Nhà quay phim Đỗ Phương Thảo và quà tặng của cuộc sống

07:00:00 25/07/2015
SKĐS - Hàng chục năm nay, ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một địa chỉ nghệ thuật uy tín của công chúng mộ điệu và giới nghệ sĩ tên tuổi.

Hàng chục năm nay, ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một địa chỉ nghệ thuật uy tín của công chúng mộ điệu và giới nghệ sĩ tên tuổi. Đó là nơi cư ngụ của 2 nghệ sĩ đặc biệt. Bà chủ nhà là nữ quay phim duy nhất của điện ảnh Cách mạng Việt Nam - nhà quay phim Đỗ Phương Thảo.

Nhà quay phim Đỗ Phương Thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mảng tường mặt tiền ốp kính trong suốt trưng bày tranh, gốm mới của chủ nhân - họa sĩ (HS) Lê Thiết Cương (SN 1962), hoặc của họa sĩ bày triển lãm. Hằng ngày, giờ hành chính, cánh cửa gỗ xanh cô ban rộng mở, nữ thư ký kiêm tiếp tân ngồi phía trong quan sát, khách hỏi mới ra nên người xem có cảm giác tự do chiêm ngưỡng. Người qua đường, khách du lịch ai cũng có thể vào xem. Cương dứt khoát không cho thuê dù rất nhiều thương hiệu, doanh nghiệp năn nỉ trả giá cao. Anh lại còn cho những người bán nước 3 ca/ngày ngồi trước cửa miễn phí. Lê Thiết Cương như hiệp sĩ “lạc” giữa thế giới thực dụng, giữa những hàng xóm và cư dân đô thị nhìn từng xăngtimét mặt đường là ra tiền, ra cách kiếm tiền. Người ủng hộ tính nghĩa hiệp ấy không lời than thở dù gánh nặng kinh tế chóng mặt - chính là bà Đỗ Phương Thảo (1940), mẹ đẻ HS Lê Thiết Cương là con đầu lòng của nhà quay phim (QP) Đỗ Phương Thảo và nhà biên kịch - nhà thơ Lê Nguyên (tác giả bài thơ Huế - Sài Gòn - Hà Nội nổi tiếng được Hoàng Vân phổ nhạc). Bên nội của HS là gia đình nghệ thuật - ông họ là nhạc sĩ Hoàng Vân, có con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi. Ông bà Thảo - Nguyên còn cô con gái Thiều Hoa (1964) sống ở thành phố Hồ Chí Minh nơi ông Lê Nguyên đã vào đây sống gần 40 năm sau khi họ ly hôn. Qua nhiều biến cố cuộc đời, niềm tự hào lớn của họ là con cái mà Lê Thiết Cương là tác phẩm và thành công lớn nhất.

Dáng người cao đậm, nước da nâu mịn, tóc phi-dê ngắn, trẻ hơn tuổi 75, trông bà Thảo luôn sang, thư nhàn, lại luôn hào hứng với việc nội trợ nấu ăn và niềm vui là nhìn ngắm mọi người ăn ngon, không nhiều người hôm nay biết bà đã vào sinh ra tử đã sống và vượt qua những năm tháng khó khăn khốc liệt. 17 tuổi bà đã thông thạo tiếng Trung Quốc để chuẩn bị đi học quay phim, nhưng rồi lại làm phiên dịch ở khu gang thép Thái Nguyên. Bà học lớp quay phim kháng chiến chống Mỹ (khóa 1, khóa chống Mỹ từ 1965 - 1967), 145 người thi tuyển lấy 30, chỉ 3 nữ trúng tuyển là: Từ Hậu (sau là đạo diễn phim tài liệu - mẹ nhà báo Vũ Thanh Hường VTV3), NSƯT Nguyễn Thủy Hằng (quay phim hoạt hình, vợ NSND Trần Văn Thủy - bạn cùng lớp) và Đỗ Phương Thảo (quay phim truyện). “Năm 1972, tôi được phân công quay tại Hà Nội. Các con sơ tán với bà nội trên Bình Đà. Một mình tại phòng 39A1 tầng 2, khu tập thể Giảng Võ, đêm 26/12/1972, nghe báo động, tôi ôm máy quay lao lên dốc Giảng Võ, đường phố vắng tanh. Xe Tổng cục thông tin chạy qua, họ ngạc nhiên thấy phụ nữ ngực đeo phù hiệu phòng không. Tôi cho xem thẻ và kéo khăn len phủ máy quay ra, họ cho đi cùng sang Khâm Thiên. Thấy một nữ quay phim quá lạ nên bộ đội dứt khoát không cho vào quay vì lý do mất điện tối om không quay được. Tất cả những người sống sót và tôi được đưa lên xe cứu thương đến binh trạm tiền phương, thôn Tự Nhiên ở Hưng Yên.”

Trả món nợ với sự kiện thảm khốc ở Khâm Thiên, viết năm 1984 -1985, tiểu thuyết Mẹ con của Đỗ Phương Thảo, được NXB Hà Nội in 6.000 cuốn tháng 8/1988. Dịch giả Đặng Kiên dịch một đoạn của tiểu thuyết này (Mère et fille) ra tiếng Pháp, in báo Vietnam Hebdo số 21, ra 22/5/1989. Tiểu thuyết tái bản 2010, bìa là tranh Mẹ con nhà X của Lê Thiết Cương, với câu chuyện tình mẹ đan lồng kế tiếp của những phụ nữ ba thế hệ khác nhau, thông qua nhân vật chính bác sĩ Hiền.

Năm 1969, khi làm phim Cuộc chiến đấu tiếp diễn, ĐD NSND Nguyễn Khắc Lợi - Hoàng Thái mời nữ quay phim Đỗ Phương Thảo diễn đôi bàn tay thay DV Trà Giang. Đó là cảnh tư sản Sáng (Lâm Tới đóng), người theo cách mạng, trao chiếc vòng cho nữ tình báo Việt Hà, cô ôm ấp trong tay. Năm 1974, khi cùng NSND Nguyễn Đăng Bảy quay Đến hẹn lại lên tại làng Phù Lưu, Bắc Ninh - làng đá xanh duy nhất miền Bắc, mỗi sáng Phương Thảo dậy sớm tỉa 3 bát thủy tiên bằng đu đủ cho bối cảnh như tư sản Bình - An, lúc ấy mùa Đông lạnh lấy đâu ra loại hoa chỉ có khi gần Tết.

Thời trẻ, bà Thảo là phụ nữ nhan sắc cao 1m62/50kg, chiều cao hiếm ở thế hệ của bà và đôi tay đẹp ấy không chỉ bế con cháu, chăm lo mẹ chồng đến phút lâm chung, cầm máy quay; đôi tay ấy còn làm oản, 64 loại bánh để trang trải cuộc sống, cáng đáng gia đình khi vợ chồng ly hôn lúc các con tuổi thiếu niên. “Tính nghĩa hiệp của Cương cũng ảnh hưởng bởi tôi. Dù ông ấy vào Nam để lại 2 con nhỏ cho tôi, tôi vẫn chăm sóc mẹ chồng và đến bây giờ vẫn cúng giỗ bà.”

Những ngón tay búp măng của bà Phương Thảo đã xoay nhiều ống kính máy quay từ thời chiến đến thời bình. Bà đã làm chủ máy quay Moskva 1,3 tạ (thu thanh đồng bộ, 4 người phụ đẩy xe) dịp tang lễ Bác Hồ, máy 16 li quay phim tài liệu Hà Nội mừng Sài Gòn giải phóng. “Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn cầm máy” - bà khẳng định. Đôi bàn tay ấy nhào trộn bột, nặn các loại bánh ngọt truyền thống và một số loại do bà sáng tạo ra để bỏ mối các quán café, quán nước, rồi dán phong bì, vẽ quạt, vẽ lụa, nuôi con hết đại học. Thuở hàn vi ấy, Lê Thiết Cương và Uyên - người vợ đầu đi bỏ bánh giúp mẹ, còn đưa cả vào trường ĐH SKĐA, Xuân Hinh ăn mê tít. Chẳng là mẹ bà Thảo từng có hiệu bánh Hưng Long ở chợ cũ Phố Hiến, Hưng Yên. Người thợ chính làm cho hiệu bánh này vốn quê Xuân Đỉnh, sau 1975, ông về Hà Nội làm việc và tìm đến Phương Thảo: Có muốn học nghề không? Có nghề thì khó khăn vẫn sống được. Bà Thảo chịu khó học, chủ yếu là quan sát, chứ thời gian đâu mà ghi chép, chỉ dạy cụ thể. Vốn có hoa tay, với thẩm mỹ của nhà quay phim, bánh của bà vừa ngon vừa đẹp. Bà còn làm được 3 loại mứt, mứt dẻo, mứt nguyên quả và mứt quết bánh mì. Dù khó khăn đến mấy, bà vẫn quyết cho con theo đuổi nghệ thuật. “Tôi từng cho Cương theo học nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, sau anh An kéo violin xưởng phim truyện bảo: “Thằng bé này không có khiếu nhạc, đừng mua đàn bắt nó học”. Cương 8 tuổi, tôi xin học họa thầy Thẩm Đức Tụ, Đinh Trọng Khang rồi Phạm Viết Song”. Thập niên 80 thế kỷ trước bà sống tại nhà 39 A1 khu tập thể Giảng Võ, căn phòng số 201, nhà C4 của nhà thơ Đặng Đình Hưng (bố NSND Đặng Thái Sơn) nối đầu nhà A1 nên thời thanh niên, Lê Thiết Cương có dịp gần gũi với nhiều nhà thơ, họa sĩ đến chơi với Đặng Đình Hưng. Đấy là một kiến giải anh đọc nhiều, đọc tinh và sau này đã vẽ bìa minh họa sách cho nhiều nhà văn nhà thơ.

Từ trái sang: Nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà quay phim Đỗ Phương Thảo, nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ngôi nhà 5 tầng mặt bằng 150m², tại 39A Lý Quốc Sư, tư gia của mẹ con họa sĩ là gallery tranh và đồ cổ, thường xuyên có tác phẩm mới, tranh, gốm của Lê Thiết Cương. Nơi đây còn là salon nghệ thuật cho các buổi âm nhạc, thơ ca, ra mắt sách, đĩa nhạc. Tầng nào cũng có tranh và đồ cổ. Phòng khách tầng 2 đặt dàn loa xịn và rất nhiều loại đĩa nhạc quý. Không lúc nào thiếu hoa tươi, từ tấm lụa đặt dưới tấm kính bàn đến vải thêu bọc họp giấy ăn đều do bà Thảo mua, sắp xếp; nhà ở trung tâm phố cổ rất sạch sẽ nhẹ nhàng và mang đến bình yên cho ai đến đây. Khoảng sân giữa nhà giếng trời, có dây leo, lạch nước, những chiếc ghế sơn cầu kỳ cho những cuộc hội tụ tao nhân, cây chuối xanh mướt để nhớ thi sĩ Nhật Basho, người mà Lê Thiết Cương ngưỡng mộ. Ai chơi với Lê Thiết Cương và được mẹ con anh quý mến, thỉnh thoảng lại nhận được quà là bánh bà Thảo làm, mùa nào thức ấy, nào bánh chả, bánh dừa, Tô Châu củ cải và bánh nướng truyền thống dịp Trung thu. Là Phật tử, mẹ con bà chú ý làm việc thiện. Lê Thiết Cương giúp cho trẻ em ung thư rồi lại về lo triển lãm cho các cháu tự kỷ tháng 5/2015. Anh hay giúp đỡ bạn bè minh họa tuyển chọn tranh cho triển lãm, tổ chức sự kiện. Hai mẹ con đều chung đức tin đạo Phật. Bà chia sẻ: “Sống thiện tâm vì tin luật nhân quả, nhờ theo đạo Phật, tôi mới giữ được thăng bằng và can trường qua nhiều gian nan.”

Từ đầu năm 2015, gian phòng tầng 1 rộng thêm bởi không còn cầu thang lên tầng 2 nữa. Nó bị bỏ vì gắn với sự biến không vui. Mùa Đông năm 2012, bà Thảo bị một tai nạn mà hậu quả đến cuối đời. Khi chạy theo cháu nội Lê Nguyên Nhật (1995) để đưa cháu chiếc áo lạnh, bà bị trượt chân ở cầu thang, bị gãy cổ xương đùi, phải phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ở tuổi 72, bị gãy xương nặng thế này, khả năng phục hồi như cũ là không thể. Sau 4 tháng nằm bất động, bà Thảo tự tập đi 2 tháng trời bằng xe khung trong phòng ngủ. Nỗ lực tập luyện liên tục, bà đã phục hồi, nhưng chân phải bị ngắn hơn 2cm so với ban đầu. Bà ưa dùng các thảo dược để chữa các bệnh thông thường. Bà coi chăm sóc cho con trai và cháu nội là hạnh phúc. Nhà nuôi người giúp việc, nhưng với bà Thảo, muốn gia đình ấm cúng thì không thể phó thác việc nhà cho họ mà phải giám sát và cố gắng nấu, ăn cùng nhau bữa tối. Bà viết tay kịch bản Duyên kiếp nhà thơ (7 tập). Tản mạn những mảnh đời (kịch bản chống ma túy) chờ lên màn ảnh. Các kịch bản này đều được Hội Điện ảnh đánh giá loại A ở trại sáng tác Đại Lải, Tam Đảo. So với các bạn bè theo nghề, bà Thảo không có danh hiệu nghệ sĩ, song không lấy đó để oán trách hay cảm giác thua thiệt.

Nhà quay phim Đỗ Phương Thảo đang chuyển thể tiểu thuyết Mẹ con thành kịch bản 35 tập, mới viết được 4 tập, đề cương gồm 3 phần: Quê hương, Chiến trường và Hậu phương.

VI THÙY LINH

Bộ VHTT&DL thông tin về việc “sơn Nhà hát Lớn” Người chiến sĩ áo trắng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ Kiến trúc xanh - Chìa khóa phát triển

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1