Gone Girl do đạo diễn David Fincher chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên năm 2012 của nhà văn Gillian Flynn. Sách rất cuốn hút, được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ nội dung hấp dẫn, lối kể chuyện gây tò mò và sự am hiểu tâm lý của tác giả.
Sức hấp dẫn của một câu chuyện ly kỳ
Bộ phim là câu chuyện về niềm tin đánh mất, khủng hoảng kinh tế và sự hỗn loạn của truyền thông. Cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng Nick và Amy Dunne (Ben Affleck và Rosamund Pike đóng) đang gặp khó khăn.
Nick là một nhà báo mất việc vì khó khăn kinh tế. Tuyệt vọng, anh đưa vợ từ New York hoa lệ về vùng quê Missouri và dùng tiền của vợ mở quán bar kinh doanh. Về phần mình, Amy ghét cay ghét đắng nơi ở mới vì cô chỉ thích New York.
Đúng ngày kỷ niệm 5 năm đám cưới của họ, người vợ mất tích. Nick trở thành nghi can số một vì anh được lợi từ sự biến mất của cô. Còn hơn thế, khi xuất hiện trước truyền thông, người chồng trông như một kẻ vô cảm. Sự thực đằng sau tai họa là thế nào?
"Gone Girl" đã được báo chí Mỹ ca ngợi hết lời, dù chưa chính thức ra rạp
Cuộc điều tra càng tiến triển, cảnh sát càng có thêm nhiều manh mối thì những bí mật trong cuộc hôn nhân của Nick và Amy càng được hé lộ nhiều trên màn ảnh. Nhật ký của Amy, những khoảnh khắc nhớ lại quá khứ, Nick thời hiện tại và các chi tiết điều tra xuất hiện đan xen nhau. Phim đặt cho khán giả nhiều câu hỏi, rằng đâu là thật và đâu là giả, giống như trong một trò chơi tâm lý.
Trang The Wrap nhận xét bộ phim nói về hôn nhân như một cuộc chiến đẫm máu và nước mắt, khi người trong cuộc đối đầu về hầu như mọi thứ: giai tầng xã hội, tiền bạc, tình dục, tương lai, sự trung thực…
Sách là “hiện tượng”, phim được khen “kiệt tác”
Hiện tại, khi chỉ còn 1 tuần trước khi Gone Girl ra rạp (3/10), sức nóng xung quanh tiểu thuyết gốc cũng tăng lên nhanh chóng. Truyền thông Mỹ khuấy động sự tò mò khi đăng nhiều bài viết so sánh giữa phim và sách, cũng như khuyến khích khán giả đọc sách trước khi xem.
Với tiểu thuyết gốc, những tờ báo uy tín như New Yorker, New York Times, Time, Publisher's Weekly đều có lời khen ngợi. 2012 là năm của tiểu thuyết khiêu dâm Fifty Shades Of Grey, nhưng giới phê bình cho rằng hiện tượng thực sự về chất lượng là Gone Girl. Thực tế sách cũng bán khá chạy, với doanh thu đạt gần 2 triệu bản.
Cũng như loạt tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng trước đó là bộ Thiên niên kỷ (tập đầu mang tên Cô gái có hình xăm rồng) của nhà văn Thụy Điển Stieg Larsson, Gone Girl vẫn bị đánh giá thấp ở các giải thưởng, chỉ vì thuộc thể loại trinh thám. Nhưng càng về sau, sách càng được làm rõ giá trị và đến nay nó đã được công nhận xứng đáng.
Trong khi đó phim chuyển thể được thực hiện dưới bàn tay của 2 nhà làm phim có tài là Ben Affleck và David Fincher. Bộ phim được tờ Los Angeles Times nhận xét là “không thể hoành tráng hơn”. Tờ báo này còn dành từ “kiệt tác” cho phim, cũng như nhận định đây là đỉnh cao của đạo diễn David Fincher.
Tờ Rolling Stone cho rằng bộ phim hay đến mức “gây sốc”. Tờ New York Times thì hướng sự chú ý vào diễn xuất và tâm lý của nhân vật nam chính của Ben Affleck.
Mặc dù vậy, nữ diễn viên chính 35 tuổi Rosamund Pike - cái tên mới toanh của làng điện ảnh, cũng ít nhiều gây chú ý. Báo chí dự đoán cô là sẽ ngôi sao mới nổi của điện ảnh năm nay.
David Fincher, một nhà làm phim xuất sắc
Trước Gone Girl, David Fincher đã làm phim Cô gái có hình xăm rồng (The Girl with the Dragon Tattoo). Đây cũng là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám cùng tên lừng danh, đã ra mắt hồi năm 2005.
Ngoài ra, Fincher còn có các phim xuất sắc khác như Mạng xã hội (The Social Network, 2010), đã được đề cử Oscar Phim hay nhất; Dị nhân Benjamin (The Curious Case Of Benjamin Button, 2008); Hoàng đạo (Zodiac, 2007), Sàn đấu sinh tử (Fight Club, 1999) đều chuyển thể từ sách văn học cùng tên.
|
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa