Ngày 8/9, triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957, đã được khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Có sự tham gia đóng góp của bảo tàng các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên và Hưng Yên nên số lượng hiện vật được trưng bày khá phong phú.
Đây là lần đầu tiên, một vấn đề nhạy cảm như cải cách ruộng đất được giới thiệu trước công chúng tương đối rõ ràng và mạch lạc!
Sự kiện này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Giới thưởng lãm không chỉ đến xem những "vết tích" của một thời, mà còn là dịp hồi tưởng lại một giai đoạn nhiều cam go trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Những người tổ chức cũng muốn thông qua triển lãm để đưa đến cho xã hội một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, bên cạnh những thành tựu cũng có những bước đi lầm lạc ở cơ sở và những động thái chấn chỉnh khắc phục sai sót. Không thể nói khác, đó là một cách tôn trọng lịch sử!
Cải cách ruộng đất là một dấu ấn lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20 để xóa bỏ chế độ phong kiến. Gần như mọi giới, mọi ngành đã được lôi cuốn vào cuộc canh tân chấn động ấy.
Dư âm của Cải cách ruộng đất không chỉ còn lại trong những bức tranh cổ động và các hình ảnh tư liệu, mà còn trở thành đề tài sáng tác nghệ thuật. Bên cạnh kết quả nông dân có ruộng cày, Cải cách ruộng đất cũng gây ra nhiều xáo trộn sau lũy tre làng.
Ngay khi Cải cách ruộng đất vẫn diễn biến phức tạp, có hai tác phẩm gây xôn xao là tiểu thuyết “Thôn Bầu thắc mắc” của nhà văn Sao Mai và tiểu thuyết “Sắp cưới” của nhà văn Vũ Bão. Sự can trường của người cầm bút đã ít nhiều giúp nhân tâm được vỗ về và chở che trong sóng gió đời thường!
Thời gian càng lùi xa, Cải cách ruộng đất càng được nhìn nhận thấu đáo và khách quan hơn. Là một ông đội trực tiếp xuống địa phương tham gia cải cách ruộng đất, nhà văn Tô Hoài đã viết cuốn “Ba người khác” nhiều trăn trở.
Ngược lại, là một đối tượng trong gia đình liên quan đến chính sách cải cách ruộng đất, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã viết cuốn “Nước mắt một thời” nhiều suy tư!
Với triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 ngay tại Thủ đô, chúng ta đã biết cách soi rọi lại quá khứ bằng tư thế một dân tộc đang trưởng thành và dám nhìn nhận lại chính mình, cho dù nhìn thấy phía sau những điều không mấy dễ chịu!