Không nên "nhắm mắt đi đêm"

10:16:00 19/05/2015
QĐND - Trong suy nghĩ của Bác Hồ, sách báo vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là “người thầy” chỉ bảo ân cần. Yêu sách báo, quý trọng người làm ra những cuốn sách hay, tờ báo tốt nhằm bồi bổ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt đối với các nhà văn, nhà thơ và nhà báo.

Thông thường, muốn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, ngoài kiến thức đã được trang bị ở trường và kinh nghiệm thực tiễn, mỗi người phải chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ và mở rộng tầm hiểu biết. Trong đó, việc thường xuyên đọc sách báo, tạp chí là một trong những phương pháp học tập có hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông đọc báo. Ảnh: DUY VĂN

Tuy nhiên hiện nay, một số cán bộ, đảng viên ít quan tâm đến việc đọc sách báo, nhất là những cuốn sách và tạp chí chuyên ngành có hàm lượng tri thức và khoa học cao. Tôi từng chứng kiến một cán bộ quản lý ở cơ quan nọ rất ít khi đọc báo in, chứ chưa nói gì đến những quyển sách dày hàng trăm trang. Bởi trong suy nghĩ của anh, sách báo là một cái gì đó “hơi bị” lý luận, sáo rỗng và xa rời cuộc sống nên đọc chỉ mất thời gian, đau đầu và mỏi mắt (!). Nếu có cầm tờ báo nào trên tay, anh cũng thường chọn và chỉ chú ý đọc những chuyện vụ án ly kỳ, giật gân, đời tư những "người của công chúng”. Còn những bài xã luận, bình luận, trao đổi, nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn... thì anh không mấy khi “để mắt tới”. Vì anh lập luận rằng, những bài báo như thế dài lê thê, nhiều danh từ, khái niệm, phạm trù vừa khô khan, vừa khó hiểu. Còn đối với việc đọc sách bấy lâu nay đã trở nên xa lạ với anh. Nếu có thời gian rỗi rãi thì anh dán mắt xem các chương trình giải trí trên truyền hình hay là vùi đầu vào tìm kiếm những thông tin “tò mò, câu khách” trên mạng.

Báo chí chính thống là một trong những kênh thông tin quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Còn sách là một kho tàng tri thức quý báu của nhân loại được đúc kết, truyền bá và tồn tại từ hàng ngàn đời nay. Nhiều bài học hay, nhiều kinh nghiệm quý, nhiều điều thiết thực, bổ ích từ thực tiễn cuộc sống được sách báo đúc rút, phân tích, lý giải, tuyên truyền, quảng bá sẽ đóng góp tích cực vào việc mở rộng và khơi sâu hiểu biết, nâng cao tầm nhìn cho cán bộ, đảng viên góp phần bổ sung vào hành trang tri thức của mỗi người ngày càng đầy đủ hơn. Thường xuyên đọc sách báo còn là thời cơ tốt để mỗi người tích lũy kinh nghiệm, tri thức, trau dồi khả năng xem xét, đánh giá, bình luận, lý giải và từng bước hoàn thiện nhân cách bản thân.

Còn nhớ lúc sinh thời, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ không bao giờ lơ là việc đọc sách báo. Vì trong suy nghĩ của Bác, sách báo vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là “người thầy” chỉ bảo ân cần. Yêu sách báo, quý trọng người làm ra những cuốn sách hay, tờ báo tốt nhằm bồi bổ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt đối với các nhà văn, nhà thơ và nhà báo. Có lần Bác tâm sự thành thật rằng: Tôi muốn là học trò nhỏ của của nhà văn vĩ đại Lép Tôn-xtôi. Đặc biệt, trong một bài đăng trên Báo Nhân Dân những năm 50 của thế kỷ trước, Bác đã từng nhắc nhở, phê bình những cán bộ, đảng viên lười đọc báo Đảng. Người khẳng định: "Nếu ai không xem, không nghiên cứu báo Đảng chẳng khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc".

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, không ai phủ nhận ưu thế và sức mạnh của các phương tiện nghe nhìn hiện đại và báo điện tử, nhưng vai trò của những tờ báo chính thống của Đảng, Nhà nước (như các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và các tạp chí: Cộng sản, Xây dựng Đảng, Tuyên giáo, Lý luận chính trị…) và các cuốn sách lành mạnh về văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật… vẫn có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tình cảm cao đẹp và tâm hồn trong sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, ai đó thờ ơ, chểnh mảng, hay có nhận thức không đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc về việc đọc sách báo là đang tự kìm hãm nhận thức, trí tuệ của bản thân và tự làm “tụt hậu” chính mình. Học tập và noi theo tấm gương thường xuyên đọc sách báo của Bác, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội tận dụng và khai thác một khối lượng tri thức, kinh nghiệm văn hóa khổng lồ từ các trang sách báo chính thống, lành mạnh.

THIỆN VĂN


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1