Mạch nguồn của nhà văn Nguyễn Trường Thanh là cuốn tiểu thuyết viết về đồng chí Phùng Chí Kiên, vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng chỉ huy căn cứ Bắc Sơn.
Phùng Chí Kiên (1901-1941), tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, còn có tên khác là Mạnh Văn Liễu, quê xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thông minh, hiếu học, năm 1925 đi làm thuê cho một thương nhân người Hoa ở ga Yên Lý, đồng chí thạo tiếng Hoa từ đó, cho nên sau này rất thuận lợi cho việc hoạt động ở Trung Quốc trong Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và học tập ở Trường quân sự Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch (thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác). Năm 1927, đồng chí tham gia Hồng quân Trung Quốc, là đại đội trưởng, tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu.
Đồng chí vào Đảng CS Việt Nam năm 1930. Năm 1931, theo giới thiệu của Bác Hồ, đồng chí được theo học ĐH Phương Đông của Quốc tế cộng sản tại Mát-xcơ-va. Năm 1934, đồng chí về Hương Cảng, tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập. Năm 1935, được bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài. Sau một thời gian về nước, năm 1938, đồng chí lại sang Côn Minh, Trung Quốc hoạt động, xuất bản Báo Đồng thanh, báo của Đảng ta ở nước ngoài.
Năm 1940, Phùng Chí Kiên gặp lại và gần gũi Bác Hồ trong mọi hoạt động tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và cùng Hồ Quang tháp tùng Bác về nước ngày 28-1-1941.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), do Bác chủ trì, một hội nghị quan trọng đề ra nghị quyết giải phóng dân tộc, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được cử trực tiếp Tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia Khởi nghĩa Bắc Sơn. Trước đó, đồng chí Phùng Chí Kiên và các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh... được Bác phân công viết sách "Con đường giải phóng dân tộc".
Cuối tháng 6-1941, hàng nghìn quân Pháp chia thành ba mũi tiến công mở cuộc càn quét lớn nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang mới hình thành. Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và Cứu quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), Ban chỉ huy Cứu quốc quân cử một tổ bảo vệ và dẫn các cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản qua Tràng Xá về xuôi an toàn.
Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá càn.
Ngày 21-8-1941, đơn vị bị phục kích tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Lương Văn Tri bị thương rồi hy sinh. Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn bắn chặn quân đối phương để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí bị giặc Pháp bắt.
Ngày 22-8-1941, quân Pháp đã thực hiện một hành động dã man chặt đầu đồng chí Phùng Chí Kiên rồi đem cắm ở đầu cầu Ngân Sơn để uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.
Cuộc đời đồng chí Phùng Chí Kiên là một cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, là một tấm gương của người chiến sĩ cộng sản trung kiên.
Năm 1947, đồng chí được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong hàm cấp tướng, là vị tướng đầu tiên của QĐND ta.
Sau đó, theo Sắc lệnh 110/SL ngày 20-1-1948, các đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng, Nguyễn Bình được phong hàm Trung tướng, các đồng chí Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng.
Tuy nhiên, do hoạt động thời kỳ bí mật, những tư liệu về đồng chí Phùng Chí Kiên còn lại không nhiều.
Nhà văn Nguyễn Trường Thanh, nguyên nhà giáo, Chủ tịch Hội Văn nghệ Lạng Sơn, là nhà văn chuyên viết về đề tài lịch sử, cách mạng. Ông đã có nhiều cuốn sách có giá trị như Kỳ tích Chi Lăng (Giải thưởng Hoàng Văn Thụ, 1995), Ở xứ hoa đào, Ngọn lửa Bắc Sơn, Hoa trong bão (Giải thưởng Hội LHVHNT Việt Nam, 1995), Một thời biên ải, Hoa bất tử, Phò mã Động Giáp (Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Hội LHVHNT Việt Nam, 2010)... Yêu và thông thuộc lịch sử Lạng Sơn, lại có bố vợ là cụ Hoàng Văn Hán, một cán bộ lãnh đạo của Khởi nghĩa Bắc Sơn, đề tài về đồng chí Phùng Chí Kiên là một ấp ủ lâu năm của ông. Để thực hiện đề tài này, ông đã về Nghệ An, quê hương cách mạng, đã sang Trung Quốc và các địa danh mà đồng chí Phùng Chí Kiên hoạt động để viết nên cuốn tiểu thuyết Mạch nguồn.
Qua những tư liệu phong phú, đầy đủ nhất từ trước tới nay, bằng tình cảm cách mạng sâu sắc, Nguyễn Trường Thanh đã viết nên một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn về một chiến sĩ cách mạng lão thành, một vị tướng huyền thoại. Cuốn sách có giá trị giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, đóng góp quan trọng cho thi pháp viết truyện lịch sử.
Tác giả vừa qua đời đầu năm 2015, nhưng Mạch nguồn và các tiểu thuyết lịch sử của ông, chắc chắn còn sống mãi trong các thế hệ bạn đọc.