Nhà văn của núi đồi

14:06:00 16/10/2014
Nhà văn Hoàng Luận, 61 tuổi là người dân tộc Tày. Ông có nhiều tác phẩm viết về đề tài miền núi chân chất, mộc mạc nhưng để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc từ cách nghĩ cho đến cách viết.


Thợ kĩ thuật đến với văn chương

Tôi đến thăm nhà văn Hoàng Luận vào ngày đầu thu, tiết trời đồi núi ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên sáng sớm se lạnh. Nhà văn Hoàng Luận, ở cái tuổi 61, miệt mài ở góc nhà, tĩnh lặng viết. Thấy tôi, ông đứng dậy xởi lởi mời khách vào nhà và pha tách trà sáng uống cho ấm bụng. Tôi hỏi nhà văn viết chăm chỉ thế? Nhà văn Hoàng Luận cười rồi nói: “Viết thì tôi còn có trang văn nó trò chuyện chứ”.

Với nhà văn Hoàng Luận, sáng tác là một đam mê.

Nhà văn Hoàng Luận giãi bày: Tôi cũng chả hiểu tại sao mình lại có thể đi theo nghiệp viết. Sau khi nhập ngũ, tôi được cử đi học ngành cơ khí của Trường Kĩ thuật I thuộc Tổng cục Hậu cần. Toàn là ốc với vít, máy phát với máy nổ. Mọi thứ bắt đầu từ cuốn sách “Thi nhân Việt Nam” mà anh bạn tặng năm 1964. Tôi ngấu nghiến đọc đi đọc lại, rồi lại cắt ảnh các thi nhân trong đó dán vào sổ riêng. Tôi có cảm giác các ông ấy là thánh thần chứ không phải người thường, là những người siêu phàm đến từ một vũ trụ khác. Và trong đầu tôi len lén ước rằng một ngày nào đó mình cũng in sách riêng, và đó sẽ là một sự kì vĩ. Năm 1993, lúc ấy tôi 49 tuổi mới in được cuốn đầu tay là tiểu thuyết “Thao thức vùng đồi”. Cầm nó trên tay rồi mà tôi vẫn không thể tin nổi, có phần hồi hộp và sung sướng. Mấy đêm liền tôi không tài nào ngủ được.

Trốn vào rừng để viết văn

“Từ lúc rời quân ngũ, tôi trở về địa phương tham gia quản lý hợp tác xã, rồi hơn chục năm làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Bí thư Đảng ủy xã. Dở một cái là không có người để chia sẻ chuyện văn chương, đơn độc quá. Nhưng tôi thấy mình được gần dân gần làng, gần đồi gần ruộng. Nếu không có những năm gắn bó như thế, tôi biết lấy gì để viết”, nhà văn Hoàng Luận tâm sự.

Tôi băn khoăn nên hỏi: Làm cán bộ mà lại đi viết văn thì bác làm sao đảm đương công việc cho được? Ông khoát tay và cười rất tươi: Không, tôi chưa bao giờ bỏ bê việc dân việc làng. Mà cậu không biết, nhiều giai đoạn “sóng gió” lắm, làm sao mà bỏ bê được. Thế rồi ông kể: Điển hình như năm 1990, tranh chấp ruộng đất ông cha căng thẳng lắm. Ngày thì liên tiếp các cuộc làm việc với các đoàn của huyện, của tỉnh. Đêm thì không được ngủ vì lo có xô xát vì những mâu thuẫn được, mất trong dân. Nói dại, đến mức đi ngủ tôi còn phải kè kè con dao bên cạnh. Nghĩ lại thôi mà có khi toát mồ hôi chứ chẳng đùa. Nhiều chuyện lắm cậu ạ. Mà tôi đã viết thành tiểu thuyết rồi đấy, tác phẩm “Những con số tiếp theo”, tiếc là nó chưa được in ra…

Nghe chuyện mà tôi ngẩn cả người, không hiểu ông lấy dũng khí đâu để cầm bút đằng đẵng mấy chục năm như thế. Tôi định bụng nghĩ một cái gì vui hơn để trò chuyện, và hỏi: Lúc nào mà hoàn thành được một cuốn thì sung sướng lắm nhà văn nhỉ? Như chạm vào một hòn than ủ, ông kể: Hôm viết xong cuốn “Ngõ nhỏ ven rừng”, tôi vứt bút, cởi áo, đi một vòng quanh làng, quay về liền bảo vợ thịt cho anh con gà uống rượu, không giải thích nửa câu. Vợ không hiểu đầu đuôi ra sao, nghĩ bụng ông này dở chết à? Nghe đến đây, tôi không nói gì thêm, trong đầu nhớ đến nhà văn Nguyễn Việt Hà, ông ấy bảo rằng vợ của các nhà văn các nghệ sĩ đều là những người đắc đạo cả…

Câu chuyện làm tôi suy nghĩ, các nhà văn sướng thì sướng thật nhưng mà các bà vợ khổ. Tôi hỏi: “Chuyện vừa kể có phải lí do mà bác trốn biệt vào rừng viết văn không? Ông cười rồi giải thích: Tôi vào rừng viết văn là hoàn toàn do sở nguyện. Cậu nghĩ mà xem, một cái lán giữa rừng cọ, mát mẻ thoáng đãng và yên tĩnh, còn gì hơn nữa. Tôi trốn là trốn cái bức bách ngoài kia kìa. Không thể chịu nổi! Vào trong lán cọ, tôi ăn với rừng, ngủ với rừng, nghĩ với rừng. Ngày nào cũng viết, đều đặn, mà đâu thấy mệt mỏi.

Thú thật, nếu không nhờ cái lán cọ trong rừng, tôi không thể viết được ngần ấy”. Nhấp một ngụm nước chè, ông chậm lại: “Vừa rồi cái lán đổ mất cậu ạ, tiếc quá, nó mỏi rồi”. Tôi không biết an ủi ông thế nào, dù biết rằng ông đang tiếc lắm. Tôi chỉ nghĩ bụng, cái lán nhỏ bé kia đã cho ông 10 tiểu thuyết, mấy chục truyện ngắn, gần trăm bài thơ rồi, không mỏi sao nữa. Chỉ có điều, tôi hiểu rằng ông thì chưa muốn mỏi. Toàn bộ cuốn sách ông in mới được khoảng nửa những gì ông viết, vì ông tâm niệm rằng viết ra được là tốt rồi.

Nửa thế kỉ cầm bút, nhà văn Hoàng Luận chỉ “thâm canh” ở đề tài cách mạng và nông thôn miền núi. Tôi hỏi ông có bao giờ nghĩ đến việc mở rộng đề tài cho mình không? Nhà văn Hoàng Luận bình thản nói: “Mình chỉ viết về cái gì cảm thấy thực sự hiểu về nó nhất thôi. Vả lại, mỏ ở ngay dưới chân mình, không khai thác nó phí…”.

Những năm gần đây, ngoài việc vẫn đều đặn viết, ông còn có thêm cái thú đi hát. Người Định Biên xưa nay vẫn lấy làm khó hiểu về cái ông Hoàng Luận ở biệt trong rừng viết văn, nay lại thêm ngạc nhiên khi thấy ông ôm đàn tính đi dạy hát khắp làng trong xóm ngoài; từ sli, lượn, then, phong slư đến hát văn đám cưới, ông đều hát, mà hát rất mượt mà.

Phạm Lương

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1