên bãi đất còn loang lổ những vũng nước còn sót lại sau trận mưa đêm trước. Một anh người Tày mặc áo tả pù đen thấy đám phóng viên đứng nhìn chăm chú xác con báo, liền chỉ tay nói “mua đi, con báo cuối cùng đấy. Tao pắn (bắn) nó. Tao pán (bán) nó. Mua đi. Một nghìn đấy”…
|
Chị em phụ nữ tham gia làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: minh họa |
“Mẹ duy tu, bố lái xe lu, đẻ thằng cu đứng đường”
Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyến công tác đó là lần vào thăm nơi ở của chị em làm đường thuộc Đoạn Duy tu, bảo dưỡng Bắc Kạn. (Đây chính là cơ sở mà hơn một chục năm sau khi GS. TS. Bùi Danh Lưu làm Bộ trưởng Bộ GTVT đã vào thăm và tặng chị em quà, trong đó có đài bán dẫn để chị em nghe tin tức - NV).
Lán trại của chị em làm đường nằm dưới chân đồi Phủ Thông. Đó là những chiếc lán được dựng lên bằng tre nứa, từ cột, vách xung quanh và cả mái nứa đánh gianh. Những chiếc giường một cũng bằng tre kê sát nhau. Trên đó là những tấm màn xô màu chàm nhuộm lá rừng. Những chiếc gối cũ kĩ, màu chỉ thêu hình cánh hoa, con bướm và chữ “kỉ niệm” đã bạc màu. Những chiếc hòm gỗ như hòm của thợ đánh giày chứa đồ riêng tư của chị em đặt liền đầu giường.
Tuy ở trong lán nhưng gió rừng tiết đầu xuân vẫn từ khe thung, từ đầu rừng thổi ào qua khe hở của vách nứa tràn vào lạnh buốt. Trên xà lán dán một băng khẩu hiệu kẻ viết bằng phấn màu ghi rõ nội dung mà khi đọc tôi phải cố nén lắm mới không bật cười. “Đi ngủ lúc 9 giờ là chung thủy với người yêu”.
"Sau khi NXB GTVT in “Bụi đường” với số lượng một vạn bản bằng giấy thô, sẫm màu trên trang sách đôi chỗ vẫn hằn rõ sợi rơm, cuốn tiểu thuyết đã được hầu hết các xí nghiệp ô tô trong ngành mua về phát cho cán bộ, lái xe. Tôi cảm thấy vinh dự khi “Bụi đường” đoạt giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác về GTVT lần 2.
Nhưng hạnh phúc hơn cả là cho đến nay đã gần 30 năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, mỗi khi có dịp gặp tôi, những người đã từng là lãnh đạo (như nguyên Cục trưởng Cục Vận tải ô tô Bùi Quang Tựu, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Thanh, nguyên Giám đốc Công ty 2 Đỗ Trọng Khiêm) đến công nhân, tài xế… đều hỏi tôi “nhà văn “Bụi đường” vẫn khỏe chứ?”.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiếu
|
Dòng khẩu hiệu lại càng ám ảnh khi tôi trò chuyện với chị đội trưởng tên Nguyệt. Bằng giọng nói cố tạo ra vẻ hài hước, nhưng không giấu nổi nỗi buồn của người con gái luống tuổi: “Chúng em viết thế cho vui. Chứ cả đội hơn ba chục đứa, đã đứa nào có gì đâu. Chẳng qua thỉnh thoảng có vài ông lái xe tải rẽ vào tán lăng nhăng mấy câu. Đứa nào dại nghe theo thì...”. Chị bỏ dở câu chuyện.
Nghe chị nói, tôi chợt nhớ lần họp ở Cục Vận tải ô tô trước chuyến công tác này chừng một tháng. Hồi đó ngành Vận tải ô tô có chủ trương chạy xe chuyên tuyến. Mỗi tuyến xe đường dài phân hẳn cho từng xí nghiệp đảm nhận. Kiểu như Xí nghiệp Vận tải ô tô 2 (giờ là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển - NV) của Giám đốc Võ Tranh thì vận tải tuyến đường Tây Bắc.
Xí nghiệp Vận tải ô tô số 6 (giờ là Công ty Cổ phần vận tải 3- NV) của Giám đốc Lê Bình chạy tuyến Việt Bắc. Xí nghiệp ô tô số 6 (giờ là Công ty Cổ phần vận tải ô tô 6 - NV) lại chuyên vận tải quá cảnh sang Lào…
Nhờ chạy chuyên tuyến như vậy nên những chàng lái xe vận tải với những chiếc xe Mô nô, Giải phóng, Kamaz… đã gần như thuộc lòng từng đặc điểm con đường, những chỗ nguy hiểm, nơi nào có thể dừng chân.
Vì thế, mặc dù chất lượng phương tiện ngày đó còn rất hạn chế nhưng việc thực hiện kế hoạch phục vụ vùng cao đều được các xí nghiệp vận tải ô tô thực hiện tốt. Nhưng trong các đơn vị vận tải ô tô dạo đó cũng có một tỷ lệ nhỏ lợi dụng nhiệm vụ của mình để buôn lậu (thời đó gọi là đánh quả - NV) và quan hệ trai gái lăng nhăng…
Ở những đơn vị duy tu, bảo dưỡng hồi đó lý tưởng nhất là trong đơn vị có đủ công nhân nam, công nhân nữ. Lâu ngày lửa gần rơm, họ lấy nhau và hình thành nên những gia đình nhỏ. Một câu vè hồi đó đã mô tả khá chính xác hiện trạng của những gia đình công nhân làm đường thời đó “mẹ duy tu, bố lái xe lu, đẻ thằng cu đứng đường”.
Còn vất vả hơn là những đơn vị duy tu, bảo dưỡng đường thuần con gái. Trong đó, đa số là những thiếu nữ nông thôn đóng ở nơi hẻo lánh kề bên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua... Và cánh tài xế của các xí nghiệp vận tải ô tô thường nhằm vào những cô gái duy tu, bảo dưỡng… để trêu ghẹo, tán tỉnh.
Chứng kiến nỗi vất vả trong cuộc sống cùng những ao ước bé nhỏ và bình dị qua những câu chuyện tâm tình của những nữ công nhân duy tu, bảo dưỡng đang chuẩn bị tham gia làm đường bê tông, tôi càng thêm cảm thông với nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người con ngành GTVT.
Sau chuyến công tác đó, tôi liên tục xuống các xí nghiệp vận tải số 2, số 6 trò chuyện và nhiều lần ngồi trên ca bin cùng đi những chuyến công tác dài ngày với tài xế. Tôi đã trở thành bạn thân của các tài xế chạy tuyến Việt Bắc như: Anh Câu, anh Quế của Xí nghiệp 2; anh Khiêm, anh Thắng ở Xí nghiệp 6… Từ những câu chuyện và thực tế của họ, trong tôi hình thành cốt chuyện của tiểu thuyết “Bụi đường” mà nhân vật chính là anh lái xe đường dài và chị công nhân làm đường.
Nguyễn Hiếu