Nhà văn Quân đội - binh chủng đặc biệt

09:04:00 23/12/2014
(CATP) Từ khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vấn đề văn hóa, văn nghệ Quân đội đã được bàn đến, làm sao để chính chiến sĩ viết về cuộc chiến đấu của mình, tác phẩm của họ đi vào đời sống tinh thần của bộ đội, nhân dân đó là ước nguyện của những người lãnh đạo. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi nhận được truyện ngắn Thư nhà của Hồ Phương, nhà văn Nguyên Hồng đã cầm chạy đến các lán ban biên tập Báo Văn học reo lên: “Tác phẩm của bộ đội đây rồi”. Có thể nói đó là truyện ngắn đầu tiên của một người lính viết về chuyện của họ. Sau đó, khi tờ Sinh hoạt Văn Nghệ ra đời, giới thiệu những tác phẩm Ký sự phố Ràng của Trần Đăng, Chặt gọng kìm đường số 4 của Hoàng Lộc, Trận Thanh Hương của Nguyễn Đình Lạp.



Ban đầu, thơ bộ đội đã hình thành diện mạo riêng, miêu tả chân dung người lính Áo anh rách vai/ Quần tôi có hai mảnh vá/ Đứng bên nhau chờ giặc tới. Những câu thơ của Chính Hữu chính là cột mốc trên chặng đường thơ chống Pháp. Người chiến sĩ phải đối mặt với gian khổ, đói rét tưởng như tận cùng nhưng vẫn ở thế chủ động trước kẻ thù. Có một điều thú vị là thơ đồng hành cùng ca dao. Chưa bao giờ bộ đội sáng tác ca dao nhiều tới độ cứ vài tháng Nhà xuất bản Quân Đội lại cho ra mắt một tập ca dao bộ đội. Thằng Tây chớ cậy xác dài/ Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày/ Thằng Tây chớ cậy béo quay/ Mày thức hai bữa là mày bở hơi/ Chúng tao thức bốn đêm rồi/ Ăn cháo ba bữa, chạy mười chín cây/ Bây giờ tao gặp mày đây/ Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao. Vậy đó, sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao cũng là thế chủ động. Thế chủ động ấy, phải chăng đây là đất nước của chúng ta, chúng ta làm cuộc cách mạng giải phóng đất nước.


Đoàn nhà văn Quân đội thăm lại chiến khu Việt Bắc năm 2010

Đến năm 1957, các nhà văn đã thành danh: Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao và các cây bút trẻ Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều... được tập hợp lại để ra mắt Tạp chí Văn nghệ Quân Đội.

Từ ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội hình thành một lớp tác giả mặc áo lính, với cảm hứng sáng tác về đất nước, nhân dân và bộ đội, một dòng văn học miêu tả trực tiếp cuộc kháng chiến của nhân dân, chất thời sự nóng hổi, có khi trận đánh, chiến dịch vừa kết thúc đã có ký sự, bút ký với ngôn ngữ đặc trưng bình dị mang khẩu ngữ hàng ngày của người tham gia kháng chiến. Điều này như là cuộc cách tân lớn giữa lúc trên văn đàn còn xuất hiện những trang viết biền ngẫu, có lúc đem cả điển tích, điển cố vào cho sang trọng.

Một lớp nhà văn mới trong Quân đội được hình thành, với Nguyễn Thi, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải... Thể loại truyện ngắn được xem là chủ lực, là nơi rèn luyện nghề cho các nhà văn trẻ. Truyện ngắn đòi hỏi người viết phải biết bố cục làm sao có được một câu chuyện và kết thúc tạo được bất ngờ cho người đọc. Ngôn ngữ của truyện cũng phải chọn lọc... Bài học ấy các nhà văn Quân đội truyền cho nhau như bí quyết về thể tài truyện ngắn. Nhưng phải đến sau hòa bình ở miền Bắc, tay nghề các cây bút mới định hình, tìm ra được giọng điệu riêng, hàng loạt truyện ngắn hay ra đời: Đôi vai của Xuân Thiều, Mùa xuân của Hải Hồ, Trăng sáng, Đôi bạn, Im lặng của Nguyễn Ngọc Tấn, Nằm vạ của Nguyễn Khải, Mất hết của Hữu Mai, Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của Nguyên Ngọc, Câu chuyện người cha của Trúc Hà... tạo nên bản sắc riêng của truyện ngắn các nhà văn Quân đội.

Các nhà văn đi thực tế đến các đơn vị vừa huấn luyện vừa giúp dân khôi phục đồng ruộng sản xuất, và viết những truyện dài. Tiểu thuyết Xung đột viết về vùng đồng bào công giáo ở Nam Định, Thái Bình; Cửa sông của Nguyễn Minh Châu viết về những số phận của con người vùng ven sông Nghệ Tĩnh; Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách. Tiểu thuyết đòi hỏi nhà văn phải có vốn sống, thấu hiểu về con người, mỗi cuốn sách mang một tầm khái quát về nhân sinh... Các tiểu thuyết đầu tay của nhà văn mặc áo lính hồi ấy nặng về chuyện kể, nhưng sức hấp dẫn cao nhờ phản ánh con người, vùng đất ít ai biết đến vì thời đó thông tin còn hạn chế.

Văn nghệ Quân đội phát triển rực rỡ nhất là thời chống Mỹ, thời kỳ đầu là truyện ngắn, ký sự, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Chúng tôi ở Cồn Cỏ, sau đó khi chất liệu hiện thực dồi dào là tiểu thuyết Dấu chân người lính, Miền cháy của Nguyễn Minh Châu; Đường trong mây, Cha và con và... của Nguyễn Khải, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh. Tiểu thuyết viết về chiến tranh của nhà văn Quân đội không chỉ ghi lại những chiến dịch lớn mà còn phản ảnh hiện thực, chân dung con người Việt Nam qua nhân vật rất ấn tượng thời chiến tranh. Sau khi đất nước thống nhất, lớp nhà văn, nhà thơ trẻ từ các đơn vị được bổ sung cho tạp chí như Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Anh Ngọc, Khuất Quang Thụy... với nhiều tác phẩm có tiếng vang rộng rãi. Có thể nói chính ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội đã hình thành một trường phái văn học về chiến tranh và cách mạng, đóng góp rất quan trọng vào việc hình thành diện mạo văn học VN thế kỷ 20.

Đại tá, nhà văn NGUYỄN QUỐC TRUNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1